3 lần xét xử sơ thẩm, 4 lần xét xử phúc thẩm, 4 lần kháng nghị, 3 lần giám đốc thẩm, trải qua gần 30 năm, đến nay vụ kiện đòi căn nhà số 15 (ảnh) đường Hậu Giang, quận 6, TPHCM vẫn chưa đến hồi kết thúc…
Ba đời đi kiện
Năm 1956, cụ Huỳnh Thị Dậu, vợ liệt sĩ Trần Văn Hỷ, làm hợp đồng cho ông Lý Nhi Hạnh, chồng bà Quách Huệ Phương, thuê căn nhà số 13 và 15 đường Hậu Giang, quận 6, TPHCM. Khi hết hợp đồng vào năm 1972, dù cụ Dậu đã nhiều lần đòi nhà nhưng ông Hạnh không chịu trả mà đem nhà cho người khác thuê lại. Sau giải phóng, người thuê nhà từ ông Hạnh vượt biên sang nước ngoài. Căn nhà số 13 Hậu Giang được Nhà nước giao trả lại cho cụ Dậu. Riêng căn số 15 vẫn bị ông Hạnh chiếm giữ.
Năm 1983, cụ Dậu khởi kiện đòi lại nhà. TAND quận 6 thụ lý vụ án và đến năm 1987, tòa xử cụ Dậu thắng kiện, yêu cầu ông Hạnh trả nhà. Ông Hạnh kháng cáo, TAND TPHCM xử phúc thẩm tuyên y án sơ thẩm. Đến năm 1988, TAND tối cao kháng nghị bản án, tuyên hủy án phúc thẩm và yêu cầu xử lại. Kết quả xét xử lại của TAND TPHCM vào năm 1990 vẫn công nhận quyền sở hữu nhà cho cụ Dậu và buộc bà Phương trả nhà (lúc này ông Hạnh đã mất). Bà Phương tiếp tục làm đơn kháng cáo. Đến năm 1991, TAND tối cao đem vụ án ra xét xử. Bản án lần này lại bác yêu cầu đòi nhà của cụ Dậu, giao nhà cho bà Phương. Tranh chấp tiếp tục xảy ra. TAND tối cao xử lại, công nhận trở lại quyền sở hữu nhà của cụ Dậu.
Thế nhưng, trong thời gian chờ thi hành án, bà Phương xuất cảnh, ủy quyền căn nhà lại cho con là Lý Tú Huê (bà Phương mất ở nước ngoài vào năm 2007). Tháng 11-1993, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao có công văn hoãn thi hành án. Tháng 2-1994, cơ quan này ra kháng nghị hủy bỏ bản án đã xử, giao TAND TPHCM xét xử lại từ đầu. Vụ việc cứ thế tiếp diễn, xử đi xử lại nhiều lần vẫn không ngã ngũ. Gần đây nhất, tháng 8-2010, TAND TPHCM xét xử sơ thẩm và ra bản án số 1197 ngày 16-8-2010 công nhận căn nhà 15 Hậu Giang là của cụ Dậu. Thế nhưng, sự việc lại có nguy cơ trở lại điểm xuất phát khi ngày 13-1-2011, Tòa phúc thẩm TAND tối cao lại một lần nữa tuyên hủy toàn bộ bản án dân sự sơ thẩm, giao hồ sơ về cấp sơ thẩm để điều tra, xác minh và xét xử lại.
Hủy án do vi phạm nghiêm trọng?
Lý do để hội đồng xét xử của Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TPHCM tuyên hủy bản án số 1197/2010/DSST ngày 16-8-2010 của TAND TPHCM là do án sơ thẩm có nhiều thiếu sót. Cụ thể: Án sơ thẩm chưa xác định rõ trong quá trình thuê nhà, ông Hạnh làm thêm căn 13D Hậu Giang và công sức khác như thế nào; án sơ thẩm không điều tra, xác minh xem số nhân khẩu và điều kiện ăn ở của người thuê nhà ra sao, đã tuyên buộc giao trả nhà ngay sau khi án có hiệu lực; án sơ thẩm không đưa ông Trần Thế Hoa (con trai bà Dậu, đã qua đời năm 1975), bà Võ Kim Bạch (vợ ông Hoa, con dâu bà Dậu), ông Trần Thế Hùng (con ông Hoa, cháu nội bà Dậu) vào là vi phạm nghiêm trọng tố tụng.
