Hội nghị Cấp cao kinh tế ASEAN-EU khai mạc ngày 1-4 và cộng đồng doanh nghiệp của hai khối đã kiến nghị nhiều vấn đề lên các nhà lãnh đạo ASEAN và Ủy ban Thương mại châu Âu. Một trong những vấn đề được quan tâm nhất tại hội nghị là thông tin Việt Nam và EU chuẩn bị tiến tới đàm phán Hiệp định tự do thương mại (FTA) vì Việt Nam là đối tác thứ ba của EU trong ASEAN tiến tới đàm phán về vấn đề này. Bên lề hội nghị, PV Báo SGGP đã có cuộc phỏng vấn Trưởng phòng Thương mại kinh tế EU tại Việt Nam, ông Jean-Jacques Bouflet, về việc hai bên chuẩn bị đàm phán FTA.
* PV: Thưa ông, tại sao EU không đàm phán FTA với toàn khối ASEAN mà thay vào đó quyết định đàm phán với từng quốc gia trong ASEAN?
* Ông JEAN-JACQUES BOUFLET: Chúng tôi đã bắt đầu đàm phán với ASEAN về FTA vào năm 2009. Nhưng 2 năm sau, chúng tôi nhận thấy việc đàm phán chung cả khối sẽ khó đạt được bước tiến. Lý do là ASEAN bao gồm nhiều nước khác nhau, đứng từ góc độ tăng trưởng kinh tế, có thể nói các nước thành viên ASEAN phát triển không đồng đều như trong EU, vì vậy các nước ASEAN khó có thể có một thỏa thuận chung với EU. Tuy vậy chúng tôi vẫn luôn ghi nhớ chúng tôi sẽ tiến tới đàm phán FTA với toàn khối ASEAN.
* Ngày 31-3, Cao ủy Thương mại EU và Bộ trưởng Công thương Việt Nam đã kết thúc việc chuẩn bị khởi động tiến trình đàm phán FTA giữa hai bên. Khi nào chúng ta có thể khởi động các cuộc đàm phán?
* Có thể nói việc chuẩn bị khởi động rất thành công. Bây giờ chúng tôi còn phải tham khảo ý kiến của tất cả thành viên EU và phải được tất cả nước thành viên phê chuẩn. Trong buổi làm việc với Cao ủy Thương mại EU, Bộ trưởng Công thương Việt Nam Vũ Huy Hoàng đã nói rằng vấn đề thời gian hiện nay là do phía EU, còn Việt Nam về mặt pháp lý đã sẵn sàng. Tuy vậy, tôi nghĩ rằng chỉ vài ba tháng thôi, có thể là sau mùa hè này.
* Trong cuộc họp báo toàn thể, Cao ủy Thương mại EU có nói rằng FTA sẽ tạo cho các doanh nghiệp EU một cơ hội lớn để mở rộng việc kinh doanh của họ tại Việt Nam. Vậy các doanh nghiệp Việt Nam nói riêng và người dân Việt Nam nói chung được hưởng lợi gì từ FTA với EU? Các doanh nghiệp Việt Nam còn có khả năng bị áp đặt các loại thuế chống bán phá giá không?
* Trước hết là khả năng xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang EU sẽ tăng lên nhanh chóng. Thời gian gần đây xuất khẩu Việt Nam vào EU vốn đã tăng (trong năm qua kim ngạch thương mại hai chiều đạt 18 tỷ EUR, trong đó thặng dư thương mại của Việt Nam với EU lên đến 7,6 tỷ EUR), nhưng có thể nói không bền vững. FTA sẽ là bảo chứng dài hạn cho hàng hóa Việt Nam, Việt Nam sẽ có điều kiện đáp ứng các tiêu chuẩn của EU và vì vậy việc xuất khẩu sẽ tăng trưởng bền vững. Bên cạnh đó, FTA với EU sẽ giúp Việt Nam thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài nhiều hơn.
Bạn hãy tưởng tượng các nhà đầu tư muốn đầu tư vào ASEAN, họ sẽ chọn ai? Chắc chắn Việt Nam tự nhiên sẽ làm điểm đến của vốn đầu tư nước ngoài trong khu vực ASEAN vì Việt Nam đã ký FTA với EU. Và đây cũng là cơ hội để Việt Nam hiện đại hóa nền kinh tế của mình. Thực chất thị trường Việt Nam hiện đang rất năng động. Việc EU và Mỹ là điểm đến lớn nhất của hàng hóa Việt Nam cũng phần nào chứng minh điều đó.
* Quan hệ thương mại giữa EU và Việt Nam đang tăng trưởng tốt, và như ông nhận định thị trường Việt Nam rất năng động. Tại sao EU chưa công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường?
* Đây chỉ là vấn đề kỹ thuật, không phải vấn đề chính trị. Việt Nam cần cải cách nền kinh tế mạnh mẽ hơn nữa.
VIỆT TRUNG
(Từ Phnom Penh)
| |
- Thông tin liên quan:
>> Khai mạc Hội nghị cấp cao kinh tế ASEAN - EU: Cơ hội và thách thức của các doanh nghiệp ASEAN
>> Trước thềm Hội nghị thượng đỉnh ASEAN - Vấn đề biển Đông sẽ không được thảo luận tại hội nghị?