Hiểm họa từ thuốc diệt cỏ Paraquat

Chưa bao giờ Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai lại phải tiếp nhận nhiều bệnh nhân ngộ độc thuốc diệt cỏ Paraquat như những ngày nghỉ Tết Mậu Tuất vừa qua. Tuy nhiên, đáng báo động là chất Paraquat dù đã bị cấm nhưng vẫn được sử dụng tràn lan trong nông nghiệp, việc kiểm soát lỏng lẻo, gây ra nhiều nguy hiểm cho người dân, cộng đồng và môi trường.

 

 

Một bệnh nhân bị ngộ độc Paraquat đang được điều trị tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai
Một bệnh nhân bị ngộ độc Paraquat đang được điều trị tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai
Những cái chết từ từ

Những ngày sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Mậu Tuất, tại Trung tâm Chống độc, các phòng điều trị vẫn chật kín bệnh nhân. Ở một giường, nằm vật vã, nặng nhọc thở rít từng cơn đau đớn là một thanh niên mới 19 tuổi ở Hà Nội, được đưa vào cấp cứu trong tình trạng nguy kịch do ngộ độc thuốc diệt cỏ Paraquat. Theo người nhà bệnh nhân, trước đó do cãi nhau với bạn gái, nam thanh niên này đã “cả giận mất khôn”, về nhà lấy chai thuốc diệt cỏ tu hết nửa chai, dẫn tới ngộ độc cấp. Bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng cho biết, nam thanh niên trên đã bị ngộ độc Paraquat rất nặng, các bác sĩ đang tập trung điều trị tích cực, lọc máu cho bệnh nhân nhưng vẫn rất khó tiên lượng về tình trạng sức khỏe và tính mạng của bệnh nhân. Đau lòng hơn, mới đây, Trung tâm Chống độc còn tiếp nhận một phụ nữ đang mang thai, do buồn chán chuyện gia đình, sản phụ này đã uống thuốc diệt cỏ để tước đoạt tính của bản thân và cả thai nhi...

TS Dương Đức Hùng, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, trong những ngày nghỉ Tết Mậu Tuất 2018 vừa qua, cùng với số bệnh nhân ngộ độc thực phẩm, ngộ độc rượu thì số bệnh nhân ngộ độc Paraquat được đưa vào cấp cứu, điều trị tại trung tâm cũng tăng đột biến, với 13 trường hợp - nhiều nhất từ trước tới nay. Trong khi đó, Th.S Nguyễn Trung Nguyên, phụ trách Trung tâm Chống độc cho biết, hầu hết bệnh nhân bị ngộ độc Paraquat đều bắt nguồn từ việc uống loại hóa chất cực độc này để tự tử. Với những ca ngộ độc Paraquat, quá trình điều trị rất khó khăn do đây là loại hóa chất cực độc, chỉ cần uống khoảng 50ml là khó có cơ hội cứu sống. Khi chất Paraquat vào cơ thể sẽ gây tổn thương nặng nề các cơ quan nội tạng, nghiêm trọng nhất là tổn thương phổi, sau đó xơ phổi tiến triển nặng, dẫn tới suy hô hấp, nguy cơ tử vong rất cao. Tệ hơn, với những người bị ngộ độc Paraquat cho tới khi hấp hối vẫn rất tỉnh táo nhưng khó thở, vật vã nên vô cùng thương tâm. Trong trường hợp bệnh nhân ngộ độc Paraquat may mắn thoát chết thì cũng bị di chứng nặng nề về phổi và các cơ quan nội tạng khác nên ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe, khả năng lao động và hòa nhập cuộc sống. Bên cạnh đó, người bị ngộ độc chất diệt cỏ còn phải gánh chịu chi phí điều trị rất lớn, khi phải dùng nhiều loại thuốc thải độc và lọc máu trong thời gian dài.

Phải cấm ngay

Theo một số chuyên gia về nông nghiệp, Paraquat là một chất được sử dụng khá phổ biến trong thuốc bảo vệ thực vật. Mặc dù là hóa chất độc hại nhưng hiện nay việc sử dụng nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật có chứa Paraquat vẫn diễn ra tràn lan và thiếu sự kiểm soát ở nước ta. Trước thực trạng này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) đã quyết định loại bỏ thuốc bảo vệ thực vật chứa hoạt chất Paraquat ra khỏi danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam. Tuy nhiên, theo quy định của Bộ NN-PTNT thì phải tới tháng 2-2019, chất Paraquat mới bị cấm sử dụng hoàn toàn. Điều này cũng đồng nghĩa với việc còn tới 1 năm nữa, chất Paraquat vẫn được phép sử dụng. Trong khi đó, hàng chục quốc gia trên thế giới đã cấm việc sử dụng Paraquat từ lâu nhằm tránh những mối hiểm họa khôn lường cho sức khỏe người dân, cộng đồng và môi trường.

Theo bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng, nhiều người biết rõ mối nguy hại cực lớn của chất Paraquat đối với sức khỏe và tính mạng bản thân nhưng vẫn cố tình sử dụng chỉ vì nóng giận, thiếu kiểm soát bản thân. Vì vậy, số trường hợp ngộ độc, tử vong do Paraquat đang ngày càng có chiều hướng gia tăng và trở thành nỗi ám ảnh đối với không ít gia đình, cũng như các y, bác sĩ. Thống kê của cơ quan chức năng, trung bình mỗi năm cả nước có trên 1.000 trường hợp bị ngộ độc Paraquat dưới nhiều hình thức khác nhau. Trong khi đó, cả Việt Nam và thế giới hiện chưa có cách điều trị triệt để với các bệnh nhân uống Paraquat. Việc điều trị chủ yếu bằng cách khử độc, rửa dạ dày, lọc máu, dùng thuốc giải độc nhưng kết quả rất hạn chế. Có tới 70% số người uống Paraquat là tử vong, không có khả năng điều trị. Để vơi đi những cái chết đầy đau xót do Paraquat gây ra, các bác sĩ cho rằng, Bộ NN-PTNT cùng các cơ quan chức năng cần có các biện pháp quyết liệt để dừng ngay việc sử dụng, sản xuất và kinh doanh các loại thuốc bảo vệ thực vật có chứa Paraquat vì đây là hóa chất tác động rất xấu đến sức khỏe con người, vật nuôi, hệ sinh thái và môi trường. “Chúng tôi mong muốn chất này bị cấm càng sớm càng tốt vì muộn ngày nào sẽ lại có thêm những ca tử vong đau xót”, bác sĩ Dũng chia sẻ.

Tin cùng chuyên mục