Tuy nhiên, khi bà Dậu lập di chúc vào năm 1995 trong tình trạng đầu óc minh mẫn, trong số những người thừa kế các căn nhà 13 (có căn 13D), 15, 17 Hậu Giang phường 2 quận 6 được bà xác định không có tên ông Hoa, bà Bạch, ông Hùng. Nếu án sơ thẩm đưa hay không đưa gia đình ông Hùng vào thì bản chất sự việc cũng không có gì thay đổi. Bên cạnh đó, hội đồng xét xử cho rằng án cần phải xác minh điều kiện ăn ở của người thuê nhà ra sao là chưa hợp lý. Bởi lẽ người thuê nhà là vợ chồng ông bà Lý Nhi Hạnh, Quách Huệ Phương đã qua đời; những người hiện đang sử dụng căn nhà 15 Hậu Giang không phải người thuê nhà trực tiếp mà chỉ là con cháu ông Hạnh, bà Phương.
Cũng cần nhắc thêm, Điều 6 Nghị quyết 1037/2006/NQ-UBTVQH11 ngày 27-7-2006 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giao dịch dân sự về nhà ở được xác lập trước ngày 1-7-1991 có người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia (có hiệu lực từ ngày 1-9-2006) đã quy định rất rõ: “Trường hợp bên cho thuê nhà ở thường trú tại Việt Nam, bên thuê nhà ở là người Việt Nam định cư ở nước ngoài nhưng nhà ở đó đang do người khác sử dụng thì hợp đồng thuê nhà ở giữa bên cho thuê và bên thuê nhà ở chấm dứt. Bên cho thuê và người đang sử dụng nhà ở có thể thỏa thuận việc tiếp tục cho thuê. Nếu thỏa thuận được thì các bên phải ký kết hợp đồng thuê nhà ở theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005; nếu không thỏa thuận được thì bên cho thuê được lấy lại nhà ở nhưng phải thông báo bằng văn bản cho người đang sử dụng nhà ở đó biết trước ít nhất 12 tháng”.
Như vậy, trong trường hợp này, những người thừa kế hợp pháp của bà Dậu đương nhiên có quyền lấy lại nhà do mẹ, bà mình sở hữu đã được pháp luật công nhận.
Đã 28 năm trôi qua kể từ khi bà Dậu khởi kiện vụ tranh chấp hợp đồng thuê nhà. Đến nay, bên cho thuê và người thuê nhà trực tiếp đã ra người thiên cổ nhưng vụ kiện vẫn chưa được kết thúc bằng một bản án hợp tình, hợp lý có hiệu lực pháp luật. Đời con, rồi nay đến đời cháu của cụ Huỳnh Thị Dậu vẫn đang tiếp tục hành trình đòi lại căn nhà. Họ còn phải đợi đến bao giờ?
Ái Chân – Mai Hương
Vụ tranh chấp hợp đồng thuê nhà giữa bà Huỳnh Thị Dậu và vợ chồng ông Lý Nhi Hạnh, bà Quách Huệ Phương kéo dài là điển hình cho tình trạng không có điểm dừng trong quá trình tố tụng. Đây là điểm hạn chế của hệ thống pháp luật Việt Nam, không chỉ gây thiệt hại cho Nhà nước, cho người dân mà còn tạo điều kiện để tiêu cực phát sinh. Có một thực tế là hiện nay, khi tuyên hủy bản án sơ thẩm, hội đồng xét xử tòa án cấp phúc thẩm thường nêu lý do vi phạm nghiêm trọng tố tụng. Nhận định như vậy rất mơ hồ. Tôi cho rằng các cơ quan pháp luật cần ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể, định lượng, định tính rõ ràng thế nào là tình tiết vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, thế nào là tình tiết vi phạm nghiêm trọng nội dung tố tụng. Có như vậy mới hạn chế được tình trạng kiện tụng kéo dài do án bị hủy nhiều lần; và mỗi lần tòa án cấp trên giải quyết lại có ý kiến khác nhau, khiến cho tòa án cấp dưới không biết “xử” thế nào cho đúng. A.Chân ghi |