Ngày 15-5, tại khu vực bờ biển Xuân Thiều (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng), hệ thống cảnh báo sóng thần đầu tiên ở Việt Nam đã được triển khai thử nghiệm. Sau diễn tập, nhiều ý kiến cho rằng cần hoàn thiện hơn nữa hệ thống cũng như quy trình cảnh báo, hướng dẫn người dân sơ tán, đối phó với sóng thần.
Hiện hữu nguy cơ sóng thần
Theo TS Lê Huy Minh, Viện Vật lý địa cầu, cho tới nay chưa có những bằng chứng thuyết phục để khẳng định sóng thần đã ảnh hưởng tới vùng biển Việt Nam, tuy nhiên, theo các kết quả nghiên cứu đã được thực hiện tại Viện Vật lý địa cầu, các vùng nguồn động đất ở khu vực biển Đông và lân cận có thể gây nên sóng thần ảnh hưởng tới vùng biển nước ta.
Theo các kịch bản đã tính toán của Bộ TN-MT, nếu một trận động đất cường độ 8,3 độ richter xảy ra ở khu vực đới hút chìm Manila thì có thể tạo nên sóng thần cao 5,2m ở Quảng Ngãi và 2,1m ở Nha Trang. Một trận động đất có cường độ 9,2 độ richter ở cùng khu vực trên có thể tạo ra sóng thần cao 10,6m ở Quảng Ngãi và 5m ở Nha Trang và thời gian sóng thần đi tới bờ biển Việt Nam là 2 tiếng đồng hồ.
Về mặt khoa học, các trận động đất có cường độ lớn hơn 6,5 độ richter ở những vùng biển có thể gây nên sóng thần, vì vậy nguy cơ sóng thần ở vùng biển Việt Nam là hiện hữu và cần phải được quan tâm.
Trực tiếp chỉ đạo thực nghiệm, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng, nước ta có hơn 3.000km bờ biển nên việc cảnh báo sóng thần trong tình hình biến đổi khí hậu toàn cầu là hết sức cấp bách. Việc Công ty Viễn thông Viettel phối hợp cùng Viện Vật lý địa cầu, Bộ NN-PTNT xây dựng thử nghiệm 10 trạm cảnh báo sóng thần đầu tiên ở Đà Nẵng là hết sức cần thiết. Đây là điều kiện để giúp người dân có thời gian, chủ động sơ tán khi có sóng thần ập đến nước ta.
Tiếp tục hoàn thiện
Dựa theo mô hình cảnh báo sóng thần của Nhật Bản, Indonesia, hệ thống được xây dựng ban đầu này gồm 10 trạm cảnh báo sóng thần. Trong đó, 2 trạm đặt tại 2 đài trực canh đồn biên phòng và Trung đoàn thông tin, 2 trạm cảnh báo tự động tại các đài truyền thanh, 6 trạm bán tự động tại các xã, phường ven biển. Hệ thống này kết nối với hệ thống tiếp nhận thông tin - cảnh báo sóng thần từ Viện Vật lý địa cầu, sau đó chuyển tải thông tin cảnh báo đến từng vùng, từng tỉnh, thành ven biển dựa trên các phương tiện truyền trực tiếp hoặc hạ tầng viễn thông rộng khắp của mạng di động Viettel.
Trong buổi thử nghiệm, kịch bản là một trận động đất 8,8 độ richter diễn ra hồi 9 giờ 55 ở ngoài khơi phía Tây quần đảo Philippines, có khả năng gây ra sóng thần lớn ảnh hưởng trực tiếp tới khu vực bờ biển Đà Nẵng. Trong vòng 10 phút sau khi động đất xảy ra, tiếp nhận thông tin cảnh báo sóng thần từ Viện Vật lý địa cầu, hệ thống còi hụ, các phương tiện báo động gây sự chú ý của người dân được vận hành.
Ngay sau đó, hệ thống phát thanh qua sóng, phát thanh trực tiếp bằng các loa công suất lớn phát đi bản tin đầu tiên với nội dung thông báo động đất, vị trí, địa điểm và cảnh báo nguy cơ tác động, ảnh hưởng bởi sóng thần. Đồng thời, tại các khu vực xảy ra nguy cơ sóng thần, các thuê bao điện thoại di động nhận được tin nhắn thông báo, cảnh báo…
Kết luận tại buổi thực nghiệm, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đánh giá cao kết quả ban đầu của hệ thống cảnh báo sóng thần đầu tiên do Việt Nam tự thiết kế, lắp đặt và vận hành. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng lưu ý các đơn vị tiếp tục hoàn thiện, nâng cao chất lượng thiết bị, mạng lưới thông tin và đặc biệt là quy trình vận hành, thông báo thông tin, lồng ghép với các chương trình phòng chống thiên tai để đồng bộ hóa hệ thống. Đặc biệt, Phó Thủ tướng chỉ đạo các đơn vị chỉnh sửa lại quy trình thông báo cho người dân. Bởi lẽ, sau khi động đất gây sóng thần xảy ra thì còn nhiều dư chấn và nguy cơ sóng thần tiếp tục ập vào đất liền là rất có thể. Vì vậy, sau khi đợt sóng thần đầu tiên xảy ra thì cần khoảng thời gian từ 1 - 2 tiếng đồng hồ sau mới thông báo cho người dân quay về. Bên cạnh đó, các địa phương cần xây dựng cụ thể những điểm để người dân sơ tán đến. Đối với việc thông báo qua tin SMS, cần phải định vị cho được những người đang dùng di động nằm trong vùng bị ảnh hưởng bởi sóng thần, để tránh tình trạng nhắn tin thông báo đến với người đang ở miền núi.
Bên cạnh đó, cần phổ biến rộng rãi, nâng cao nhận thức, tinh thần cảnh giác và kỹ năng phòng chống, cứu hộ, cứu nạn của người dân trước thảm họa sóng thần, động đất và thiên tai nói chung.
Nguyễn Hùng