Ngang qua những con đường từ nội thành đến ngoại thành, những hẻm nhỏ treo bảng “vùng xanh” được mở rộng dần khiến người ta mừng trong bụng, dù chỉ là một con hẻm nhỏ cũng thấy nhẹ nhõm.
Và hẻm mùa này, còn chắt chiu từng bó rau, túi gạo để gửi cho nhau, người ở hẻm “vùng xanh” gom góp để gửi bà con các hẻm “vùng đỏ”. Người còn thu nhập thì nhín chút, gửi thùng mì cho các hẻm nhà trọ để hỗ trợ những người lao động đang thất nghiệp…
Ở đâu cũng có đường, có hẻm, nhưng hẻm ở TPHCM cứ khiến người ta lưu luyến bởi nó ôm trọn đời sống của một đô thị lớn với đủ những cung bậc cảm xúc vui buồn. Mặt tiền đường lớn, vị trí đắc địa, nhà hàng, khách sạn san sát thường là lựa chọn của khách du lịch hoặc những ai khá giả về kinh tế, chứ muốn thỏa mãn tiêu chí “ngon - bổ - rẻ” chịu khó vòng vô hẻm. Những quán ăn chất lượng với giá cả dễ chịu vì chủ quán bán ngay tại nhà hoặc có thuê thì mặt bằng trong hẻm “mềm” hơn mặt tiền nhiều, nên cứ thế mà giữ chân khách năm này qua tháng nọ.
Khách đến TPHCM vài ngày sẽ không đủ thời gian để luồn qua các con hẻm, nhưng nếu lâu hơn thì hẻm ở thành phố cũng là một điểm đến thú vị. Có con hẻm mà nay màu này, mai hình nọ được cộng đồng graffiti “biến hóa” liên tục; có con hẻm ăn vặt nổi tiếng đủ các món ốc hay có con hẻm yên tĩnh, lắng đọng với tách cà phê “kho”…
Hẻm đi vào lòng người bằng thị giác, vị giác và trở thành nỗi nhớ cho những ai đi xa. Có những con hẻm lại thách đố người ta lắm, cứ dài ngoằn ngoèo, tưởng chừng thông ra đường lớn, ai dè chỉ là hẻm cụt. Có con hẻm những tưởng chỉ có mình biết, ai dè rẽ vào cũng kẹt xe nối đuôi nhau.
Hẻm dễ chịu, vì người ta mưu sinh lựa những con đường chính, đông người qua lại thuận tiện cho việc mua bán, giao dịch nhưng lại chọn mua nhà hoặc thuê nhà trong hẻm vì giá “mềm” hơn, không gian yên tĩnh hơn. Hẻm hiện tại còn là giải pháp kinh doanh để người ta gồng mình đi qua mùa dịch, vì giá mặt bằng trong hẻm dễ chịu hơn, và lấy chất lượng sản phẩm để thu hút khách, nhất là những tiệm quần áo thiết kế nằm trong hẻm thường có gu thời trang rất độc đáo, được nhiều bạn trẻ rỉ tai “săn” đồ.
Có những tiếng rao đêm của xe xôi, xe khoai nào đó ngang qua các con đường trong thành phố, lảnh lót ở đầu hẻm rồi nhỏ dần và im hẳn khi về phía cuối phòng trọ. Chỉ cần nghe qua âm thanh tiếng rao cũng đoán được chị bán xôi khuya vừa xong một đêm mưu sinh, tiếng rao chìm dần vào con hẻm cùng giấc ngủ của người lao động về khuya.
Rồi sớm mai, mặt trời còn chưa lên, tiếng bước chân trong các con hẻm lại nhộn nhịp, người chuẩn bị đi bán, đi làm, học sinh đến trường, người tập thể dục… Nhịp sống cứ sôi động dần từ hẻm nhỏ sang hẻm lớn và nhộn nhịp khắp các con đường trong thành phố.
Ngày này qua tháng nọ, cứ thế mà những con hẻm nhỏ lại ôm ấp những câu chuyện đời, nuôi lớn những giấc mơ học hành đỗ đạt của bao thế hệ… Và hôm nay, các con hẻm kể cho nhau chuyện những ngày chống dịch, những ngày mà người ta đợi từng tấm bảng “vùng xanh” để mừng trong bụng rồi chung tay hỗ trợ người “vùng đỏ”. Những con hẻm nằm yên giữa lòng thành phố, ai nấy giữ gìn để chờ ngày nhịp sống rộn ràng trở lại.