Những ngày qua, dư luận đặc biệt quan tâm thông tin An Giang tổ chức đấu thầu mỏ cát. Quan tâm trước hết là từ việc doanh nghiệp trúng thầu đưa ra mức giá “khủng”, trên 2.800 tỷ đồng, trong khi giá đấu thầu ban đầu chỉ 7,2 tỷ đồng. Nhưng, mối quan tâm còn nằm ở khía cạnh môi trường.
Trên trang Facebook cá nhân, PGS-TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (Trường Đại học Cần Thơ) bày tỏ bức xúc: “Cho dù mỗi năm tỉnh An Giang có thu lợi từ bán tài nguyên hơn trăm tỷ đồng nhưng sẽ “lợi bất cập hại” khi tính chung thiệt hại cho cả đồng bằng. Nếu mỗi địa phương tự bán quyền khai thác cát trên địa phận quản lý của mình, cho dù tất cả đều nói là “làm đúng quy trình”, thì tiến trình sụp đổ cả vùng châu thổ sẽ diễn ra sớm hơn, thời gian không tính bằng thế kỷ nữa mà sẽ giảm xuống bằng thập niên, thậm chí các làng mạc, vùng đất yếu, nhạy cảm, sự tồn tại chỉ còn tính theo năm tháng…”.
Theo PGS-TS Lê Anh Tuấn, khoảng 20 - 30 năm gần đây, từ khi hình thành các đập thuỷ điện ở Trung Quốc và Lào trên các dòng chính sông Mê Công; cộng hiện tượng biến đổi khí hậu (BĐKH), thêm yếu tố khai thác cát quá mức tại các địa phương, rồi nạn phá rừng ngập mặn, nạo vét các giồng cát ven biển… khiến nguồn cát trên sông Mê Công sụt giảm báo động. Giá cát xây dựng và san lấp không ngừng tăng vì khan hiếm.
Theo nhiều khảo sát, hàm lượng bùn cát trên sông Mê Công giảm xuống hơn 50%, lượng bùn cát về đồng bằng chỉ 70 - 80 triệu tấn mỗi năm. Các quan trắc hàng năm cho kết quả hàm lượng chất rắn, phù sa lơ lửng cũng đang trên đà giảm sút, với tốc độ 2,5%/năm. Hệ quả là hiện tượng sạt lở, sụt lún ở ĐBSCL do tình trạng “nước đói phù sa”. Hiện nay, mỗi năm đồng bằng bị mất đi 550ha đất. Hiện tượng bạc màu đất do thiếu phù sa, cũng đang bộc lộ rõ nét. Khai thác cát cũng làm hạ thấp cao trình đáy sông khiến nước mặn xâm nhập sâu hơn vào mùa khô.
BĐKH ở ĐBSCL không theo ranh giới hành chính, vấn đề liên kết trong thực hiện các giải pháp để thích ứng với BĐKH nên vận hành theo hướng nào để hiệu quả hơn?
Theo thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập về hệ sinh thái ĐBSCL: Nếu ví ĐBSCL như một cơ thể sống vận hành trong một tổng thể, thì các hệ thống này không theo ranh giới hành chính của các địa phương. BĐKH cũng không diễn ra theo ranh giới hành chính các tỉnh; ảnh hưởng của việc khai thác cát cũng không theo ranh giới hành chính. Tất cả các sông rạch ở ĐBSCL thuộc một hệ thống sông Cửu Long, khi khai thác cát làm sâu đáy sông ở một nơi thì đáy sông sẽ tái phân phối lại làm cho toàn bộ đáy sông bị sâu theo. Khi đáy sông chính bị sâu thì sẽ rút bùn cát từ sông nhánh, kênh rạch ra, làm cho sông nhỏ, kênh rạch cũng bị sâu thêm và sạt lở lan tỏa khắp đồng bằng.
Từ đó, thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện nhấn mạnh, liên kết vùng là một việc tất yếu phải làm, vì có những vấn đề ở cấp vùng cần giải quyết chung chứ không thể “đèn nhà ai nấy sáng” theo địa phương được.
Bước vào mùa khô, mùa xây dựng, giá cát đang có những diễn biến nóng theo hướng tăng vọt. Cát xây dựng là nhu cầu “nóng”, khó có thể cấm khai thác nhưng phải cân đối khoa học và kiểm soát một cách hợp lý. Các nhà khoa học cho rằng, hiện nay chưa có quy hoạch khai thác cát mang tính tổng thể toàn vùng ĐBSCL.
Những mỏ cát, tài nguyên, đất đai giao cho tỉnh quản lý không có sự liên kết, không ai tính toán đến chuyện khai thác tài nguyên, mỏ cát của tỉnh này có ảnh hưởng tới tỉnh khác hay không. Những quyền lợi mang tính cục bộ chi phối, địa phương chỉ tính làm sao đem lại ngân sách cho tỉnh nhà, mà không biết rằng đang gây hại cho chính mình và cả các tỉnh khác nữa. Đó là bất cập của cả nước chứ không phải chỉ vùng ĐBSCL.