Hiểu để phòng, chống ma túy hiệu quả

Hiểu để phòng, chống ma túy hiệu quả

Giao lưu trực tuyến về cai nghiện; phòng chống tệ nạn, tội phạm ma túy

(SGGPO).- Sáng nay, 24-12, Báo SGGP phối hợp với Công an TPHCM và Sở LĐTB-XH TPHCM tổ chức giao lưu trực tuyến với bạn đọc xung quanh việc thực hiện cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng theo Nghị định 94/2010/NĐ-CP của Chính phủ và công tác đấu tranh phòng, chống tệ nạn, tội phạm ma túy khi Luật Xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực từ ngày 1-1-2014.

Những vấn đề mà bạn đọc quan tâm như công tác phòng, chống tệ nạn và tội phạm ma túy; các biện pháp, phương thức cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng; thủ tục, quản lý chăm sóc, giải quyết việc làm cho học viên và người sau cai nghiện...  đã được Thượng tá Võ Văn Trai, Phó trưởng Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về ma túy (PC47) Công an TPHCM; Bà Nguyễn Thị Hồng Phượng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội, Sở LĐTB-XH TPHCM; Ông Nguyễn Hữu Tài, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội, Sở LĐTB-XH TPHCM; Bác sĩ Nguyễn Hữu Khánh Duy, Giám đốc Trung tâm điều dưỡng và cai nghiện ma túy Thanh Đa (quận Bình Thạnh, TPHCM); Bà Trần Miên Trường Thủy, người đã cai nghiện ma túy thành công và đang là cán bộ quản lý học viên cai nghiện ma túy trả lời.

Sau đây là nội dung của buổi giao lưu:

Lan Ngọc - Lanngoc479@...: Tôi xin hỏi bác sĩ Duy, làm sao để nhận biết con cái, người thân  nghiện ma túy? Những biểu hiện nào cho thấy người thân mình đang nghiện?

- Bác sĩ Nguyễn Hữu Khánh Duy : Cách nhận biết người nghiện ma túy: bạn có thể tham khảo các triệu chứng người nghiện ma túy trên địa chỉ www.cainghienmatuythanhda.com.vn

Vanthanhtung - Vanthanhtung…@gmail.com: Chào chị Thủy. Chị sử dụng ma túy khoảng bao nhiêu năm? Sao chị lại bỏ được nó? Yếu tố hay điều gì tác động đã giúp chị cai nghiện thành công?

- Trần Miên Trường Thủy, cán bộ quản lý học viên cai nghiện ma túy, Trung tâm Cai nghiện ma túy Đức Thanh Tâm: Chào bạn, tôi sử dụng ma túy được 17 năm, đến năm 1987 thì bỏ được. Tôi nghĩ để bỏ được ma túy thì phải có nghị lực. Lúc đó, mình đấu tranh rất nhiều: mình sống vì ai đó và mình phải có sự hy sinh vì người ấy! Tất cả những điều đó, tôi đã đấu tranh rất nhiều để thắng được ma túy.

Phùng Quang Kiên - phamquangkien@...com: Chúc mừng chị Thủy. Chị Thủy ơi, mong chị chia sẻ thắc mắc này của tôi. Tôi nghe nói, người đã từng nghiện ma túy thì… nhạy với ma túy lắm. Người bình thường đi qua một địa điểm, một quầy tạp hóa có “hàng” thì không biết nhưng người đang sử dụng hoặc đã từng sử dụng ma túy thì biết ngay?

- Trần Miên Trường Thủy: Tôi rất khó diễn đạt thế nào để bạn hiểu được. Theo tôi nghĩ, đó là một cảm giác quen thuộc, rất nhạy cảm ở người đã từng nghiện ma túy. Tôi bỏ rất lâu rồi, nhưng khi đi qua một điểm bất kỳ nào đó, tự dưng tôi có linh cảm nơi này có "hàng". Vì có một đặc thù riêng mà chỉ có người đã từng sử dụng hoặc đang sử dụng mới... nhận ra.

Các vị khách mời đang trả lời câu hỏi của bạn đọc.

Các vị khách mời đang trả lời câu hỏi của bạn đọc.

