
Chưa bao giờ chuyện quy hoạch, quản lý đô thị TPHCM lại được làm nóng như hiện nay, bởi công tác quy hoạch TPHCM đã và đang ngày càng bộc lộ nhiều bất cập. Báo SGGP đã ghi nhận ý kiến tâm huyết của kiến trúc sư (KTS) Ngô Viết Nam Sơn và KTS Nguyễn Hồng Hải – những người đã thành danh ở nước ngoài, từng tham gia nhiều dự án lớn trên thế giới và tại VN – về những vấn đề đảm bảo cho một TPHCM văn minh, hiện đại.
- KTS NGUYỄN HỒNG HẢI: Giáo dục nếp sống song hànhvới quy hoạch

Tôi cho rằng để xây dựng nếp sống văn minh đô thị, chúng ta cần khắc phục những tồn tại trong quy hoạch đô thị. Cụ thể trước tiên là quy hoạch đô thị không bài bản, không đồng bộ, làm theo kiểu chắp vá, sai đâu sửa đấy. TPHCM phát triển trên nền một thành phố hiện hữu, được quy hoạch cho một số lượng dân cư nhất định. Nay cũng vẫn những con đường ấy, không thể mở rộng hơn, trong khi rất nhiều nhà cao tầng được liên tục cho phép xây dựng trong trung tâm TP, nơi hạ tầng cơ sở đã được phát triển tối đa. Các cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại đó “hút” vào từ một, hai ngàn đến vài ngàn người; còn chủ dự án lại không tính toán chừa không gian đủ chỗ đậu xe cho những người đến làm việc, mua sắm (chỉ cung cấp được khoảng vài trăm chỗ) và đẩy gánh nặng giải quyết vấn đề này cho chính quyền TP. Ở một dự án tiêu chuẩn, khi xây dựng cao ốc, chủ đầu tư phải lo đủ chỗ để xe chứ không bắt những người làm việc tại đây hoặc đến liên hệ công tác phải chạy lòng vòng tìm chỗ gửi xe như ở ta. Chưa kể, các công trình này đã mang thêm vào TP hàng chục ngàn phương tiện giao thông hàng ngày, khiến các con đường vốn đã chật hẹp lại càng quá tải.
Vấn đề đặt ra là tại sao chúng ta không quy hoạch xây dựng những cao ốc này ra xa khu vực trung tâm TP - như quận 2, quận 7, quận 9, mà lại chỉ tập trung phát triển, tăng mật độ khu trung tâm hiện hữu?
Bên cạnh đó, hiện nay việc thiết kế giao thông cũng không đúng nguyên lý. Ta điều tiết giao thông mà không thực sự hiểu cách thức tham gia giao thông của từng phương tiện. Chúng ta đã thiếu đường sá mà lại thiết kế phân luồng, nút giao thông sai; thiết kế các nơi dừng, đậu xe, quay đầu tùy tiện; tổ chức giao thông, phân luồng tuyến nhưng không có cơ sở, không dựa vào một tiêu chí nào... nên khiến hầu như bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu cũng diễn ra cảnh kẹt xe, ùn tắc giao thông. Đường giao thông thiếu mà lại thừa. Chẳng hạn, việc quy định chiều rộng làn đường chưa được tính toán kỹ sao cho phù hợp với tốc độ di chuyển và cách thức sử dụng của từng loại phương tiện. Ở Việt Nam, bất cứ làn đường nào cũng chỉ rộng đúng quy chuẩn 3,75m, dù cho tốc độ phương tiện được phép di chuyển là 10 km/giờ hay 100 km/giờ. Nếu ta thiết kế sai thì dù đường có rộng gấp đôi, gấp ba vẫn cứ kẹt xe. Không thể đổ lỗi cho văn hóa giao thông của người dân.
