Ga Sài Gòn nằm sâu trong nội thành, nên tuyến đường sắt Bắc - Nam bắt buộc chạy cắt ngang nhiều tuyến phố, trong số đó, có không ít đường ngang dân sinh. Chính vì để tiện đi lại, thay vì phải đi một đoạn tới đoạn đường cắt ngang có rào chắn an toàn, tranh thủ lúc chưa có tàu chạy qua, nhiều người đã lấy đường sắt và hành lang an toàn làm nơi tụ tập bất chấp nguy cơ tai nạn chực chờ.
Tuyến đường sắt Bắc - Nam chạy qua địa bàn TPHCM có chiều dài 14,3km. Toàn tuyến có 29 đường ngang, trong đó 16 đường ngang có người gác chắn, 13 đường ngang có cảnh báo tự động. Hiện nay, do nhu cầu đi lại nên hàng loạt đường ngang dân sinh được người dân tự mở, điều nguy hiểm đi cùng với đó là sự buông lỏng quản lý của các gia đình khi để con em ra ngoài đường sắt ngồi chơi.
Một ngày cuối tháng 8, chúng tôi có mặt tại điểm giao nhau giữa đường sắt và đường Nguyễn Trọng Tuyển (quận Phú Nhuận), chứng kiến cảnh 4 em nhỏ đang ngồi hóng mát trên đường ray và nô đùa chạy nhảy, có em còn nghịch ngợm đi thăng bằng trên các thanh đường ray. Thấy có tàu sắp tới, một người đi xe máy mới nhắc nhở các em vào bên trong đường. Cách đó chừng 100m, một phụ nữ đang cặm cụi xới đất trồng rau cạnh đường ray. Cạnh giao lộ Nguyễn Văn Trỗi và đường Mai Văn Ngọc (có đường sắt chạy bên trong, phường 10, quận Phú Nhuận), chúng tôi thấy 7 người cả người lớn và trẻ nhỏ đang ngồi hóng mát trên đường ray, vừa thấy đoàn tàu đến những người này mới chạy vào bên trong lề…
Tại TPHCM, lưu thông qua đường ngang không rào chắn luôn là nỗi khiếp sợ cho người dân. Tại điểm giao nhau giữa đường ray (đường Chiến Thắng) với đường Trần Khắc Chân tại phường 9, quận Phú Nhuận chỉ tồn tại đèn tín hiệu và biển báo “Dừng lại! Quan sát tàu hỏa khi qua đường sắt”, chứ không hề có rào chắn. Lực lượng gác tàu chỉ xuất hiện khi có tàu đến. Hai bên đường Trần Khắc Chân là hàng loạt nhà dân san sát, che khuất tầm nhìn. Nhiều người khi đi qua đây không chú ý quan sát, tới gần mới phát hiện tàu hỏa đang đến nên vội vàng lùi lại, va chạm với xe phía sau hoặc ngã xe. Trường hợp tương tự còn diễn ra tại các địa điểm cắt với đường sắt tại quận Phú Nhuận như đường Trần Hữu Trang, hẻm 120/20 đường Thích Quảng Đức, đường Trương Đăng Quế (Gò Vấp)… Ông Nguyễn Thế Danh, một tài xế xe ôm tại Phú Nhuận cho biết: “Hàng ngày, trên tuyến đường sắt có rất nhiều trẻ em ngồi chơi không chú ý tàu, người lớn không ai nhắc nhở”. Trước cổng Trường THCS Sông Cầu (đường Đỗ Tấn Phong, phường 9, Phú Nhuận), mặc dù có thanh chắn ngang đường sắt, nhưng học sinh khi tan trường số lượng rất đông, trong đó nhiều học sinh nô đùa rất nguy hiểm nhất là khi tàu chạy ngang qua. Khu vực cầu Bình Lợi (quận Bình Thạnh) luôn khiến người tham gia giao thông cảm thấy bất an vì làn đường hai chiều dành cho xe máy chỉ rộng khoảng chừng 2m với mật độ lưu thông đông nên việc di chuyển rất khó khăn. Bên cạnh là phần đường dành cho tàu hỏa, phía dưới là dòng nước chảy xiết rất nguy hiểm. Tại khu vực này, mặc dù có biển cấm nhưng nhiều người dân vẫn phớt lờ, đi bộ trên phần đường cho tàu.
Theo thống kê, những vụ tai nạn giao thông đường sắt nghiêm trọng thường xảy ra ở các tuyến đường ngang dân sinh do tuyến đường này không có rào chắn, khuất tầm nhìn, thiếu hệ thống cảnh báo, thiếu đèn tín hiệu, mặt đường xấu cộng với ý thức chủ quan của người tham gia giao thông. Để phòng tránh tai nạn đường sắt, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân và học sinh, sinh viên quanh khu vực có đường sắt đi qua rất quan trọng. Ngoài ra, người dân sống ven đường sắt cần có ý thức bảo vệ hành lang an toàn và trật tự mỹ quan vệ sinh trên tuyến đường sắt. Công an các phường, các quận có đường sắt đi qua cần tăng cường hơn nữa việc tuần tra, xử lý các hành vi thiếu văn hóa như cố tình không chấp hành hiệu lệnh của tín hiệu đèn cũng như của người gác chắn để tránh các trường hợp tai nạn do va chạm với tàu hỏa gây ra.
ANH TUẤN