Hiện tượng bịp trong học đường Mỹ

Hiện tượng bịp trong học đường Mỹ

Đầu năm học mới, nhiều tờ báo Mỹ đồng loạt đăng bài về hiện tượng bịp trong học đường Mỹ. Dùng thiết bị kỹ thuật cao, từ học sinh trung học cho đến sinh viên đại học, tất tất đều có những mánh khóe mà chưa học sinh nào trên thế giới thực hiện nổi.

  • 80% học sinh trung học dùng “xảo thuật”
Hiện tượng bịp trong học đường Mỹ ảnh 1

80% học sinh trung học dùng “xảo thuật”

Hàng đống sách đang chất trước mặt Leah Solowsky – từ Anh văn, giải phẫu học, lịch sử Mỹ, đến hình học… Đêm nào cũng vậy, Solowsky phải nhét từng ấy kiến thức vào đầu. Tối nay, trước khi bắt tay làm bài luận bằng tiếng Tây Ban Nha về đề tài ăn uống hợp vệ sinh, Solowsky bật máy vi tính, định tán gẫu một chút với bạn. Đột nhiên, cô nảy ra ý định truy cập Internet về đề tài mình sắp làm.

Vào trang hỗ trợ tìm kiếm AltaVista, nhấp chuột vào ô ngôn ngữ, chọn tiếng Tây Ban Nha và gõ vào hộp tìm kiếm từ “la dieta”. 15 phút sau, Solowsky có tất cả mọi thứ mình cần biết, về trái cây, rau quả và ngũ cốc – tất cả bằng tiếng “espanol” hoàn chỉnh. Solowsky nhanh chóng đánh máy lại và ngày hôm sau đến lớp nộp. Bài làm của cô được điểm ưu. Cô không cho rằng mình phạm tội bịp bợm. “Tôi nghĩ về đề tài này mọi lúc mà!” – Solowsky phân bua. Khắp nước Mỹ, mỗi ngày, hàng triệu học sinh-sinh viên từ trung học cho đến đại học đều đứng trước tòa án lương tâm, như Solowsky.

Trong cuộc thăm dò gần đây của tổ chức Who’s Who Among American High School Students, 80% học sinh trung học thứ hạng cao đều thừa nhận mình có dùng “xảo thuật” ít nhất một lần và 95% trong số họ cho biết mình chưa từng bị phát hiện. Trung tâm liêm chính học thuật thuộc Đại học Duke cho biết thêm ¾ sinh viên đều thừa nhận họ ít nhất một lần bịp bợm trong bài làm. Còn theo cuộc thăm dò của báo U.S. News & World Report thì 90% sinh viên tin rằng bọn gian trá trong học đường chưa từng bị trả giá.

Các bài photo tất nhiên đã thuộc về quá khứ. Theo Washington Post, thời nay, thiết bị hiện đại được tận dụng tối đa và chuyện gian trá được thực hiện chưa bao giờ dễ dàng bằng lúc này. Học sinh có thể vào trang web của trường để xem bảng điểm và thay đổi những con số bất lợi; liên lạc và truyền những câu đáp án ngay trong phòng thi bằng máy nhắn tin hay điện thoại di động và truy xuất hàng trăm tài liệu từ Internet rồi “luộc” lại để nộp thầy. Nam sinh cũng như nữ sinh đều tham gia tất. Tại sao chuyện này lại xảy ra tràn lan?

Sissela Bok – tác giả quyển Lying: Moral Choice in Public and Private Life (Dối trá: sự chọn lựa mang tính đạo đức trong cuộc sống riêng và cộng đồng) – cho rằng một phần vấn đề nằm ở chỗ “người ta rất hoang mang trong việc định nghĩa như thế nào là lừa bịp”.

Việc truy cập thông tin từ Internet nhằm mục đích nghiên cứu có thể bị xem là ăn cắp (plagiarism – đạo văn) hay không? Sự cộng tác học tập giữa sinh viên với nhau cũng như giữa học sinh và phụ huynh (trước nay vẫn được khuyến khích) có thể bị đánh giá là thông đồng hay không? Các điều luật chưa rõ ràng.

Kết quả: nạn sao chép bài tập trở nên phổ biến và bài làm về nhà của học sinh lớp sáu có chữ ký phụ huynh đặt bên cạnh từ “involvement” (có giúp đỡ) đã khiến thầy cô càng bối rối khi đánh giá chấm điểm…

  • Chuyện gì đang xảy ra?

