Ngày 29-7, tại Sóc Trăng, Ban Tổ chức cuộc thi thơ ĐBSCL lần thứ 5 - 2012 đã tổng kết và trao giải cho 9 tác phẩm từ 531 bài thơ của 162 tác giả tham dự. Cuộc thi thơ ĐBSCL lần thứ 5 - 2012 do Hội VHNT tỉnh Sóc Trăng đăng cai tổ chức (tháng 4 đến 9-2012) kéo dài hơn dự kiến và nhận được khá nhiều nhận xét, đánh giá xoay quanh khâu tổ chức cuộc thi, chất lượng các bài dự giải…
Cái đích của cuộc thi này (cũng như các cuộc thi VHNT khác) chính là phát hiện, khai thác, tôn vinh cái đẹp chân - thiện - mỹ, tính nhân văn của người châu thổ cùng các thành tựu đổi mới trong cuộc sống hôm nay. Nét nhân văn đó thấm đẫm hơn 300 năm rồi, hòa chan như phù sa quyện vào cỏ cây sông nước miệt vườn. Nó làm con người, trước bao nghịch cảnh, xích lại gần nhau hơn, cảm thông nhau hơn, gạt đi những điều xoi mói, nhỏ nhặt; giúp họ dìu nhau vượt qua, đứng lên mạnh mẽ hơn trong tinh thần nghĩa hiệp. Cái thần, cái “linh khí’ văn hóa của vùng đất con người nơi đây trong quá trình tiếp biến, giao lưu văn hóa đã được mô tả, khắc họa xứng tầm? Đó cũng là nỗi trăn trở thường trực của các nhà văn, nhà thơ, văn nghệ sĩ; là dòng chủ đạo, luôn cần được phủ trùm, hiện rõ trong sáng tạo các tác phẩm VHNT, đặc biệt trước bối cảnh hội nhập văn hóa đa chiều, sâu rộng hiện nay và cả mai sau.
Nhà thơ Cao Thoại Châu (Long An), 75 tuổi, người từng đoạt giải nhất cuộc thi thơ ĐBSCL lần thứ 3 - 2006 tổ chức tại Long An, cũng là tác giả đoạt giải nhất cuộc thi thơ ĐBSCL lần này chia sẻ: “Cuộc sống đồng bằng ngày một đi lên, cần trân trọng, ghi nhận những đổi thay đó vì nó là công sức của cả cộng đồng. Người đồng bằng xưa nay chân chất, bộc trực, nghĩa hiệp, lạc quan, hào phóng, hiếu hòa... Trong mỗi con người hầu như đều có bóng dáng của chàng trai họ Lục (Vân Tiên) trọng nhân nghĩa. Điều sợ nhất trong thời buổi hội nhập là mai một, mất dần đi những điều đó. Chúng ta hãy “vạch lá tìm hoa” nhân lên những nét đẹp truyền thống”.
Báo SGGP xin trân trọng giới thiệu một số bài thơ (do các tác giả gởi) đoạt giải cuộc thi thơ ĐBSCL lần thứ 5 - 2012.
- Giải nhất
Tiếng đờn ca tài tử ở bến phà Vàm Cống
Cao Thoại Châu, Long An
Đêm nghe tiếng đờn ca tài tử
Lạnh căm mà vẫn ấm trong lòng
Điều nhân nghĩa treo ra phía trước
Thói lọc lừa nịnh hót bỏ sau lưng
Kiến ngãi bất vi vô dõng giả
Chữ cang thường một gánh trên vai
Cây mía cây tre còn có đốt
Thẳng ngay ngay thẳng huống chi người
Đất dạy thêm làm người hào phóng
Lòng người có lúc giống lòng ghe
Mấy mảnh ván ghép thành nơi hành hiệp
Mưa sông buồn nhường chỗ kẻ sa cơ
Đêm nghe tiếng đờn ca tài tử
Góc đường hay ở bến sông kia
Bậu lạt lòng phút giây nào ai biết
Gởi tiếng đờn đi đón bậu quay về
Cặp Vĩnh Long ngoẹo sang hướng khác
Qua phà chạy ngược tới Cần Thơ
Có cầu nỡ nào quên bến cũ
Làm sao quên câu hát tiếng đàn mù!
Con cá nhúm rau vài bạn nhậu
Chuyện đời đâu đó kể cho nhau
Đẹp và buồn chia câu vọng cổ
Em ngọt ngào ta nhận đắng cay cho
Và trong đám đờn ca tài tử
Có kẻ ngồi im lặng dóng tai nghe
Quê nhà mút tận phương trời khác
Lòng nguôi ngoai theo giọng xuống xề.
- Giải nhì:
Phía mùa cam bạc lá
Nguyễn Thanh Hải, Tiền Giang
lòng nghĩ gì khi nhổ bụi u du
màu khói trắng/ đốt chiều/ đốt trời/ đốt lòng người/
đốt mùa cam bạc lá
con dế lửa úp đầu vào hoàng hôn thổi điệu sáo
gió cuốc những đường thở nhọc nhằn trên nền đất đen nâu
sau lưng cha màu xanh đã ngã
là đồng nghĩa với màu trắng tay người gom về ngập rỗng
nỗi buồn đeo đĩa
những cành cam lụp đụp
chiều rơi trên nền lá vàng
ai bắn vào trời cọng u du tuổi thơ còn đau vết sẹo
để sau mùa riêng tiếng mẹ thở dài
để khói trắng đêm cha dằn cơn ho mất ngủ
để trang sách niềm tin anh lén giấu
để lỡ mùa chị mượn chữ nghèo tiếc rẻ thời gian
để trái tim ước ao ngày cũ
chiều hoang mang khói sương
hoang mang lời gió thổi
rãnh đất cọ lòng bàn chân tạ lỗi
xòe tay chai sạm giấc mơ
hớt vài giọt chiều rơi
ly mưa đầu mùa
rưới một khoảng mát cho tâm hồn khuây khỏa
để bắt đầu thâm canh những niềm vui kéo nhau xen vụ
và tôi
phía mùa cam bạc lá
nhổ bụi u du chiều sẽ đứt bớt tâm tư…
THỐNG NHẤT