Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính TPHCM: Nhiều tiện ích phục vụ người dân và doanh nghiệp

TPHCM đã đưa vào ứng dụng Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính TPHCM (gọi tắt là hệ thống), được xây dựng với năng lực đáp ứng dự kiến xử lý 17 triệu hồ sơ/năm, khoảng 2.200 cán bộ và 9 triệu người sử dụng. Để hiểu rõ hơn về hệ thống này, PV Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với bà Võ Thị Trung Trinh, Phó Giám đốc Sở TT-TT TPHCM.
Bà Võ Thị Trung Trinh, Phó Giám đốc Sở TT-TT TPHCM

- PHÓNG VIÊN: Thưa bà, bà có thể nói rõ hơn về các ứng dụng của hệ thống?

Bà VÕ THỊ TRUNG TRINH: Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính TPHCM được triển khai trên cơ sở hợp nhất Cổng dịch vụ công trực tuyến và hệ thống một cửa điện tử thành phố. Cụ thể, tại địa chỉ truy cập https://dichvucong.hochiminhcity.gov.vn, các cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức khi sử dụng dịch vụ sẽ được cung cấp các chức năng mới; qua đó người dân, doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận thông tin, dịch vụ công của chính quyền các cấp, thông tin biểu mẫu, giấy tờ và hướng dẫn đầy đủ về thủ tục hành chính thông qua một địa chỉ duy nhất trên internet. 

- Cụ thể là hệ thống mang những tiện ích gì đến người dân, doanh nghiệp, thưa bà? 

Với hệ thống mới này, các cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức sẽ đăng ký và được cấp một tài khoản truy cập. Tài khoản này sử dụng thống nhất cho việc đăng ký trực tuyến dịch vụ công đối với tất cả dịch vụ hành chính công các cấp, thông qua hệ thống hồ sơ điện tử thay thế cho các hình thức hồ sơ giấy thông thường được thực hiện trực tiếp tại cơ quan hành chính nhà nước.  

Chữ ký số từ xa sẽ được tích hợp trên hệ thống để người dân và doanh nghiệp có thể ký trực tiếp vào các biểu mẫu điện tử, có giá trị pháp lý như chữ ký tay và con dấu, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Ngoài việc nộp hồ sơ trực tuyến, thanh toán trực tuyến và trả hồ sơ tại nhà, khi tham gia sử dụng hệ thống, người dân và doanh nghiệp sẽ có kho hồ sơ điện tử cá nhân. Như vậy, lần sau người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công thì các hồ sơ điện tử có trong kho cá nhân sẽ được sử dụng lại.

Ngoài ra, nhằm nâng cao tính công khai, minh bạch, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính còn cung cấp công cụ theo dõi về tiến trình, nhật ký hồ sơ, ghi nhận tất cả nội dung trao đổi, giao dịch điện tử giúp cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trực tiếp theo dõi, giám sát hồ sơ của mình. Hệ thống được hỗ trợ giải đáp kịp thời bằng nhiều hình thức trực tuyến khác nhau với thời gian 24/7 thông qua Tổng đài 1022 nhánh số 2 hoặc phản ánh ý kiến trực tiếp trên hệ thống. 

Panô hướng dẫn thực hiện dịch vụ công trực tuyến cho người dân của UBND xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè, TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG

- Việc ứng dụng hệ thống sẽ nâng cao năng lực giải quyết thủ tục công trực tuyến của TPHCM ra sao, đặc biệt khi Kho dữ liệu dùng chung của TPHCM được tích hợp vào hệ thống?

Sẽ có nhiều tiện ích khi hệ thống được kết nối, tích hợp với Cổng dịch vụ công quốc gia. Hệ thống xác thực, định danh điện tử để chia sẻ, xác thực thông tin công dân với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo Đề án 06; thông tin giải quyết thủ tục hành chính và hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác của các bộ, ngành trung ương. Đồng thời, hệ thống sẽ hình thành Kho dữ liệu hành chính tập trung thành phố, giúp việc xử lý hồ sơ của cán bộ, công chức nhanh hơn, liên thông giải quyết thủ tục hành chính giữa các cơ quan tốt hơn. Bên cạnh đó, việc thống kê, công khai tình trạng xử lý hồ sơ cũng giúp việc chỉ đạo điều hành của lãnh đạo thành phố hiệu quả hơn rất nhiều.

Triển khai hệ thống là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của quá trình chuyển đổi số của thành phố. Theo Kế hoạch số 4229/KH-UBND ngày 10-11-2022 của UBND TPHCM triển khai hệ thống thì đến hết năm 2022, hệ thống sẽ thiết lập 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện đã được UBND phê duyệt để cán bộ, công chức tiếp nhận và xử lý hồ sơ trên hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính. Hiện nay, Sở TT-TT đang triển khai nhiều giải pháp như tăng cường lực lượng triển khai, hỗ trợ, xây dựng công cụ tiếp nhận, xử lý sự cố để có thể giám sát, chỉ đạo kịp thời và phối hợp chặt chẽ với các đơn vị để đảm bảo tiến độ triển khai. 

- TPHCM sẽ có những giải pháp gì để khuyến khích người dân ứng dụng hệ thống?

Trước mắt, chúng tôi tiếp tục triển khai danh mục dịch vụ công trực tuyến và danh mục thủ tục hành chính được UBND TPHCM phê duyệt cập nhật, bổ sung; tái cấu trúc quy trình các thủ tục hành chính, khai thác hiệu quả Kho dữ liệu dùng chung thành phố, thường xuyên hoàn thiện các tính năng, tiện ích để tăng trải nghiệm người dùng dịch vụ công trực tuyến. Song song đó, chúng tôi xác định việc tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp hiểu và sử dụng các dịch vụ công trực tuyến là hết sức cần thiết. Với nhiệm vụ này, UBND TP Thủ Đức và các quận huyện, phường xã, thị trấn cần phát huy vai trò của các tổ công nghệ số cộng đồng trong công tác tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ sử dụng dịch vụ công trực tuyến…

Hệ thống đáp ứng đầy đủ các yêu cầu theo Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23-4-2018 của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính; Nghị định số 107/2021/NĐ-CP ngày 6-12-2021 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung Nghị định số 61/2018; Nghị định số 42/2022/NĐ-CP ngày 24-6-2022 của Chính phủ quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng.

Tin cùng chuyên mục