Sam – sinh viên năm thứ hai Đại học Alabama – gần như không nhớ mình “trở nên tiểu xảo” từ lúc nào. Cậu cho rằng có lẽ từ thời học trung học, khi thỉnh thoảng copy lời giải toán và “in” một số công thức toán học lên cánh tay mình.

Bây giờ, một thập niên sau, Sam đã quá quen với chuyện lừa bịp và cậu không thể sống mà thiếu nó. Gần đây nhất, Sam đã truy cập nguyên một bài về nạn phát xít trên Internet rồi “luộc” lại thành bài văn của mình.

Mới tháng trước, Melissa – sinh viên Đại học Duke – được thầy giao làm một bài về lập trình máy tính. Cô không cần trăn trở gì với đề tài này mà chỉ cần copy lại từ đĩa mềm của một người bạn. Connie Eberly – giáo viên Anh văn tại trường trung học J. I. Case ở Racine (bang Wisconsin) – cho biết điều đáng lo nhất là hiện nay học sinh có tâm lý giành được bằng cấp, thứ hạng cao hơn là thực sự ham muốn thu thập kiến thức.

Nếu tốt nghiệp trung học ở hạng cao, học sinh có cơ may lọt vào một đại học tốt và nhận được học bổng; còn nếu tốt nghiệp đại học ở hạng cao, sinh viên có cơ hội xin vào công ty lớn, chức vụ cao và lương nhiều. Cứ thế, chuyện bịp trở thành một cơn dịch không thể kiểm soát.

Điều đáng đau khổ nhất là hiện có nhiều trang web ra đời nhằm phục vụ nhu cầu bịp của học sinh – schoolsucks.com chẳng hạn. Với tôn chỉ “phục vụ việc nghiên cứu cho sinh viên”, trang web này sẵn sàng cung cấp mọi giải đáp hóc búa nhất (“tư duy” schoolsucks.com đã hiện rõ trên trang chủ với hàng chữ rất… phản giáo dục như sau: “Học càng nhiều, bạn càng biết nhiều. Càng biết nhiều, bạn càng quên nhiều. Càng quên nhiều, bạn càng biết ít. Vì thế, việc gì phải học để làm chi?”).

Nếu xem “sơ sơ” thì miễn phí nhưng muốn “tìm hiểu” kỹ hơn thì cứ việc trả 5 USD/trang thông tin, được gửi qua fax hoặc e-mail. Còn nếu thích xem nguyên bài giải “đúng y như đáp án” thì xin vui lòng trả lệ phí 17,95 USD/trang! Điện thoại di động dùng để đánh những con số truyền đến máy nhắn tin trong trường hợp cần lời giải cho bài thi trắc nghiệm (1a, 2c, 3d… chẳng hạn).

Công thức toán học và cả những chú giải cùng bình luận về tiểu thuyết Jane Eyre thì được lưu trong máy tính xách tay. Một số thiết bị hiện đại còn có khả năng phát tia hồng ngoại, cho phép học sinh truyền-nhận thông tin ào ào ngay trong phòng thi. “Tôi có cảm giác rằng bọn chúng đang rì rầm sau lưng rằng “mụ giáo tụi mình ngốc quá” vì chúng tôi không phát hiện được trò gian manh của chúng” – giáo viên Anh văn Mariah Eberly nói.

  • Ai có lỗi?

Một số người cho rằng tình trạng bịp bợm trong học đường Mỹ không phải là lỗi của học sinh hay phụ huynh mà chính là lỗi của nhà trường. “Chúng ta nên nhìn vào cách mà trường học ngày nay được quản lý như thế nào để chuyện lừa bịp xảy ra dễ dàng” – nhận xét của Theodore Sizer, nhà giáo dục học nổi tiếng và đồng tác giả quyển The Students Are Watching: Schools and the Moral Contract (Các em học sinh đang quan sát: những ngôi trường và bản giao kèo về đạo đức).

Sizer cho rằng các lớp học ngày càng đông nên giáo viên không có thời giờ tìm hiểu học sinh hay “thai nghén” những bài tập mà học sinh không thể tìm trên Internet.

