Sau thời gian háo hức với các phim được Việt hóa (vì đều là những phim “đỉnh” của nước ngoài), chất lượng các bộ phim này thường đem lại sự… không hài lòng. Ngày nay, số lượng phim Việt hóa có ít hơn, nhà sản xuất cũng tỏ ra dè dặt hơn khi chọn kịch bản Việt hóa để làm phim. Dù vậy, tháng 9 vẫn có tới 3 bộ phim Việt hóa được lên sóng: Người mẫu (VTV3), Tình yêu trong sáng (HTV7), Anh và em (VTV9).
Khó hay
Đa phần những bộ phim được Việt hóa (chủ yếu vẫn là phim Hàn Quốc) đều là những phim đã thành công, nổi tiếng ngay trên chính đất nước “sản sinh” ra nó và khi trình chiếu tại VN cũng có sức hút mạnh. Chính vì thế, khi quyết định chọn Việt hóa những phim này, ê kíp làm phim phải chịu áp lực không nhỏ. “Người ta làm rồi, thành công rồi, mình làm hay hơn là rất khó. Chưa nói đến việc, bộ phim đã phát sóng rồi nên nội dung phim khán giả đã biết, phim không còn tính hấp dẫn và yếu tố bất ngờ. Thế nên, khi xem phiên bản phim được Việt hóa, khán giả chỉ chăm chú so sánh về sự giống nhau, về cách diễn xuất của diễn viên giữa hai bộ phim” - của đạo diễn Minh Chung, người từng đạo diễn một loạt các bộ phim được Việt hóa cho biết.
Cùng quan điểm ấy, đạo diễn Võ Tấn Bình (từng đạo diễn các phim Việt hóa: Hoa dã quỳ, Người đẹp lỡ thì) cho rằng: “Một số nền điện ảnh lớn như Pháp, Mỹ từng mua lại kịch bản những phim nổi tiếng, đã thành công về làm lại. Có điều, họ là ngành công nghiệp làm phim, nên ở phiên bản 1, thậm chí phiên bản 2, 3 vẫn đạt được độ thành công nhất định. Ở ta, việc Việt hóa phim nước ngoài không đạt được thành công này, là do làm phim ở ta thiếu sự đồng bộ. Người biên tập phim Việt hóa chỉ làm mỗi công việc dịch lại kịch bản có sẵn sang tiếng Việt mà hầu như không có thêm chút sáng tạo nào. Tiền đầu tư cho phim hạn chế, nên nhà sản xuất bớt bối cảnh, thu hẹp phạm vi làm phim, đẩy nhanh thời gian thực hiện…”.
Bà Nguyễn Thị Bảo Trâm, Giám đốc VietcomFilm (đơn vị đã thực hiện bộ phim Việt hóa Anh em nhà bác sĩ), thừa nhận một thực tế: “Áp lực khi Việt hóa phim là rất lớn. Để làm hay được những bộ phim này là rất khó, vì mình không đủ điều kiện như một số nước có nền điện ảnh phát triển về tất cả các khâu như: biên kịch biên tập, đạo diễn, diễn viên, quay phim…”.
Ưu tiên kịch bản nội
* Bắt đầu từ 11-9, khung giờ 17 giờ 30 trên VTV9 sẽ là khung giờ dành phát sóng những phim Việt mới sản xuất, mở đầu là bộ phim Anh và em, với sự tham gia của các diễn viên: Cao Minh Đạt, Anh Thư, Kim Hiền, Lương Thế Thành, Nguyệt Ánh… Tiếp sau sẽ là các phim: Đua nhau làm giàu (đạo diễn: Xuân Phước), Mưa đầu mùa (ĐD: Hùng Phương). |
Ông Nguyễn Quý Hòa, Tổng Giám đốc Đài Truyền hình TPHCM (HTV), cho biết: “Hiện nay, HTV có chủ trương hạn chế duyệt kịch bản Việt hóa; ưu tiên những kịch bản trong nước có nội dung sát với cuộc sống, phản ánh được nét văn hóa và đề cao truyền thống dân tộc trong xu thế hội nhập quốc tế”.
Đài Truyền hình Việt Nam thì chú trọng nhiều đến vấn đề chất lượng kịch bản, chứ không nhất thiết đó là kịch bản được Việt hóa hay thuần Việt. Theo ông Hà Nam, Trưởng ban Thư ký biên tập VTV: “Nếu kịch bản chuyển thể tốt, bảo đảm phù hợp với văn hóa, truyền thống của người Việt Nam, chúng tôi vẫn duyệt để sản xuất. Tất nhiên, nếu có kịch bản trong nước tốt, bao giờ cũng được VTV ưu tiên hàng đầu”.
Rất nhiều nhà sản xuất và cả những đạo diễn đều nhận rằng, “cực chẳng đã” mới phải chuyển thể Việt hóa phim nước ngoài. Chi phí cho việc Việt hóa cao gấp nhiều lần so với chi phí khi mua kịch bản trong nước nhưng người ta vẫn làm vì nó vẫn còn hút quảng cáo.
Bà Bích Hiền, Giám đốc Công ty BHD - chi nhánh phía Nam, cho biết: “Chúng tôi xác định việc phải mua và chuyển thể kịch bản nước ngoài là giai đoạn tạm thời, khi mình chưa có kịch bản thuần Việt đủ dài tập, đủ hay để thu hút khán giả; bởi nếu phim ngắn tập không thu hút quảng cáo, nhà sản xuất chưa kịp lấy lại vốn”.
Bà Bảo Trâm, Giám đốc VietcomFilm, khẳng định: “Xu hướng chung hiện nay, dùng kịch bản Việt Nam vẫn tốt hơn”. Vấn đề là đội ngũ viết kịch bản phim chưa đáp ứng được yêu cầu. “Hiện nay, tìm tác giả để viết một kịch bản phim dài hơi, hoàn chỉnh là rất khó. Lớp tác giả gạo cội viết không kịp, lớp trẻ lại không có kinh nghiệm sống nên viết rất hời hợt”, đạo diễn Minh Chung chia sẻ.
Nếu chưa đủ điều kiện để biến cái hay của người thành cái hay của mình, thiết nghĩ, cứ nên là chính mình vẫn tốt hơn. Thời khán giả tò mò, có chút háo hức chờ đón phim Việt hóa có lẽ đã qua rồi!
Như Hoa