Bà Nguyễn Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học cho biết, năm 2017, căn cứ kết quả của kỳ thi THPT quốc gia, Bộ GD-ĐT sẽ xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào ĐH để các trường xây dựng phương án xét tuyển.
Từ năm 2018 trở đi, khi các trường đã công khai thông tin đầy đủ, chuẩn xác về điều kiện đảm bảo chất lượng theo quy định thì mỗi trường sẽ tự xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào.
“Những nội dung công khai đó sẽ giúp xã hội giám sát chất lượng của nhà trường, giúp học sinh chọn được trường phù hợp. Đó cũng là quá trình đảm bảo quyền tự chủ của các trường”, bà Nguyễn Kim Phụng nói.
Đáng chú ý, năm nay, Bộ GD-ĐT cho phép thí sinh đăng ký nhiều nguyện vọng nhưng qua thống kê, khoảng 80% thí sinh chỉ đăng ký từ 1 đến 3 nguyện vọng. Duy nhất 1 thí sinh đăng ký 48 nguyện vọng.
Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học cho biết thêm, sau khi có kết quả thi, chỉ thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển, còn các trường không được điều chỉnh thông tin xét tuyển đã công bố.
Về việc xét tuyển, bà Nguyễn Kim Phụng cho rằng, hầu hết các trường sẽ được xét tuyển ở đợt 1, vì vậy các đợt xét tuyển bổ sung sẽ không quá nặng nề. Cũng từ năm 2017, các trường được tuyển sinh nhiều đợt, tức khi nào có nhu cầu các trường sẽ tuyển.
“Vì thí sinh chỉ được trúng 1 nguyện vọng nên chắc chắn năm nay tỷ lệ ảo sẽ không lớn, vì thế các trường không thể áp dụng kinh nghiệm của các năm trước để gọi quá nhiều thí sinh. Nếu trường nào vượt tuyển chỉ tiêu sẽ bị xử lý mạnh tay", Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học nói.
Sau kỳ thi THPT quốc gia năm nay, Bộ GD-ĐT đã khẳng định, Quy chế tuyển sinh 2017 đã cơ bản hoàn thiện, phù hợp với thực tiễn, dự kiến sẽ được áp dụng cho những năm tiếp theo.
Về phương án xét tuyển, bà Nguyễn Kim Phụng cũng cho biết mỗi năm đều có đổi mới trên cơ sở kế thừa có điều chỉnh cho phù hợp từ phương án năm trước.
Hệ thống phần mềm tuyển sinh, hỗ trợ thông tin cho thí sinh đến nay vẫn vận hành thông suốt, cập nhật thông tin dễ dàng.
Theo bà Nguyễn Kim Phụng, càng ngày số thí sinh đăng ký xét tuyển càng giảm. Xu hướng đại học không phải con đường duy nhất sẽ ngày càng gia tăng.
Bộ GD-ĐT sẽ quy hoạch lại hệ thống ĐH-CĐ, đầu tư vào các trường ĐH có chất lượng tốt để thành những trường đại học đầu tàu. Những trường khác phải giải thể, sáp nhập, phải tự chủ. Việc tự chủ đại học sẽ ngày càng được thực hiện triệt để.