Để tạo điều kiện cho đoàn nghiên cứu khảo sát (Bộ Tư pháp) về tình hình thi hành pháp luật, tại buổi tọa đàm về việc đánh giá hoạt động thi hành pháp luật về xây dựng trên địa bàn TPHCM ngày 22-3, ông Nguyễn Văn Hiệp, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP, cho rằng muốn người dân tuân thủ pháp luật thì luật phải rõ ràng, kín kẽ và nghiêm. Nhưng thực tế hệ thống luật hiện nay chưa đáp ứng được các vấn đề này.
Bán nước sâm lề đường, bị phạt 20 - 30 triệu đồng?
Tại buổi tọa đàm, nhiều đại biểu cho rằng quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng hiện nay chưa rõ ràng và nhiều điểm bất hợp lý.
Ông Đinh Văn Thanh, Chánh Thanh tra xây dựng (TTXD) quận 8, cho biết theo quy định những dự án sau 2 năm không triển khai sẽ thu hồi. Nhưng trong thời gian đó, chủ đầu tư không xây dựng, để cỏ mọc, nước đọng thành ao tù gây ô nhiễm môi trường thì chưa có quy định xử phạt như thế nào.
Cũng theo ông Thanh, việc quy định xử phạt đối với những người bán hàng rong 20 - 30 triệu đồng, trong khi đó vốn liếng của một bà bán nước sâm chỉ khoảng 2 triệu đồng thì người dân bỏ luôn xe bán nước sâm chứ không chịu đóng phạt.
Ông Đoàn Nhật, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, nêu thêm: Xây dựng trái phép sẽ bị phạt 30 - 40 triệu đồng, nhưng nếu xây dựng cái hàng rào trên đất lúa (gọi là công trình khác) mà phạt theo mức trên liệu có hợp lý hay không? Đa số người dân cứ nghĩ đóng tiền xử phạt vi phạm hành chính là sẽ được tồn tại, trong khi theo quy định người dân phải trả phí thực hiện việc cưỡng chế nhưng người dân không có tiền đóng.
Bà Hồ Thị Kim Loan, Chánh TTXD (Sở Xây dựng TP), kiến nghị Bộ Tư pháp xem xét điều chỉnh Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính nâng thẩm quyền xử phạt của phường xã, quận huyện lên nhiều hơn.
Bà Loan đưa ra vướng mắc cụ thể: Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của chủ tịch UBND xã, phường hiện nay là không quá 2 triệu đồng. Cho nên xã, phường chỉ phạt được mỗi hành vi xây dựng sai phép ở nông thôn, còn lại phải chuyển lên cho cấp trên trong khi lẽ ra cần phải xử phạt nhanh.
Nhưng chủ tịch UBND quận - huyện và Chánh TTXD của Sở Xây dựng cũng chỉ được phạt tối đa 30 triệu đồng, do đó với công trình không phải là nhà ở có mức phạt đều phải chuyển cho TP ban hành quyết định xử phạt. Nhưng nhiều trường hợp TP lại chuyển ngược về cho Sở Xây dựng đề xuất, xem xét. Quy trình như vậy là đi đường vòng, mất thời gian.
Các quy định pháp luật chưa nghiêm
Về việc thực thi pháp luật trong lĩnh vực xây dựng, nhiều ý kiến cho rằng thời gian qua việc luật ban hành rất lâu rồi sau đó nghị định, thông tư mới ban hành. Đã đến thời hạn áp dụng nhưng chưa có nghị định và thông tư hướng dẫn nên rất lúng túng. Đó là chưa kể luật “đá” nhau, một sự việc nhưng các văn bản hướng dẫn của từng ngành lại khác nhau.
Phó Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Văn Hiệp nói: “Theo tôi, luật là đọc, hiểu rồi thực hiện chứ thực tế hiện nay thì luật là phải vận dụng. Mà vận dụng thì khó tránh việc mỗi người vận dụng một kiểu”. Luật là phải chuẩn ngay từ đầu, quy định pháp luật phải nghiêm trị nếu không thì sẽ bị “lờn thuốc”.
Ông Hiệp cho biết, một công trình xây dựng lớn thì TTXD phải kiểm tra thường xuyên vì nếu xảy ra sự cố sẽ bị kỷ luật. Nhưng khi kiểm tra nhiều lần thì bị cho là nhũng nhiễu. Chính vì thế quy định pháp luật về xử phạt phải nghiêm, đủ tính răn đe để các chủ đầu tư phải tự ý thức và chịu trách nhiệm khi có sự cố xảy ra.
Ông Hiệp cũng đưa ra những vướng mắc trong thực tế khi thực hiện các quy định của pháp luật: Quy định bồi thường phải theo giá thị trường trong điều kiện bình thường, trong khi đó công thức để tính ra giá thị trường thì không có.
Một vấn đề được các đại biểu đề cập tại đây là hiện có quá nhiều văn bản pháp luật. Trong đó, Bộ Tài chính là bộ ra nhiều văn bản pháp luật nhất, một năm ban hành trên 100 thông tư thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau.
Bà Đinh Thị Thu Thủy, chuyên viên Bộ Y tế, cũng cho biết, trong một “rừng” văn bản pháp luật, thực tế cho thấy một số cán bộ vẫn áp dụng những văn bản pháp luật đã được bãi bỏ. Theo bà Thủy, ngoài trách nhiệm của các nhà soạn thảo văn bản pháp luật thì cũng nên đặt câu hỏi tại sao trong quá trình lấy ý kiến thì các đơn vị không góp ý, đến khi đụng chuyện mới có ý kiến.
Ông Hiệp cũng cho rằng một số văn bản không được góp ý, một số có góp ý nhưng không được tiếp thu. Cụ thể, như việc quy định cơ quan nhà nước phải duyệt tất cả các dự án, kể cả các dự án vốn ngoài ngân sách, TPHCM đã góp ý nhiều lần nhưng NĐ 90/CP về hướng dẫn thi hành Luật Đất đai vẫn quy định như vậy, sau 4 năm thực hiện, NĐ 71/CP thay thế NĐ 90/CP mới bỏ quy định trên.
“Cần phải đề cập đến trách nhiệm của các đơn vị soạn thảo văn bản pháp luật, cần phải đưa ra xử phạt theo quy định để tránh tình trạng cứ ban hành, sau đó sai thì sửa” - ông Hiệp đề nghị.
Tiếp thu ý kiến của Sở Xây dựng và UBND các quận - huyện, bà Dương Thị Thanh Mai, chuyên viên cao cấp của Bộ Tư pháp, cũng thừa nhận rằng khi nhìn vào các tiêu chí đánh giá thì chất lượng các văn bản pháp luật chưa đồng bộ, các quy định pháp luật chưa nghiêm, chưa chặt chẽ và rõ ràng.
Bà Mai cho biết, thời gian tới, Quốc hội sẽ tăng cường số đại biểu chuyên trách. Ngoài ra, cấp trung ương sẽ ban hành Bộ Pháp điển, các quy định sẽ được sắp xếp theo chủ đề để dễ tra cứu. Luật ban hành văn bản pháp luật quy phạm pháp luật của trung ương và địa phương sẽ được hợp nhất. Khi một văn bản được sửa đổi bổ sung sẽ có cơ quan hợp nhất các văn bản này thành một, không để cùng lúc có nhiều văn bản, rất rườm rà và dễ sót lọt khi áp dụng như vừa qua.
Ngoài ra, bà Mai cho biết thêm, sắp tới các sở - ngành và tổng công ty phải thành lập phòng pháp chế để tham mưu về pháp luật.
HẠNH NHUNG