Tại cuộc họp báo, đa phần các câu hỏi của báo chí tập trung chất vấn về nội dung đề thi vì nhiều ý kiến cho rằng, các mã đề thi có độ khó-dễ không đồng đều vì thế sẽ không bảo đảm công bằng cho thí sinh; đề thi có nhiều câu hỏi quá khó; những câu hỏi trắc nghiệm của môn văn-sử-địa không phát huy được năng lực của thí sinh...
Độ khó của các mã đề thi là đồng đều?
Theo ông Sái Công Hồng, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định Chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT, Trưởng ban đề thi Kỳ thi THPT quốc gia 2017, đây là năm đầu tiên chúng ta xây dựng ngân hàng đề thi theo chuẩn hóa quốc tế. Quy trình làm đề thi đã được tuân thủ nghiêm ngặt qua từng bước. Bước 1, thử nghiệm chuẩn hóa đề thi, những câu hỏi đều được thử nghiệm với chính các thí sinh lớp 12. Bước 2 là chuẩn hóa độ khó của đề thi.
Vẫn theo ông Hồng, với kinh nghiệm 200 năm làm đề thi trắc nghiệm của Hoa Kỳ họ cũng phải làm từng bước. Việt Nam áp dụng công nghệ chuẩn hóa đề thi của Hoa Kỳ và tiến hành thử nghiệm. Ông Hồng khẳng định, để so sánh độ khó của đề thi thì phải so sánh cả mã đề thi, chứ nếu chỉ so sánh một vài câu thì rất khập khiễng. “Chúng ta mới chỉ năm đầu triển khai công nghệ chuẩn hóa đề thi trắc nghiệm, vì vậy có thể chưa hoàn toàn bảo đảm tuyệt đối, nhưng mục tiêu là bảo đảm chính xác, công bằng cho thí sinh. Dần dần chúng ta sẽ hoàn thiện thêm”, ông Hồng nhấn mạnh. Khác với quốc tế, thi xong họ không công bố đề, còn ta thì công bố.
Ông Hồng cũng khẳng định, với mỗi thí sinh một mã đề thi, các thí sinh sẽ không thể trao đổi bài cùng nhau.
Yên tâm về tính nghiêm túc của kỳ thi
Báo chí cũng nêu con số chỉ có 72 thí sinh bị đình chỉ thi để đặt vấn đề: liệu có phải kỳ thi thực sự nghiêm túc hay do giao cho các sở tổ chức thi nên có sự du di? Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT nhấn mạnh, với tỷ lệ cán bộ coi thi là 50/50 giảng viên đại học-giáo viên phổ thông thì tính nghiêm túc của kỳ thi đã được bảo đảm. Đặc biệt, thi trắc nghiệm, cộng với mỗi thí sinh một mã đề thi các em khó mà gian lận. Vì vậy, 72 thí sinh bị đình chỉ thi trong kỳ thi năm nay là con số thể hiện tính nghiêm túc của kỳ thi, không có gì phải nghi ngờ.
Hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội Hoàng Minh Sơn cũng đồng tình với quan điểm của ông Mai Văn Trinh khi cho rằng, qua giám sát kỳ thi cho thấy 2 yếu tố: 50% cán bộ coi thi là giảng viên đại học; thi trắc nghiệm với mỗi thí sinh một mã đề thi đã bảo đảm tính nghiêm túc của kỳ thi, đủ để các trường đại học yên tâm sử dụng kết quả vào đại học.
“Dĩ nhiên không có gì là tuyệt đối. Chờ khi có kết quả thi chúng ta mới đánh giá toàn diện được tính chất của kỳ thi, nhưng trước mắt qua quan sát thì chúng tôi cảm thấy có thể yên tâm sử dụng kết quả để tuyển sinh”- Hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội nói.
Có ý kiến cho rằng, tính nghiêm túc của kỳ thi chỉ là nhận định bên ngoài, còn thực tế trong phòng thi theo nhiều ý kiến vẫn chưa nghiêm túc, vì thế có nên duy trì kỳ thi THPT quốc gia hay không?. Về điều này, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết, Luật giáo dục hiện nay quy định thi tốt nghiệp THPT quốc gia, còn sau này giao cho sở xét hay không thì chúng ta phải sửa luật. “Quy quy hiện nay thi tốt nghiệp giao cho các Sở tổ chức, còn tuyển sinh là việc tự chủ của các trường ĐH-CĐ”, ông Ga nói. Còn về quan điểm chung, phương án thi năm 2017 sẽ giữ ổn định cho các năm sau, trừ một số điều chỉnh nhỏ cho phù hợp hơn.