Hiểm họa titan

Từ năm 2009 đến nay, tại tỉnh Bình Thuận đã xảy ra 4 vụ vỡ bờ hồ chứa nước đãi titan, gây hậu quả nghiêm trọng về môi trường và tài sản của người dân. Không chỉ vậy, tại một số khu vực ở tỉnh Bình Thuận như xã Hòa Thắng (huyện Bắc Bình); xã Thuận Quý, xã Tân Thành (huyện Hàm Thuận Nam), việc khai thác titan trước đó đã dẫn đến sự biến mất của một vùng đồi, vốn là nơi chắn gió và bảo vệ hoa màu rất tốt cho nông dân.

Trong khi hệ lụy từ các dự án khai thác titan còn chưa được khắc phục triệt để, giờ đây người dân tỉnh Bình Thuận lại bất an khi nhiều dự án khai thác loại khoáng sản này đang tiếp tục được đầu tư rầm rộ, như người dân tại 2 xã Sông Bình và Sông Lũy của huyện Bắc Bình đang lo lắng vì sự có mặt của Khu công nghiệp Chế biến tập trung titan Sông Bình (diện tích gần 300ha) đang được triển khai xây dựng. Điều đáng nói, theo báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt thì nước thải phát sinh từ các nhà máy khai thác titan trong khu công nghiệp này, sau khi được xử lý sẽ thải ra kênh thủy lợi, rồi đổ vào sông Lũy của huyện Bắc Bình. Người dân nơi đây chủ yếu sống dựa vào nông nghiệp nên họ lo ngại khi dự án này đi vào hoạt động sẽ gây ô nhiễm nguồn nước dùng để tưới hoa màu.

Còn người dân sống tại thị trấn Phú Long (huyện Hàm Thuận Bắc) và phường Phú Hài (TP Phan Thiết) cũng thấp thỏm khi dự án khai thác titan Mũi Đá 1 của Công ty TNHH Khai thác chế biến khoáng sản Cát Tường đang xin chủ trương được sử dụng nguồn nước ngầm tại chỗ để khai thác titan. May thay, khi mới đây ông Nguyễn Ngọc Hai, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, khẳng định: “Lãnh đạo tỉnh không đồng ý trước đề nghị lấy nước ngầm tuyển titan của Công ty Cát Tường vì Bình Thuận là tỉnh khô hạn, nguồn nước ngầm chỉ ưu tiên phục vụ sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi gia súc và để ngăn ngừa nhiễm mặn”.
 
Lãnh đạo tỉnh Bình Thuận cũng nêu rõ quan điểm không vì lợi ích trước mắt mà làm hủy hoại đến môi trường, gây ảnh hưởng đời sống của người dân. Đối với dự án Khu công nghiệp chế biến tập trung titan Sông Bình, khi đi vào hoạt động, địa phương sẽ theo dõi, giám sát chặt chẽ việc xả thải phải đúng như cam kết đã được Bộ TN-MT phê duyệt. Riêng những dự án khai thác titan chưa hoàn tất các thủ tục theo quy định của pháp luật mà tiến hành khai thác, gây hậu quả môi trường hoặc chưa hoàn thành đóng cửa mỏ, phục hồi môi trường và đất đai khu vực đã khai thác, tỉnh Bình Thuận sẽ kiên quyết xử lý và nhất quyết không xem xét việc xin cấp phép khai thác khoáng sản mới.

Nguyễn Tiến

Tin cùng chuyên mục