Hết thời du lịch giá rẻ

Việc số lượng du khách tăng đã làm sống lại các điểm nóng du lịch vốn bị hạn chế hoặc đóng cửa trong đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, thời của du lịch giá rẻ có thể sắp kết thúc khi gần như đồng loạt các nước bắt đầu áp “thuế du lịch” lên du khách bằng nhiều hình thức, lý do khác nhau.
Thành phố Venice luôn đông đúc du khách
Thành phố Venice luôn đông đúc du khách

Áp lệ phí, thuế

Chính phủ Thái Lan vừa phê chuẩn quy định về thu lệ phí du lịch từ 150-300 baht (4,3-8,7USD) đối với du khách quốc tế nhập cảnh vào nước này kể từ ngày 1-6 tới. Theo quy định mới, phí du lịch đối với người nước ngoài đến Thái Lan bằng đường hàng không là 300 baht, đối với du khách đến bằng đường bộ hoặc đường biển là 150 baht. Chính phủ Thái Lan dự kiến sẽ thu được khoảng 3,9 tỷ baht từ cơ chế phí du lịch trong năm nay. Nhà chức trách Thái Lan từ lâu đã cân nhắc áp dụng thu phí du lịch đối với du khách quốc tế. Tuy nhiên, việc này đã bị trì hoãn nhiều lần do đại dịch Covid-19. Trước đó, hồi cuối tháng 1 vừa qua, Tổng cục Du lịch Thái Lan dự báo số lượng du khách nước ngoài tới thăm xứ sở Chùa Vàng có thể vượt 30 triệu lượt trong năm nay, cao hơn đáng kể so với con số dự báo từ 25-27,5 triệu lượt mà chính phủ đưa ra trước đó.

Ở Trung Đông, Bộ Tài chính Israel cũng vừa đề nghị ngừng miễn thuế giá trị gia tăng (VAT) dành cho du khách nước ngoài tới nước này. Còn tại châu Âu, kể từ tháng 11-2023, các công dân không thuộc Liên minh châu Âu (EU) đến từ Mỹ, Australia, Anh và những du khách khác từ bên ngoài khu vực Schengen, sẽ phải trả 7EUR để điền đơn đăng ký vào lục địa già như một phần thuế du lịch. Một loạt các nước trong khu vực cũng thông báo bắt đầu áp dụng thuế du lịch riêng lẻ từ năm nay.

Kể từ ngày 1-4, du khách đến TP Barcelona, Ibiza hoặc Majorca sẽ phải trả thêm 2,75EUR. Lần tăng thuế du lịch thứ hai cũng sẽ bắt đầu từ ngày 1-4-2024, khi đó mức phí sẽ tăng lên 3,25EUR. Chính quyền TP Valencia của Tây Ban Nha cũng đã thông báo dự kiến cuối năm 2023 hoặc đầu năm 2024 sẽ áp dụng thuế du lịch đối với du khách lưu trú tại tất cả các loại hình lưu trú trong khu vực, bao gồm khách sạn, nhà trọ, căn hộ và khu cắm trại. Chính quyền TP Venice của Italy có thể bắt đầu thu phí khách du lịch 3-10USD từ mùa hè năm 2023 trở đi, tùy thuộc vào mức độ đông đúc của thành phố vào thời điểm đó.

Đảm bảo du lịch bền vững

Bộ trưởng Bộ Du lịch và Thể thao Thái Lan Phiphat Ratchakitprakarn cho biết, khoản phí vừa thông báo chủ yếu được sử dụng để trang trải chi phí bảo hiểm và chăm sóc y tế cho khách du lịch. Một phần khác trong số này sẽ được dùng cho việc phát triển các địa điểm du lịch địa phương. Theo ông Phiphat, trong giai đoạn từ năm 2017-2019, chính phủ đã chi 300-400 triệu baht mỗi năm cho Bộ Y tế công cộng để chi trả các hóa đơn của những du khách nước ngoài đã được chăm sóc y tế tại các bệnh viện công của nước này, nhưng không thanh toán hóa đơn trước khi về nước.

Trong khi đó tại Israel, theo quy định hiện hành, du khách nước ngoài thăm Israel được miễn khoản thuế VAT 17% đối với các dịch vụ du lịch, bao gồm tiền thuê khách sạn và dịch vụ, thuê phương tiện đi lại… Tuy nhiên, Bộ Tài chính Israel cho biết, việc hỗ trợ thu hút du khách nước ngoài khiến cho dịch vụ du lịch trở nên đắt đỏ với người tiêu dùng trong nước và ảnh hưởng tiêu cực tới du lịch nội địa. Tổn thất hàng năm cho việc miễn thuế VAT với du khách nước ngoài ước tính khoảng 2 tỷ shekel (567 triệu USD) và việc ngừng miễn thuế sẽ chỉ giảm khoảng 2% số du khách tới Israel, nhưng lại có thể tăng GDP thực thêm 300 triệu shekel. Quyết định ngừng miễn thuế VAT nói trên nằm trong kế hoạch quốc gia giai đoạn 2023-2024 và cần được chính phủ và quốc hội thông qua trước khi chính thức có hiệu lực.

Đối với một số nước hoặc một số điểm du lịch nổi tiếng, áp thuế là để hạn chế số lượng khách du lịch nhằm ngăn chặn tình trạng quá tải, cân bằng lợi ích kinh tế và bảo tồn di sản thiên nhiên, văn hóa. Theo Tờ La Stampa của Italy, một số biện pháp đã được đề xuất như phí vào thành phố, hệ thống đặt phòng trực tuyến… để kiểm soát lượng khách du lịch vào đất nước xinh đẹp này.

Đối với những nước khác, “thuế du lịch” gần giống như thuế bền vững. Tiền từ các loại thuế này được dùng để duy trì các cơ sở du lịch và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên. Chính quyền TP Barcelona cho biết, số tiền thu được sẽ sử dụng để tài trợ cho cơ sở hạ tầng của thành phố, bao gồm dịch vụ xe buýt, đường sá, thang cuốn… Còn theo các nhà chức trách TP Valencia, khoản phí này sẽ hướng tới sự phát triển bền vững của ngành du lịch trong khu vực, được sử dụng để cung cấp nhà ở giá cả phải chăng hơn cho người dân địa phương tại các điểm nóng du lịch. Tương tự, các điểm nóng du lịch của Pháp như Paris và Lyon sử dụng tiền để duy trì cơ sở hạ tầng du lịch. Thuế du lịch ở Hy Lạp dựa trên số sao khách sạn hoặc số phòng khách thuê, có thể lên đến 4 EUR/phòng, được Bộ Du lịch Hy Lạp giới thiệu là để giúp cắt giảm nợ của đất nước.

Ở châu Á, thuế du lịch ở Indonesia chỉ áp dụng ở Bali và doanh thu từ thuế được dành cho các chương trình giúp bảo vệ môi trường và văn hóa của người Bali. Ở Nhật Bản, nó xuất hiện dưới dạng thuế khởi hành. Du khách đến Nhật Bản phải trả 1.000 yen khi họ rời khỏi đất nước. Trang web du lịch chính thức tuyên bố khoản thuế nhỏ này tạo ra “sự khác biệt đáng kể” cho nền kinh tế… Theo các chuyên gia, quá tải du lịch gây ra tình trạng quá nhiều du khách đổ xô đến một địa điểm trong cùng một khoảng thời gian, gây tác động xấu tới môi trường và cuộc sống người dân địa phương. Chắc chắn, mỗi quốc gia sẽ phải tìm đáp án phù hợp cho bài toán này chứ không dừng lại ở thuế du lịch.

Tin cùng chuyên mục