“Hãy thành thực về tỷ lệ mù chữ ở vùng dân tộc thiểu số”

ĐB Đinh Thị Phương Lan phát biểu: “Có 2 điểm mà Bộ trưởng phải chỉ đạo lại. Thứ nhất là tính chân thực về tỷ lệ mù chữ ở vùng DTTS. Báo cáo của Bộ Giáo dục - Đào tạo về tỷ lệ xoá mù chữ thì rất cao; nhưng theo điều tra chính thức của Ủy ban Dân tộc và Bộ Kế hoạch và Đầu tư là thì cho thấy tỷ lệ mù chữ rất cao, đặc biệt là trong độ tuổi 20-60 lên tới khoảng 21%. Tôi cũng rất lo ngại về sự phù hợp của bộ SGK dành cho học sinh DTTS”.
Toàn cảnh phiên họp
Toàn cảnh phiên họp

Chất vấn Bộ trưởng Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến tại phiên họp sáng nay 13-8, các đại biểu (ĐB) Dương Xuân Hoà (Lạng Sơn); Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội; Nguyễn Thanh Xuân (Cần Thơ) bày tỏ trăn trở về việc số xã khó khăn trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) vẫn nhiều, tỷ lệ hộ nghèo cao, thu nhập bình quân thấp xa so với cả nước…

Bộ trưởng Đỗ Văn Chiến cho biết, năm 2017 tỷ lệ hộ nghèo khu vực miền núi Tây Bắc là 28,1%, miền núi Đông Bắc 14,87%; Tây Nguyên 12,86%; các tỉnh Bắc Trung bộ là 8,2% (tỷ lệ hộ nghèo cả nước là 6,7%). Tính chung, đồng bào DTTS chiếm đến 52,66% số hộ nghèo trên toàn quốc, với thu nhập bình quân chỉ khoảng 7-8 triệu đồng/ người/ năm; bằng khoảng 1/5 thu nhập bình quân cả nước.
“Hãy thành thực về tỷ lệ mù chữ ở vùng dân tộc thiểu số” ảnh 1 Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến trả lời chất vấn
Đồng tình với ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Ủy viên thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội về việc hiện có nhiều chương trình, chính sách, dự án… chồng chéo, hiệu quả thấp), Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến phát biểu: “Giảm nghèo đúng là vấn đề đang làm day dứt nhiều cấp lãnh đạo và chính bản thân tôi. Ủy ban Dân tộc đã tích cực cho tham mưu Chính phủ để ban hành nhiều chính sách hỗ trợ dân tộc miền núi, nhưng đúng là vẫn chưa có sự lồng ghép, tích hợp tất cả chương trình để có được những loại thuốc kháng sinh đủ liều”.
Cũng theo ông Đỗ Văn Chiến, đồng bào DTTS sinh sống rải rác ở 51 tỉnh, không bộ nào đủ nhân lực và điều kiện “ôm” hết được tất cả các chính sách kinh tế xã hội toàn diện cho đồng bào. Hiệu quả việc triển khai thực hiện chính sách phụ thuộc chủ yếu vào các địa phương, song “tôi vẫn thiết tha đề nghị có chính sách cũng như sự điều phối thống nhất ở tầm quốc gia về công tác dân tộc” – Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc nhấn mạnh.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến cho rằng quy định hiện này về chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban Dân tộc đã phần nào hạn chế hiệu quả hoạt động của Ủy ban.
Ông cho rằng, Ủy ban do ông đứng đầu tuy ngang cấp Bộ, nhưng lại không phải là Bộ, chỉ nói lên tiếng nói của đồng bào mà không phải cơ quan quản lý. Chính vì thế mà tuy đau đáu về nhiều vấn đề vướng mắc lâu nay ở các vùng DTTS như hộ khẩu và chứng minh nhân dân hay sắp xếp, bố trí dân cư gắn với tạo sinh kế cho đồng bào… vẫn chưa thể giải quyết được rốt ráo.
“Do đó, tới đây nếu không thành lập được bộ, thì chúng tôi đề nghị được tổ chức hoạt động đúng tính chất của một Ủy ban, nghĩa là có sự tham gia của các bộ ngành và do một Phó Thủ tướng Chính phủ chịu trách nhiệm chủ trì”, Bộ trưởng Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến đề xuất.

Chất lượng giáo dục, việc xây dựng, phát triển các công trình cơ sở hạ tầng, chính sách thu hút đầu tư… cho vùng DTTS cũng đã được các vị Bộ trưởng cùng tham gia giải đáp.

ĐB Đinh Thị Phương Lan, Ủy viên thường trực Hội đồng Dân tộc phản ánh thực trạng dồn ghép các điểm trường ở miền núi một cách cơ học gây khó khăn cho các em học sinh DTTS.

“Tỷ lệ mù chữ và tái mù chữ là đáng lo ngại, tới đây lại tích hợp chương trình, thay đổi sách giáo khoa (SGK)…, Bộ Giáo dục và Đào tạo có giải pháp gì để đảm bảo cải thiện chất lượng dạy và học ở những khu vực này?”, bà Đinh Thị Phương Lan chất vấn.

“Hãy thành thực về tỷ lệ mù chữ ở vùng dân tộc thiểu số” ảnh 2 Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết đã kiến nghị Chính phủ có chính sách cấp SGK cho con em đồng bào DTTS những vùng khó khăn
Thừa nhận những bất cập này, trong đó nổi bật là việc nhiều tỉnh chỉ mới kiên cố hoá được chưa tới 50% trường học ở các khu vực DTTS, địa bàn khó khăn, việc soạn thảo SGK song ngữ (tiếng Việt và tiếng dân tộc) còn hạn chế, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết đã kiến nghị Chính phủ có chính sách cấp SGK cho con em đồng bào DTTS những vùng khó khăn, xem xét điều chỉnh chính sách cử tuyển để nâng cao chất lượng nhân lực cho vùng DTTS…
ĐB Đinh Thị Phương Lan bày tỏ chưa đồng tình và thẳng thắn phát biểu: “Có 2 điểm mà Bộ trưởng phải chỉ đạo lại. Thứ nhất là tính chân thực về tỷ lệ mù chữ ở vùng DTTS. Báo cáo của Bộ Giáo dục - Đào tạo về tỷ lệ xoá mù chữ thì rất cao; nhưng theo điều tra chính thức của Ủy ban Dân tộc và Bộ Kế hoạch và Đầu tư là thì cho thấy tỷ lệ mù chữ rất cao, đặc biệt là trong độ tuổi 20-60 lên tới khoảng 21%. Tôi cũng rất lo ngại về sự phù hợp của bộ SGK dành cho học sinh DTTS”.

Tin cùng chuyên mục