Do vậy, theo tôi, để xây dựng TPHCM thành một đô thị văn minh, bên cạnh việc giáo dục người dân về nếp sống văn minh đô thị, chúng ta cần làm tốt công tác quy hoạch vĩ mô về phát triển đô thị, giao thông, hạ tầng. Nhưng đó chỉ mới là điều kiện cần. Điều kiện đủ là phải vận hành quản lý đô thị làm sao để có thể duy trì được các tiêu chí mà việc quy hoạch và thiết kế đô thị đưa ra.
- KTS NGÔ VIẾT NAM SƠN: Cần nhạc trưởng cho quy hoạch đô thị

Theo tôi, quy hoạch đô thị TP hiện nay thiếu tính khả thi, sự phối hợp cũng thiếu chặt chẽ, tình trạng yếu kém về quản lý và phát triển quy hoạch đô thị TPHCM hiện nay vẫn chưa được cải thiện bao nhiêu vì vấn đề cũ giải quyết chưa xong, từng ngày lại có thêm các vấn đề mới nảy sinh. Tuy nhiên, tôi không cho đó là trách nhiệm chính của Sở Quy hoạch - Kiến trúc hoặc Sở Xây dựng mà là của UBND TP. Bởi cơ chế tổ chức hiện nay vẫn còn chưa đổi mới kịp, do đó đang gây khó cho hai sở này.
Phương pháp quản lý quy hoạch hiện nay còn ảnh hưởng nặng phương pháp tư duy của nền kinh tế tập trung, trong khi đất nước đã chuyển sang nền kinh tế thị trường từ cuối thập niên 80. Do vậy cần thay đổi phương pháp tư duy lãnh đạo và cơ chế quản lý trước mới có thể thành công. Lấy ví dụ cụ thể từ quy hoạch Khu đô thị Thủ Thiêm của TP sẽ thấy rõ. Đến nay, khu đô thị này vẫn ì ạch, cho dù được định hướng phát triển như một trung tâm hiện đại. Trong khi các cao ốc mọc lên ngày càng nhiều cho thấy nhu cầu có thực nhưng tại sao chúng lại không được xây dựng tại Thủ Thiêm? Bởi vì nếu còn theo cơ chế cũ thì người ta vẫn còn trông đợi nhà nước rót vốn đầu tư hạ tầng và đền bù giải tỏa và vẫn chưa đưa ra được chính sách khuyến khích phát triển các khu vực trọng điểm. Người ta chỉ lo giải bài toán quy hoạch dựa trên quan điểm chủ quan chứ không dựa trên nghiên cứu thực tế nhu cầu kinh tế xã hội thực sự và chiến lược phát triển tổng thể. Để phát triển khu đô thị mới Thủ Thiêm mau chóng và hiệu quả, sớm đem lại lợi ích kinh tế và một bộ mặt đô thị khang trang cho TP, chúng ta cần một cơ chế mới tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư tư nhân tham gia với chính sách phân chia lợi ích chung hợp lý cho tất cả các bên.
Theo tôi, chính quyền cần tham khảo thêm hai bài học kinh nghiệm thu hút đầu tư phát triển và quản lý đô thị rất thành công để nghiên cứu giải pháp phù hợp cho VN. Đó là chương trình phát triển nhà cho toàn dân (có thể mua nhà giá rẻ) tại Singapore và chương trình phát triển khu trung tâm cao tầng của TP San Francisco do Tập đoàn Rockefeller làm chủ đầu tư.
Tôi cho rằng điều quan trọng nhất mà TP lớn như TPHCM và Hà Nội phải làm là có ít nhất một lãnh đạo cao cấp của UBND TP chịu trách nhiệm trực tiếp, chỉ đạo sự phối hợp hoạt động của các Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Xây dựng, Tài nguyên - Môi trường, Tài chính và Giao thông Vận tải. Chừng nào chúng ta chưa có một lãnh đạo có đủ thẩm quyền điều hành sao cho các sở này hoạt động phối hợp nhịp nhàng, chừng đó tình trạng quy hoạch kiến trúc của các đô thị TPHCM sẽ còn trong ngõ kẹt, không có lối thoát.
ÁI CHÂN – HỒNG HIỆP