Hết tết, giá dịch vụ vẫn “đánh đu”

Sáng 31-1 (mùng 9 tháng giêng), dạo quanh nhiều điểm dịch vụ trên địa bàn thành phố, giá một số mặt hàng ăn uống, dịch vụ… vẫn cao hơn giá trước tết và không giảm. Không ít chủ cửa hàng vin vào lý do giá nguyên liệu đầu vào cao nên họ bán giá cao. Nhưng thực chất là các chủ cửa hàng kinh doanh dịch vụ đẩy giá lên cao để kiếm lời bất chính…
Hết tết, giá dịch vụ vẫn “đánh đu”

Sáng 31-1 (mùng 9 tháng giêng), dạo quanh nhiều điểm dịch vụ trên địa bàn thành phố, giá một số mặt hàng ăn uống, dịch vụ… vẫn cao hơn giá trước tết và không giảm. Không ít chủ cửa hàng vin vào lý do giá nguyên liệu đầu vào cao nên họ bán giá cao. Nhưng thực chất là các chủ cửa hàng kinh doanh dịch vụ đẩy giá lên cao để kiếm lời bất chính…

Dịch vụ rửa xe vẫn tăng giá sau tết. Ảnh: Kim Ngân

Dịch vụ rửa xe vẫn tăng giá sau tết. Ảnh: Kim Ngân

Cửa hàng ăn uống góc đường Nguyễn Minh Hoàng –A4 khu K300 (Tân Bình) mọi ngày bán hộp cơm với hai món ăn chỉ là 20.000 đồng. Trong tết và sau tết, giá đĩa cơm vọt lên 25.000 đồng. Một số lái xe taxi chất vấn, chủ cửa hàng cho biết tăng giá vì thực phẩm ngoài chợ Hoàng Hoa Thám tăng. Cũng có chuyện giá một trái dừa tươi tại hàng loạt điểm bán trên đường Huỳnh Tấn Phát, Bùi Văn Ba (quận 7); Cách Mạng Tháng Tám, Nguyễn Tri Phương (quận 10)… dao động 18.000-20.000 đồng/trái. Trước tết, giá trái dừa như vậy chỉ 13.000-15.000 đồng/trái.

Tương tự, các mặt hàng thực phẩm, ăn uống, gửi xe… cũng được người bán đẩy giá trên trời. Tại khu chung cư Ấn Quang, chùa Việt Nam Quốc Tự (quận 10); chùa Phổ Quang (quận Tân Bình); chợ Bình Tây (quận 6), giá gửi xe máy mỗi lượt dao động từ 5.000-10.000 đồng, trong khi giá gửi xe máy ngày bình thường chỉ từ 3.000 – 5.000 đồng/chiếc.

Bên cạnh đó, các dịch vụ xịt, rửa xe cũng tăng giá đáng kể. Trước tết, thay vì đi xe đò, tàu hỏa… về quê, nhiều người ở các tỉnh lân cận TPHCM chọn giải pháp chạy xe máy về nhà du xuân. Khi hết tết, nhu cầu bảo trì, bảo dưỡng tăng cao. Anh Nguyễn Văn Vịnh, chủ một gara xe máy trên đường Nguyễn Thị Thập (quận 7) nói: “Cửa hàng khai trương từ mùng 8 Tết. Hai ngày nay, lượng khách tăng gần gấp đôi so với bình thường. Hầu hết là rửa xe, thay nhớt. Đối tượng khách hàng đến từ các tỉnh miền Tây và Tây Nguyên. Giá dịch vụ tăng khoảng 5.000 – 10.000 đồng/lượt. Đây là khoản phụ thêm để lì xì cho nhân viên”. Hầu hết người vào bảo dưỡng xe thấy bất hợp lý với khoản phí đó, nhưng đành phải bấm bụng chịu mất tiền.

Một dịch vụ khác nữa là chăm sóc mai tết. Sau tết, nhiều người tìm địa chỉ gửi cây mai. Dịch vụ chăm mai tết theo đó cũng trở nên nhộn nhịp. Mức giá thông thường chỉ dao động ở mức 15%-30% giá trị cây mai. Anh Nguyễn Văn Tuyến, nhà ở khu K300 (Tân Bình) có cây mai trị giá 1,5 triệu đồng, sau tết vợ chồng anh quý cây mai bonsai có dáng yêu kiều, nên quyết định tìm chỗ gửi để chơi tết năm sau. Sau khi tìm được nơi gửi ở Thủ Đức với mức giá bảo dưỡng khoảng 300.000 đồng, vợ chồng anh rất hài lòng. Tuy nhiên cũng có nơi, mức giá chăm sóc mai lên tới 40%-45% giá trị cây. Chưa kể, công vận chuyển mai cũng tăng từ 50.000-100.000 đồng/chuyến. Anh Hoàng Văn Thành, chủ xe ba gác chuyên chở mai ngày tết (trú tại Lê Đức Thọ, phường 16, quận Gò Vấp) cho biết: “Tiền công vận chuyển năm nay tăng hơn so với năm trước khoảng gần 100.000 đồng/chuyến. Ăn uống mấy ngày này tăng quá nên chúng tôi cũng phải tăng để có chút lời”.

Trao đổi với chúng tôi về nghịch lý tăng giá dịch vụ trên, nhiều người cho rằng thực trạng tăng giá vô tội vạ thường rơi vào thời điểm trong và sau tết. Chưa có một cơ quan nào xử lý các trường hợp tăng giá như trên. Và thực tế, rất khó xử phạt họ vì đa số các điểm ăn uống, dịch vụ “chặt, chém” đều lợi dụng dịp tết, khi mà lực lượng quản lý thị trường cũng đang ăn tết…

Nghị định số 84/2011/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá có hiệu lực từ giữa tháng 11-2011, vậy tại sao Tết Nguyên đán 2012 lại chưa được Sở Tài chính, lực lượng QLTT áp dụng, thực hiện?

Thi Hồng

Tin cùng chuyên mục