Hệ lụy từ căng thẳng

Quan hệ ngoại giao giữa Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc mấy tuần qua trở nên căng thẳng với những màn trừng phạt ăn miếng trả miếng giữa hai bên, liên quan đến những cáo buộc của Brussels về việc Bắc Kinh đàn áp người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. 
Hệ lụy từ căng thẳng

Một trong những hệ lụy thấy ngay từ sự gia tăng căng thẳng này là thỏa thuận đầu tư giữa EU và Trung Quốc vừa đạt hồi cuối tháng 12 năm ngoái có thể bị tổn hại.

Trước báo giới tại Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh tuyên bố rằng nếu tiếp tục, châu Âu sẽ phải trả giá và thậm chí đe dọa hủy thỏa thuận đầu tư mà hai bên đã ký kết.

Trong khi đó, Nghị viện châu Âu đã hủy phiên họp dự kiến thảo luận để thông qua Thỏa thuận toàn bộ về đầu tư (CAI) đã ký với Trung Quốc để phản đối các trừng phạt của Bắc Kinh.

Thỏa thuận đầu tư được Brussels và Bắc Kinh ký kết sau 7 năm thương lượng khó khăn. Điểm mấu chốt là thỏa thuận trên vẫn phải thông qua khâu phê chuẩn ở Nghị viện. Ngay từ đầu, thỏa thuận này cũng đã gây không ít tranh cãi ngay tại định chế của châu Âu. Nhiều tiếng nói cho rằng Brussels đã nhượng bộ Bắc Kinh về các hồ sơ ở Tân Cương hay Hồng Công và bị coi là động thái rời xa đồng minh Mỹ. Bản thân Chính phủ Mỹ dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump cũng như Tổng thống đương nhiệm Joe Biden không hề muốn có thỏa thuận này của châu Âu.

Với những biến động ngoại giao giữa Trung Quốc và EU như đã thấy, nhiều chuyên gia nhận định thỏa thuận đầu tư này đang bị rơi vào tình trạng “chết lâm sàng” vì trong số những chính khách châu Âu bị Bắc Kinh cho vào danh sách đen trừng phạt có nhân vật rất có ảnh hưởng đến quan hệ của EU với Bắc Kinh: nghị sĩ Reinhard Butikofer, Chủ tịch nhóm nghị sĩ chuyên trách về Trung Quốc.

Trong 4 năm với chính sách “nước Mỹ trên hết” của ông Donald Trump gây mâu thuẫn nghiêm trọng với các đồng minh, châu Âu buộc phải tìm kiếm một chiến lược tự chủ, không muốn bị chi phối bởi cuộc cạnh tranh Trung Quốc - Mỹ cũng như không muốn bị coi là chạy theo Mỹ.  EU - với đầu tàu là Pháp và Đức - vẫn tuyên bố Trung Quốc là đối tác sống còn về kinh tế nhưng cũng là đối thủ mang tính hệ thống, còn Mỹ là đồng minh chiến lược.

Châu Âu cho rằng khối này phải mạnh mẽ và dám đối đầu với Trung Quốc trong một số lĩnh vực nhất định thì mới được Trung Quốc tôn trọng, qua đó mới duy trì được lợi thế và lợi ích trong quan hệ với Trung Quốc.

Điều này đã thể hiện rất rõ trong các tuyên bố cứng rắn mà lần đầu tiên EU nêu ra trong các vấn đề như Hồng Công, Tân Cương hay tự do hàng hải ở Biển Đông trong thời gian gần đây.

Tin cùng chuyên mục