Lệ Thủy - lethuy…@gmail.com: Thưa bác sĩ Nguyễn Hữu Khánh Duy, đâu là những khó khăn trong quá trình giúp người nghiện ma túy cai nghiện?

- Bác sĩ Nguyễn Hữu Khánh Duy, Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng và cai nghiện ma túy Thanhh Đa: Vì người nghiện ma túy khi sử dụng ma túy đã bị tổn thương hệ thống não bộ, rối loạn xuống cấp nhận thức hành vi nhân cách và luôn ở tâm trạng đói ma túy trường diễn. Ngoài ra người nghiện còn bị chấn thương tâm lý, nội tâm đầy phức tạp và đầy mâu thuẫn với chính bản thân, gia đình và xã hội. Để phục hồi những vấn đề trên đòi hỏi một liệu pháp tổng hợp lâu dài bởi những chuyên viên được đào tạo bài bản về ma túy. Ngoài ra, khi trở về cộng đồng nếu còn bị tác động xấu do gia đình và xã hội, bạn bè xấu lôi kéo sẽ rất dễ bị tái nghiện. Điều trị cho người nghiện ma túy phải hiểu rằng: Không có mô hình cai nghiện chung nào thích hợp với mọi loại người nghiện mà chỉ có những nguyên tắc căn bản về điều trị - giáo dục - quản lý đối với người nghiện. Mô hình điều trị tốt cho người này chưa hẳn đã phù hợp với người khác mà thậm chí kết quả còn ngược lại.

Trừ một số ít trường hợp nghiện nhẹ, điều trị nghiện ma túy phải sử dụng một liệu pháp tổng hợp, linh hoạt và kịp thời nhằm mục đích gọt dũa, điều chỉnh, phục hồi nhận thức, hành vi, nhân cách - giải tỏa các chấn thương tâm lý và để người cai nghiện không còn thèm nhớ ma túy phải sử dụng các liệu pháp sau:

Tư vấn – Liệu pháp tâm lý – Liệu pháp giáo dục – Liệu pháp xã hội - Huấn nghiệp trị liệu – Lao động trị liệu – Hoạt động trị liệu – Sinh hoạt cá nhân, nhóm, gia đình,…

Đối với nhóm người nghiện Á phiện - Morphine - Héroine (OMH) cần phải uống thuốc NALTREXONE để đối tượng không còn thèm nhớ ma túy. Tuy nhiên, nếu chỉ uống thuốc Naltexone đơn thuần mà không sử dụng các liệu pháp trên, người cai nghiện sẽ không được phục hồi nhận thức, hành vi, nhân cách – giải quyết các chấn thương tâm lý nên dễ bỏ chương trình điều trị và dễ tái sử dụng ma túy. Kết quả điều trị do đó sẽ rất hạn chế.

Không có một liệu pháp đơn thuần nào (uống thuốc, châm cứu, bấm huyệt, phẫu thuật thùy não,…) có thể chữa được bệnh nghiện ma túy.

Chương trình điều trị phải được chuyển đổi kịp thời theo những rối loạn tâm sinh lý của người nghiện ma túy mà chuyên môn ngành nào, ngành ấy giải quyết– nhưng phải phối hợp ở một thể thống nhất khi đánh giá và lập kế hoạch điều trị cho đối tượng, nhằm kết hợp lĩnh vực mình với lĩnh vực chuyên môn của người khác.

Cai nghiện được gọi là thành công không chỉ nhằm vào mục tiêu người nghiện không tái sử dụng ma túy mà còn đòi hỏi đối tượng phải có một lối sống điều độ, tự quản lý bản thân một cách tốt đẹp và thực hiện thành công sự thay đổi về nhận thức.

Tkhhoang.khanh -  Tkhhoang.khanh@..: Nếu tôi gửi con vào trung tâm Thanh Đa chữa trị, trung tâm có báo cho cán bộ phường nơi gia đình tôi ở biết không?

- Bác sĩ Nguyễn Hữu Khánh Duy: Theo Luật Phòng chống ma túy, tất cả người nghiện phải được quản lý tại địa phương, các trung tâm cai nghiện tự nguyện hoặc tại các trung tâm cai nghiện ma túy bắt buộc. Người nghiện ma túy và gia đình có trách nhiệm phải báo cáo tình trạng nghiện và đăng ký hình thức cai nghiện với địa phương.

nguyentruongtan - nguyentruongtan@....vn: Trung tâm Thanh Đa có chính sách ưu tiên gì cho người bệnh không? Nếu có, người bệnh thuộc diện nào mới được hưởng những chính sách ấy?

