Hệ thống thiết chế văn hóa TPHCM hoạt động kém hiệu quả

Đề cập đến tiến độ thực hiện các công trình văn hóa cấp thành phố được triển khai thời gian qua, đại diện Sở VHTT TPHCM cũng cho biết, sau nhiều năm đưa vào đề án phát triển, tới nay cũng chưa có gì, và cũng không biết tới khi nào mới triển khai.

Chiều 12-4, Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TPHCM tổ chức khảo sát Sở VHTT TPHCM về tình hình đầu tư và hiệu quả hoạt động các thiết chế văn hóa trên địa bàn TPHCM.

Tham dự buổi khảo sát có đại diện lãnh đạo các sở ban ngành TPHCM, Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM. Trưởng Ban Văn hóa – Xã hội, HĐND TPHCM Cao Thanh Bình, chủ trì buổi khảo sát.

Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TPHCM Cao Thanh Bình phát biểu tại buổi khảo sát

Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TPHCM Cao Thanh Bình phát biểu tại buổi khảo sát

Thiếu công trình văn hóa, thể thao tầm cỡ cho đô thị hơn 10 triệu dân

Trong phần giới thiệu tóm tắt những nội dung cơ bản về tiến độ thực hiện Đề án “Phát triển tổng thể hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở trên địa bàn TPHCM đến năm 2035”, Phó Giám đốc Sở VHTT TPHCM Võ Trọng Nam thừa nhận, từ năm 2021 đến nay, đề án này còn đang gửi đến các sở ngành liên quan và UBND các quận huyện, TP Thủ Đức góp ý, sau đó mới hoàn chỉnh, trình UBND TPHCM phê duyệt. “Dự kiến khi nào thì xong?”, đại biểu Cao Thanh Bình chất vấn. “Cái này cũng chưa biết được”, Phó Giám đốc Võ Trọng Nam trả lời.

Đề cập đến tiến độ thực hiện các công trình văn hóa cấp thành phố được triển khai thời gian qua, đại diện Sở VHTT TPHCM cũng cho biết, sau nhiều năm đưa vào đề án phát triển, tới nay cũng chưa có gì, và cũng không biết tới khi nào mới triển khai.

Cụ thể, 8 công trình trọng điểm, gồm: Trung tâm Văn hóa TPHCM, Rạp Xiếc và biểu diễn đa năng Phú Thọ, Bảo tàng Tôn Đức Thắng, Trung tâm Nghệ thuật truyền thống, Bảo tàng TPHCM, Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh TPHCM, Nhà Văn hóa Thanh Niên và Cung Thiếu nhi Thành phố. Trong đó chỉ có Bảo tàng Tôn Đức Thắng là đã triển khai nhưng chậm tiến độ, đang đề nghị dời đến hết năm 2023. 7 công trình còn lại đang trong giai đoạn chờ… chủ trương, chờ bố trí đất, chờ phương án thiết kế kiến trúc, chờ thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, chờ di dời, giải tỏa mặt bằng, chờ thẩm định, báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án.

Nghe báo cáo, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TPHCM Cao Thanh Bình nói: “Thành phố đang hướng tới Kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, thử điểm lại xem văn hóa, thể thao TPHCM có những công trình trọng tâm, tầm cỡ như thế nào? Một điều rất thiệt thòi cho người dân TPHCM với hơn 10 triệu dân mà thụ hưởng văn hóa, tinh thần như vậy”.

Về vấn đề đặt, đổi tên đường, ông Cao Thanh Bình nêu thực trạng khắc phục những sai sót, chậm trễ đã làm nhiều năm nhưng tới nay vẫn chưa được thực hiện. “Đến giờ vẫn còn nhiều tên đường rất vô lý, ví dụ như ở huyện Hóc Môn có tên đường là đường Trường THCS Tô Ký, ở TP Thủ Đức có tên cầu là Cầu Qua Đảo Kim Cương, cầu Thủ Thiêm 2 (đã có quyết định đổi tên là cầu Ba Son), quận Phú Nhuận có đường Trương Quốc Dung (tên đúng là Trương Quốc Dụng)… Một đô thị lớn nhất nước với những tuyến đường lớn văn minh, hiện đại như vậy mà không có được tên đường mang dấu ấn của những nhân vật lịch sử, tầm cỡ được sao”, ông Cao Thanh Bình nêu vấn đề.