Có điều rất rõ rằng nếu làm cho học sinh cảm thấy thích thú những gì chúng đang tiếp thu thì chúng sẽ tự khắc giảm hay ngưng các trò gian trá. Điển hình là trường hợp Bob Corbett – một “cựu” chuyên gia về bịp thời còn đi học.

Trong quyển “hồi ký” kể lại thời hoàng kim của mình có tựa The Cheater’s Handbook: The Naughty Student’s Bible (Cẩm nang của một học sinh gian lận: Quyển Kinh thánh của một học sinh ngổ ngáo), Corbett khẳng định rằng ông không bao giờ gian lận ở những môn mà mình thật sự quan tâm hay ở những lớp mà giáo viên dạy lôi cuốn.

Có lẽ đúng thế khi biết rằng Corbett đã đề tặng quyển sách này cho một giáo viên hồi lớp 11, người “đã dạy rất tuyệt và phá hủy bất cứ sự thôi thúc gian lận nào mà tôi từng nghĩ trong môn tiếng Anh…”.

Không thể loại trừ trách nhiệm của nhà trường. Chẳng hạn, những bài thi theo dạng tiêu chuẩn đã khiến học sinh ngày càng không thích thú và cảm thấy có trách nhiệm phải hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Hầu hết các học sinh gian lận không bị bắt và hầu hết giáo viên không thích đóng vai cảnh sát. Ở góc độ này, vấn đề trên lại chạm một yếu tố khách quan: học sinh có quyền kiện thầy.

Giáo viên khoa học McCandless cho biết ông từng suýt bị ra tòa vì đơn kiện của một nữ phụ huynh cho rằng ông làm “tổn hại lòng tự trọng” của con gái bà ấy. Tuy các đơn kiện loại này hiếm nhưng giáo viên cũng cảm thấy chùn bước trong việc truy bắt “tội phạm” trong lớp. Từng có những trường hợp “quả báo nhãn tiền”: John Hill – giáo sư luật tại Đại học St. Thomas ở Florida – đã bị học sinh chửi đổng ngay sau lưng và nhà ông bị ném trứng thối!

Một trong những biện pháp hữu hiệu nhất là phạt nặng các trường hợp gian lận – điều này đến nay chưa được áp dụng triệt để. Năm ngoái, một học sinh “giỏi” đại diện cho trường trung học Brea Olinda ở Nam California đã bị bắt quả tang thay đổi điểm một bài thi. Ấy thế mà tên gian manh này chỉ bị phạt cấm dự lễ tốt nghiệp! Chỉ có số ít trường dùng biện pháp tương đối cứng rắn.

Tại Đại học Maryland, sinh viên bị phát hiện gian trá phải tham dự khóa học về đạo đức kéo dài suốt 7 tuần… Quan trọng hơn nữa là việc giáo dục ý thức học sinh, khiến họ phải “tự vấn” trước lương tâm, làm cho họ thấy rằng chuyện gian trá trong học đường không khác gì một hành động tội ác làm tổn hại chính bản thân và hủy hoại cả tương lai.

Thanh tra giáo dục Florida Gregg Colton cho biết điều ông rất lo ngại là tình trạng ăn cắp đề thi hiện nay. Một đề thi có thể bán với giá hàng trăm ngàn đô la cho một nhóm học sinh nhà giàu. Trong một vụ gần đây, người ta tóm được một gã ở California bán những “cây bút điện tử” có màn hình nhận được tín hiệu từ bên ngoài truyền vào với giá 9.000 USD/cây.

Chưa hết, Colton còn cho biết có nhiều vụ sinh viên dùng camera nhỏ chỉ bằng đồng xu giấu trong cravat (hay áo khoác) để gửi thông tin ra bên ngoài, nơi một “bậc thầy toán cao cấp” nào đó ngồi núp trong xe hơi lập tức xem và chuyển lại lời giải qua máy nhắn tin (luôn để ở chế độ báo rung) – chuyện nghe như trong làng tình báo và không ai ngờ nổi!

Trong vài trường hợp, học sinh không cần dùng thiết bị gì hiện đại mà chỉ học thuộc ngôn ngữ câm để trao đổi lời giải – như trường hợp mà thầy Larry McCandless ở trung học Hardee tại Wauchula (Florida) kể. 

LÊ THẢO CHI
 

Tin cùng chuyên mục