- Bác sĩ Nguyễn Hữu Khánh Duy: Trung tâm có nhiều hỗ trợ cho các gia đình khó khăn và diện chính sách. Sự hỗ trợ dựa trên cơ sở hoàn cảnh gia đình của từng đối tượng.

Phung Thi Lien - quận Gò Vấp: Con trai tôi 19 tuổi, dạo này cháu có một số biểu hiện bất thường. Cháu thường ở lì trong phòng và không thân mật với những thành viên trong gia đình như trước kia. Đối chiếu với những biểu hiện về người nghiện ma túy như bác sĩ nêu ở trên, tôi thấy hơi lo về con mình. Bây giờ tôi phải làm sao? Cháu thường không nghe lời khuyên của gia đình, hoặc giả vờ nghe rồi tự làm theo ý mình, vậy bây giờ chúng tôi làm thế nào để định hướng và can thiệp giúp đỡ cháu?

- Bác sĩ Nguyễn Hữu Khánh Duy: Gia đình nên đưa cháu đến các trung tâm cai nghiện để xét nghiệm nước tiểu, xem cháu có sử dụng ma túy không. Nếu cháu không sử dụng ma túy thì phải đưa cháu đến các nhà tư vấn tâm lý giáo dục để giúp đỡ và theo dõi cháu kịp thời. Nếu cần thiết, phải đến bác sĩ tâm thần.

Bác sĩ Nguyễn Hữu Khánh Duy, Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng và cai nghiện ma túy Thanhh Đa.

Bác sĩ Nguyễn Hữu Khánh Duy, Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng và cai nghiện ma túy Thanhh Đa.

Giangoha - Giangoha2409@...: Thưa bác sĩ Khánh Duy, nếu một người đã điều trị ở trung tâm 1 tháng, 2 tháng, 6 tháng, 1 năm rồi về nhà; sau 5 năm thì tỉ lệ thành công khoảng bao nhiêu?

- Bác sĩ Nguyễn Hữu Khánh Duy: Về thời gian cai nghiện lý tưởng là 2 năm. Cai nghiện tạm gọi là thành công sau 5 năm về với cộng đồng chưa tái nghiện, còn cai nghiện thì phải suốt đời. Người cai nghiện tái nghiện vì nhiều lý do liên quan đến cá nhân, gia đình và xã hội.

tranhao - tranhao……@yahoo.com.vn: Con tôi nghiện ma túy từ mấy tháng nay, tôi sợ cháu đói thuốc sẽ sinh ra làm liều (cướp giật, trộm cắp…) nên tạm thời vẫn… chu cấp cho cháu tiền mua thuốc hàng ngày. Tôi nghe nói có thể cai nghiện tại gia. Vậy gia đình tôi làm thế nào để cai nghiện tại gia được cho cháu? Có phải xiềng xích cháu không? Chúng tôi không báo chính quyền địa phương mà tự cai cho cháu có được không?

- Nguyễn Thị Hồng Phượng, Chi cục phó Chi cục Phòng, Chống tệ nạn xã hội: Theo báo cáo của các quận huyện, hiện nay, hầu hết các phường, xã thị trấn trên địa bàn thành phố đã thành lập Tổ công tác cai nghiện ma tuý. Nhiệm vụ của Tổ công tác là hướng dẫn, tư vấn và tiếp nhận đăng ký cai nghiện cho người nghiện và gia đình người nghiện. Do đó đề nghị gia đình liên hệ Tổ công tác cai nghiện nơi gia đình cư trú để được hướng dẫn. Gia đình nên hợp tác và khai báo với chính quyền địa phương để hỗ trợ cai nghiện cho người thân.

bacthangban - bacthangban….@gmail.com: Tôi theo dõi thì thấy số lượng vụ việc, vụ án ma túy đang tăng dần từng năm, năm nay đã hơn 1.700 vụ, và tổng số vụ trong mấy năm trở lại đây đang gần xấp xỉ, tương đương với thời trước Nghị quyết 16. Công an TPHCM đánh giá tình hình trên thế nào?