Đề cập đến tình trạng quảng cáo sai quy định, quảng cáo không phép, công tác quản lý hoạt động quảng cáo, rao vặt, ông Cao Thanh Bình dẫn chứng thời gian qua báo chí phản ánh quá nhiều nhưng đến nay hiệu quả thay đổi chưa đến đâu. Rất nhiều vấn đề bất cập, yếu kém trong quản lý lĩnh vực này và cả nhiều lĩnh vực khác thuộc thẩm quyền quản lý của ngành văn hóa, thể thao được nêu ra trong các phiên giải trình của HĐND TPHCM với lộ trình, biện pháp khắc phục cụ thể, nhưng đến nay vẫn còn rất chậm trễ, chưa có sự thay đổi gì lớn.

Phó Giám đốc Sở VHTT TPHCM Võ Trọng Nam phát biểu

Phó Giám đốc Sở VHTT TPHCM Võ Trọng Nam phát biểu

Thiết chế văn hóa cơ sở hoạt động yếu dần đi

Đó là nhận định của Phó Giám đốc Sở VHTT TPHCM Võ Trọng Nam khi đề cập đến hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở trên địa bàn TPHCM. Ông Võ Trọng Nam nói: “Từ giai đoạn năm 2000 đến nay, hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở được đầu tư khá lớn, nhưng đã từ từ mất dần, mất dần, không có hoạt động gì. Ngoài nguyên nhân thiếu đầu tư, còn có yếu tố nhân sự thiếu đào tạo, bổ sung kịp thời do thực hiện giảm biên chế. Thiết chế văn hóa cơ sở hiện nay lạc hậu từ phương thức tới cơ sở vật chất”.

Bổ sung thêm về thực trạng này, đại diện Sở Du lịch TPHCM cho biết, khách du lịch nước ngoài đến TPHCM có nêu ý kiến thắc mắc là thành phố chúng ta đi đến đâu cũng thấy các trung tâm văn hóa, thể thao, khu vui chơi nhưng hầu như không thấy hoạt động gì. “Họ yêu cầu chúng tôi được đến tham quan một trung tâm văn hóa, thể thao nào đó có các hoạt động giải trí như: cờ vua, cờ tướng, cầu lông, bóng bàn hay đờn ca tài tử, hội đình… mà chúng tôi không trả lời được”, vị đại diện Sở Du lịch TPHCM nói.

Phó Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TPHCM, TS Nguyễn Minh Nhựt cho biết thêm: “Qua khảo sát thực tế ở một số quận huyện, chúng tôi thấy thiết chế văn hóa cơ sở hầu như xuống cấp trầm trọng. Hầu hết các trung tâm văn hóa, thể thao quận huyện và các nhà văn hóa ở phường, xã, thị trấn nhiều năm nay đã không hoạt động gì. Thực trạng của tình hình này, các cấp, các ngành đều đã biết từ lâu, đã đưa ra nhiều giải pháp khắc phục, nhưng sau nhiều năm, đến nay vẫn chưa có gì…”.

Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TPHCM Cao Thanh Bình kết luận buổi khảo sát: Có nhiều vấn đề đặt ra từ các thiết chế văn hóa cơ sở phục vụ đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân. Trong đó, đặc biệt là đối tượng công nhân lao động đang làm việc trong khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao. Một lực lượng lao động rất lớn, tạo ra giá trị tăng trưởng kinh tế, xã hội rất lớn cho TPHCM mà nhiều năm qua đã không được quan tâm một cách đúng mức về đời sống văn hóa, tinh thần. Hiện TPHCM có gần 20 khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao mà chưa có được một Trung tâm Văn hóa công nhân tầm cỡ. Ông Cao Thanh Bình đề nghị Sở VHTT TPHCM sớm hoàn thiện Đề án “Phát triển tổng thể hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở trên địa bàn TPHCM đến năm 2035”, để TPHCM có được những công trình văn hóa, thể thao tầm cỡ phục vụ cho đời sống văn hóa, tinh thần của người dân ngày càng phong phú, đa dạng.

- TPHCM hiện có 7/17 khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao có xây dựng Trung tâm sinh hoạt công nhân, công trình thể thao.

- Cấp cơ sở hiện có 88/312 phường, xã, thị trấn có Nhà văn hóa, Trung tâm văn hóa, thể thao (chiếm 28,2%).

- Hầu hết các Trung tâm học tập cộng đồng tại cơ sở lập nên nhưng không có nơi học tập, sinh hoạt, phải hoạt động ghép vào các trung tâm văn hóa hay trụ sở, cơ quan Nhà nước ở cơ sở. Nhiều năm nay, các Trung tâm học tập cộng đồng đều hoạt động kém hiệu quả.

Nguồn: Sở VHTT TPHCM

Tin cùng chuyên mục