Nhân dịp thông xe cầu Phú Long sáng 1-2-2012, điểm lại hệ thống cầu tại TPHCM, người ta không khỏi giật mình. Bởi dù là đô thị lớn nhất nước nhưng TPHCM có đến 77,43% số cầu yếu hoặc cầu có tải trọng thấp dưới chuẩn. Đó thực sự là con số đáng suy nghĩ.
Cầu già và yếu
Trước đây, trọn 7 ngày trong 1 tuần, lượng xe lưu thông qua cầu sắt Phú Long nối liền đường Hà Huy Giáp quận 12, TPHCM với huyện Thuận An tỉnh Bình Dương gần như không lúc nào ngớt. Vấn đề ở chỗ, cây cầu này đã quá xuống cấp nhưng vẫn chưa được “nghỉ hưu” hoặc làm mới mà cứ phải ngày ngày nai lưng cõng một lượng lớn người và xe qua lại. Được người Pháp xây dựng vào năm 1913 với kết cấu ban đầu là sắt, trong quá trình sử dụng đến nay cầu được đổ bê tông một phần mặt cầu, còn lại vẫn là kết cấu sắt. Cây cầu 98 năm tuổi này chỉ có tải trọng 5 tấn và vì thế chỉ cho phép người đi bộ, xe hai bánh lưu thông do cầu đã bị xuống cấp nghiêm trọng.
Theo thống kê từ ngành chức năng, toàn TPHCM hiện có 1.015 cầu các loại, trong đó có đến 786 cầu thuộc diện cầu yếu, cầu có tải trọng thấp dưới 30 tấn. Thậm chí có nhiều cầu tải trọng chỉ một vài tấn. Điển hình là cầu Kinh trên đường Phú Hữu thuộc quận 9 tải trọng chỉ 0,5 tấn; cầu Hai Bay thuộc khu phố 1, phường An Phú Đông quận 12 tải trọng 2,5 tấn; cầu Ao cá Bác Hồ trên đường Linh Đông quận Thủ Đức tải trọng 0,3 tấn; cầu Cống phường 28 quận Bình Thạnh tải trọng 1 tấn; cầu Trần Khánh Dư trên đường Trần Khắc Chân quận Phú Nhuận tải trọng 5 tấn; cầu Long Kiển trên đường Lê Văn Lương huyện Nhà Bè tải trọng 1 tấn… Thật đáng ngại khi toàn bộ số cầu yếu hoặc cầu có tải trọng thấp dưới chuẩn này dàn trải tại 20 quận huyện, từ nội thành cho đến quận ven, quận mới và huyện ngoại thành. Nơi nào cũng có thể điểm danh vài cầu có vấn đề.
Về mặt quản lý, trong số 1.015 cầu trên địa bàn TPHCM có 375 cầu do Sở Giao thông Vận tải trực tiếp quản lý thông qua các khu quản lý giao thông đô thị, trong đó có 152 cầu yếu hoặc có tải trọng thấp dưới chuẩn, chiếm tỷ lệ gần 41%. Trong 640 cầu còn lại thuộc quyền quản lý của các quận huyện, có đến 634 cầu là cầu yếu, cầu có tải trọng thấp dưới chuẩn 30 tấn, chiếm tỷ lệ hơn 99%.
Đáng chú ý không kém là trong số 77,43% số cầu này, rất nhiều cầu đã quá cũ. Trường hợp của Khu Quản lý giao thông đô thị số 3 có thể xem là một điển hình. Trong số 105 cầu được giao phân cấp cho khu quản lý có đến 20 cầu tuổi thọ trên 20 năm; 16 cầu từ 15 đến 20 năm; 19 cầu được xây dựng cách đây từ 10 đến 15 năm… Nghĩa là chỉ có gần 50% số cầu do khu quản lý là được xây dựng và khai thác trong vòng 10 năm trở lại đây. Số cầu mới này chủ yếu nằm trên quốc lộ 1A, quốc lộ 22…
Bao giờ đồng bộ hóa tải trọng?
Về mặt lịch sử, đa phần các cầu yếu, cầu tải trọng thấp trên địa bàn TP vốn được xây dựng trong giai đoạn mà địa bàn các quận huyện chưa có sự chuyển mình mạnh mẽ sang hướng đô thị hóa. Điều này giải thích vì sao rất nhiều cầu do địa phương quản lý chỉ có thể phục vụ cho giao thông… nông thôn, thủy lợi.
Hậu quả của tình trạng còn quá nhiều cầu yếu, cầu tải trọng thấp dưới chuẩn là sự không đồng bộ với tuyến đường hoặc với những cầu khác nằm dọc trên cùng tuyến giao thông. Tiếp theo, vì không đồng bộ nên tất yếu nảy sinh việc hạn chế tải trọng qua cầu và từ đây vô hình trung làm xã hội tốn kém thời gian tiền của vì xe tải phải đi đường vòng để “né” cầu yếu. Đối với những cầu có vấn đề nhưng buộc tiếp tục duy trì giao thông, cơ quan quản lý sẽ phải tổ chức nhân sự trực gác 24/24. Trường hợp cầu sắt Phú Long nêu trên là một ví dụ. Suốt thời gian dài qua, đơn vị quản lý cầu đã phải bố trí trạm gác ở cả hai đầu cầu. Và cuối cùng là việc liên quan đến mỹ quan đô thị. Bởi vì hầu hết cầu yếu, cầu tải trọng thấp trên địa bàn TPHCM đều có vẻ ngoài xù xì, thậm chí nhếch nhác và nhất là không đảm bảo an toàn giao thông.
Để đảm bảo an toàn giao thông và để khai thác tối ưu kết cấu hạ tầng giao thông đô thị, việc đồng bộ hóa tải trọng cầu tức chấn chỉnh, giải quyết thực trạng cầu yếu là nhu cầu bức xúc đang đặt ra cho TPHCM.
Vẫn biết vốn đầu tư là bài toán không đơn giản nhưng chính quyền TPHCM cũng không thể để kéo dài sự tồn tại của những cây cầu yếu, cầu tải trọng dưới tiêu chuẩn trên địa bàn. Vì thế câu hỏi đặt ra cho ngành chức năng là bao giờ TPHCM không còn cầu yếu?
THIỆN NHÂN