Hiểm họa từ dầu ăn đã qua sử dụng

Hàng trăm nhà máy chế biến thực phẩm, hàng ngàn nhà hàng khách sạn, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống tại TP.Hồ Chí Minh đã thải ra từ 4 đến 6 tấn dầu ăn phế thải mỗi ngày. Các loại dầu ăn phế thải này đang được các nhà khoa học cảnh báo khả năng gây ung thư đặc biệt nghiêm trọng. Vì khi bị chưng cất ở nhiệt độ cao, dầu ăn đã chuyển hóa một phần thành aldehyt, peroxyt, những chất rất có hại cho cơ thể, có khả năng gây ung thư.

Hiện nay, dầu ăn đã qua sử dụng tại các nhà hàng, khách sạn phần lớn được bán lại cho các quán ăn nhỏ, các gánh hành rong ven đường (chiên bánh, đậu phụ, cút chiên bơ...) và bị “vắt kiệt” nhiều lần nữa cho đến khi vón lại thành những cục đen nhỏ phải bỏ đi. Sau những công đoạn chiên, lọc cặn lặp đi lặp lại không biết bao nhiêu lần, người dân không ngần ngại đổ vào các bãi rác hoặc thải trực tiếp vào hệ thống rãnh thoát nước.

Để giải quyết hiểm họa khôn lường này, Trung tâm nghiên cứu công nghệ lọc hóa dầu Trường Đại học Bách Khoa Tp.HCM đã nghiên cứu, sáng chế thành công công nghệ sản xuất dầu Biodiesel từ dầu ăn phế thải. Tái chế dầu ăn phế thải thành nhiên liệu biodiesel sinh học là phương pháp đem lại nhiều ích lợi về mặt vệ sinh an toàn thực phẩm, tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ sức khoẻ con người, bảo vệ môi trường sống.

Việc sử dụng dầu Biodiesel thay thế cho Diesel truyền thống không chỉ làm chậm lại quá trình khai thác dầu mỏ, nguồn tài nguyên ngày một cạn kiệt mà còn giảm đi đáng kể lượng khí thải độc hại phát sinh từ quá trình đốt nhiên liệu do Biodiesel khả năng cháy sạch và thải ra rất ít khí độc hại cho môi trường (Biodiesel cháy sạch hơn 75% so với nhiên liệu diesel thông thường).

Tuy đã hoàn thiện về mặt công nghệ và đi vào sản xuất với đầu ra dồi dào, nhưng hiện tại trung tâm cũng đang gặp rất nhiều khó trong việc thu mua nguyên liệu. Giá thành thu mua của trung tâm chỉ có thể ở mức 5.000 đến 6.000 đồng/lít để đảm bảo giá bán ra thấp hơn giá dầu Diesel trên thị trường. Vì lợi nhuận, các nhà hàng, quán ăn thường bán cho những người mua dầu thải về tái sử dụng với mức giá hấp dẫn: 9.000 đến 10.000 đồng/lít. Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng tới hoạt động của trung tâm nghiêm cứu công nghệ lọc hóa dầu ĐH Bách Khoa mà còn gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý, kiểm soát dầu ăn đã qua sử dụng.

Trước tình trạng dầu thải trôi nổi trên thị trường như hiện nay, rất cần sự vào cuộc của các ngành chức năng liên quan trong việc kiểm soát chặt chẽ nguồn dầu ăn đã qua sử dụng trên địa bàn thành phố, nhằm khuyến khích, đẩy mạnh các hoạt động tái chế (biện pháp tối ưu để giảm lượng chất thải), bảo vệ môi trường và sức khỏe người dân trước khi quá muộn!

Kiên Giang

Tin cùng chuyên mục