- Thượng tá Võ Văn Trai, Phó Trưởng phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về ma túy Công an TPHCM: Năm 2013, Công an thành phố phát hiện 1885 vụ (tăng 9,4%) cho thấy tội phạm ma tuý tiếp tục diễn biến phức tạp. Nhu cầu sử dụng ma tuý còn cao, cần phải có sự chung tay góp sức của toàn xã hội trong việc đấu tranh phòng chống tội phạm ma tuý theo Chỉ thị 21 của Bộ Chính Trị, trong đó ngành Công an chúng tôi với vai trò chủ công sẽ quyết liệt hơn trong việc thực thi nhiệm vụ của mình.   

cudanquan8 - cudanquan8……@yahoo.com: Thành phố có 6.000 người sau cai nhưng thực chỉ quản lý được 3.000 người, vậy 3.000 người còn lại, họ đi đâu? Vì sao lại chưa quản lý được họ?

- Ông Nguyễn Hữu Tài - Phó chi cục trưởng Chi cục PCTNXH: Theo báo cáo của các quận huyện, đến ngày 30-11, trên địa bàn thành phố có 6690 người được quản lý sau cai nghiện về địa phương trình diện. Trong đó, có 3513 người sau cai nghiện biến động giảm, với lý do: tử vong, đưa vào cơ sở chữa bệnh, xử lý hình sự và di chuyển về tỉnh, thành phố khác sinh sống và có 1152 người đủ 24 tháng được đưa ra khỏi danh sách quản lý sau cai nghiện.

Ông Nguyễn Hữu Tài, Chi cục phó Chi cục Phòng, Chống tệ nạn xã hội.

Ông Nguyễn Hữu Tài, Chi cục phó Chi cục Phòng, Chống tệ nạn xã hội.

Le da -  Leda2003@...com: Chào chị Thủy, chị cho tôi hỏi, chơi ma túy, chị được và mất gì? Tính tình, hình thức của chị có… thay đổi gì không? Kỷ niệm nào chua xót, đau khổ nhất của chị trong thời gian chị lệ thuộc vào ma túy?

- Trần Miên Trường Thủy: Tôi thấy, sử dụng ma túy mất nhiều hơn được. Bản thân người sử dụng ma túy trước hết đánh mất bản thân, gia đình và tương lai. Còn được là cảm giác "phê" song đó chỉ là cảm giác phê nhất thời. Rồi sau đó, lập tức phải trả giá rất đắt như trên tôi đã nói. Về tính tình, người sử dụng ma túy trở nên cộc cằn, vô cảm, chỉ biết sống cho bản thân chứ không quan tâm đến người thân, bạn bè. Về hình thức, diện mạo nhanh chóng bị tàn tạ, mang trong mình nhiều bệnh như viêm gan B, C - vốn lây qua đường máu.

Tôi có một kỷ niệm, nó là nỗi đau, là vết thương nằm sâu trong tim vẫn nhức nhối bao nhiêu năm nay, mỗi khi tôi bất chợt nghĩ về nó. Có cảm tưởng nó như một câu chuyện vừa xảy ra hôm qua. Khi đó tôi đang "phê", còn gia đình thì vượt biên, mất tích. Bạn bè tôi đến báo: "cha mẹ mày mất tích, mày biết tin chưa Thủy?" Nghe vậy, tôi chỉ buông một câu: "thế à" rồi tiếp tục chìm trong khói thuốc. Bao nhiêu năm nay, mỗi khi khơi lại, nghĩ về gia đình, tôi cảm thấy hối hận và đau đớn như một vết thương không bao giờ lành được.

minhhiep -  minhhiep…..@yahoo.com.vn: Hiện nay có bao nhiêu biện pháp, phương thức cai nghiện ma túy? Xin giúp tôi phân biệt rõ trường hợp nào thì cai nghiện tại gia đình, tại cộng đồng và cai ở trung tâm?

- Bà Nguyễn Thị Hồng Phượng - Phó chi cục trưởng Chi cục PCTNXH: Theo nghị định 94/2010/NĐ-CP, có 3 hình thức cai nghiện:

1. Cai nghiện tự nguyện tại gia đình: đối với các trường hợp là người nghiện ma tuý đang cư trú tại cộng đồng tự giác khai báo và tự nguyện đăng ký cai nghiện tại gia đình.

2. Cai nghiện tự nguyện tại cộng đồng: Dành cho người nghiện ma tuý đang cư trú tại cộng đồng tự nguyện đăng ký cai nghiện nhưng không có điều kiện điều trị cắt cơn tại gia đình.

3. Cai nghiện bắt buộc tại cộng đồng: Là người nghiện ma tuý đang cư trú tại cộng đồng nhưng không tự giác khai báo và không tự nguyện đăng ký cai nghiện tại gia đình và cộng đồng.

Việc cai nghiện bắt buộc tại trung tâm được áp dụng đối với các trường hợp người nghiện ma tuý đã qua biện pháp giáo dục tại phường, xã, thị trấn mà vẫn còn nghiện thì địa phương sẽ lập hồ sơ, thủ tục để đưa đi cai nghiện bắt buộc theo quy định của pháp luật.

Hiểu để phòng, chống ma túy hiệu quả ảnh 4

Bà Nguyễn Thị Hồng Phượng, Chi cục phó Chi cục Phòng, Chống tệ nạn xã hội.

minhngoc - minhngoc…..@gmail.com: Tôi nghe nói chưa có thuốc để chữa trị người nghiện “hàng đá”? Vậy hiện nay TP đang điều trị người nghiện ma túy tổng hợp như thế nào?

- Bác sĩ Nguyễn Hữu Khánh Duy: người nghiện hàng đá ngoài bị tổn thương hệ thống não bộ còn bị các bệnh tâm thần, rối loạn xuống cấp nhận thức hành vi nhân cách. Cho đến nay, chưa có thuốc đặc trị hỗ trợ chống tái nghiện cho hàng đá. Nguyên tắc điều trị là:

Phương pháp điều trị:

+       Điều trị hội chứng cai - giải độc - chống tái nghiện

+       Các rối loạn loạn thần do Amphetamin

+       Trầm cảm, ủ rũ…LQ Amphetamin

+       Phương pháp dựa trên cộng đồng

1. ĐIỀU TRỊ HỘI CHỨNG CAI - GIẢI ĐỘC - CHỐNG TÁI NGHIỆN:

- Lệ thuộc về cơ thể ở nghiện Amphetamin không nặng như nghiện chất ma túy khác (Opiod…).

- Việc tái nghiện vẫn rất phổ biến vì tác động trên tâm thần của thuốc rất mạnh tăng thêm sau mỗi lần dùng => “đói chất ma túy trường diễn” trong não.

- Điều trị hội chứng cai và chống tái nghiện cần phải phối hợp nhiều liệu pháp: hóa dược, tâm l‎ý cá nhân, gia đình, nhóm, lao động, tái thích ứng cộng đồng…

- Cần thiết lập tốt mối quan hệ điều trị sau cai để giúp giải quyết các rối loạn trầm cảm, nhân cách…kéo dài.

- Điều trị bằng thuốc để giải độc có thể dùng:

§  Chất đồng vận hệ Dopamine như:

+ Amantadine 100mg x 2 lần/ngày…

+ Bromocripxine 2,5mg x 2 lần/ngày…

§ Thuốc chống trầm cảm 3 vòng

§  Các thuốc chỉnh khí sắc; carbamazepine…

2. ĐIỀU TRỊ CÁC RỐI LOẠN LOẠN THẦN DO AMPHETAMIN:

- Các rối loạn, loạn thần sẽ thoái triển một thời gian ngắn sau khi ngừng sử dụng Apx.

Rối loạn, loạn thần nặng có thể dùng các thuốc đặc hiệu: các ATK (Haloperiol, Phenothianol,…)

- Thuốc giải lo âu: Benzodiazepine… thường cần sử dụng trong một thời gian ngắn (7 ngày).

3. ĐIỀU TRỊ TRẦM CẢM, Ủ RŨ:

- Cân nhắc chọn loại thuốc chống trầm cảm (có thể dùng chống trầm cảm 3 vòng).

+ Có thể dùng từ giai đoạn điều trị giải độc

+ Cân nhắc điều trị duy trì nếu kéo dài.

 PHƯƠNG PHÁP DỰA TRÊN CỘNG ