Thực tế lệch định hướng
Các khu vực xây dựng mới đa phần lân cận khu nội thành hiện hữu, như quận 8, Thủ Đức, Gò Vấp, Bình Tân. Mặt khác, theo quy hoạch chung, hướng phát triển chính của TPHCM là Đông và Nam, nhưng thực tế các quận phía Đông tăng dân số khá chậm. Quận 2, 9, Thủ Đức, được tập trung nhiều nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng, đó là tuyến metro số 1, cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, đường Phạm Văn Đồng, Khu đô thị mới Thủ Thiêm… nhưng dân số chỉ tăng trung bình 18%.
Ngược lại, các quận huyện phía Tây và Tây Bắc lại tăng dân số rất nhanh, quận 12 tăng 29%, Bình Tân tăng 23%, huyện Bình Chánh tăng 46%, huyện Hóc Môn tăng 24%. Đây là các quận huyện được người nhập cư chọn làm nơi ở khi đến TPHCM. Một trong những nguyên nhân nơi này được người nhập cư chọn vì có giá nhà, đất phù hợp với khả năng chi trả của họ. Vì không thuộc hướng phát triển chính của thành phố, không được đầu tư nhiều để phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội nên giá nhà, đất ở đây thấp hơn nhiều khu vực khác (!!). Điều này dẫn tới thực trạng tăng dân số không theo quy hoạch kéo theo nhiều khu vực dân cư phát triển tự phát.
Một góc nhìn khác minh chứng cho thực tế này: khảo sát từ vệ tinh vào năm 2010 và năm 2019 cho thấy sự dồn nén vào trung tâm. Diện tích có xây dựng tập trung tính toán từ ảnh vệ tinh tăng 13.600ha, chủ yếu ở các khu vực quanh trung tâm. Các quận mới thuộc vùng ven không còn đất trống cho nông nghiệp, nơi nào còn đất trống… là đất chưa xây dựng. Theo TS Nguyễn Minh Hòa, nguyên nhân chính là mô hình phát triển đô thị của TPHCM đã lạc hậu. Mô hình đô thị đơn cực dẫn đến quá tải cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội, quá tải dân số. Cách làm của thành phố giống như hòn đá ném xuống giữa hồ, dù cố gắng cỡ nào thì sóng không thể lan ra hết mặt hồ, tức là xung lực của trung tâm không vươn ra xa được.
Nghiên cứu giữa đồ án quy hoạch và thực tế, ông Huỳnh Thế Du, giảng viên Trường Đại học Fulbright, phân tích, các chính sách nhà nước nhất quán trong chục năm qua là giãn dân và quy hoạch đa cực… nhưng kết quả cho thấy chính sách một đường, thị trường lại đi một nẻo. Nếu cứ thay đổi hướng như vậy thì đô thị phát triển khó bền vững!
Khoét lõm làm dự án
Hạ tầng đầu tư chậm nhưng các dự án nhà ở với quy mô dân số lớn liên tục được cấp phép xây dựng. Thực hiện quy hoạch với quy trình ngược (quy trình thuận là hạ tầng đi trước) đã gây ra tình trạng ngày càng ùn tắc giao thông, đặc biệt vào giờ cao điểm.
Năm 2017, UBND TPHCM có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ kiến nghị cho phép triển khai xây dựng cầu vượt tại ngã sáu Công trường Dân Chủ (tiếp giáp quận 3 và quận 10) theo lệnh khẩn cấp để giảm ùn tắc khu vực này. Theo thiết kế, cầu vượt làm bằng thép, dành cho cả ô tô và xe máy; dài hơn 268m, mỗi làn rộng 6,5m; từ đường Võ Thị Sáu qua vòng xoay đến đường 3 Tháng 2. Dự án đã được thông qua chủ trương đầu tư công giai đoạn 2016-2020 tổng mức phí 281 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố... Bao mùa mưa nắng trôi qua, cây cầu vẫn nằm trên giấy, giải pháp xử lý tình trạng ùn ứ hiện hữu chưa có.
Thời điểm đó lại “nhồi thêm” đại dự án Hado Centrosa Garden trổ ra đường 3 Tháng 2, kéo dài từ đường Cách Mạng Tháng Tám đến đường Cao Thắng. Với quy mô 6,8ha, 110 căn nhà phố và 8 tòa nhà cao 30 tầng, hơn 2.000 căn hộ, nơi cư ngụ cho khoảng 10.000 người, đến giờ cao điểm phải đi qua đây, thật ngột ngạt!
Điều tương tự cũng xảy ra tại khu vực đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh). Dự án căn hộ Vinhomes Tân Cảng được cấp phép xây dựng đã làm cho dân số của quận Bình Thạnh tăng vọt lên ngưỡng 500.000 dân cách nay vài năm, bằng dân số theo quy hoạch của quận này vào năm 2020! Khi làm dự án này, cư dân từng nghe lời hứa của chủ đầu tư, sẽ “ủng hộ” thành phố 1.000 tỷ đồng để mở rộng đường Ung Văn Khiêm, nhằm giảm áp lực ùn tắc giao thông.
Đến nay, đường vẫn như cũ, công viên của dự án nằm trên mặt sông Sài Gòn rộng 50m, dài cả kilômét để chủ yếu phục vụ cư dân. Hoặc khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, đường Phổ Quang, đường Hoàng Minh Giám, đường Hồng Hà có hàng loạt dự án cao ốc, trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê và chung cư xuất hiện… Người dân sinh sống tại đây, hàng ngày mỏi mòn vì áp lực xe cộ, còn việc mở rộng, cải tạo đường theo lộ giới quy hoạch thì gần như là “không thể”, không biết khi nào thực hiện.
Vấn nạn “khoét lõm” làm cao ốc, gây ùn tắc giao thông đã trở thành câu chuyện nóng bỏng đặt lên bàn các cơ quan chức năng. Năm 2016, khi giải trình chất vấn của đại biểu HĐND TPHCM, Giám đốc Sở Xây dựng lúc đó đã thừa nhận: “Bất cập là các dự án nhà cao tầng hiện nay ở TPHCM lại đi trước các dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật như chưa mở đường, chưa có hệ thống kỹ thuật…”. Đến năm 2019, Ban An toàn giao thông TPHCM cho biết đã có văn bản góp ý cho 32 dự án nhà ở, thương mại dịch vụ, yêu cầu phối hợp với các đơn vị liên quan để đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng giao thông theo quy hoạch. Vì vướng việc rà soát các dự án xuất phát từ đất công, dịch Covid-19, tốc độ xây dựng các tòa nhà bị chậm lại, nên sẽ khó đánh giá đầy đủ giải pháp xử lý ùn tắc giao thông khi xây dựng cao ốc khu trung tâm thành phố, theo đề xuất nói trên. |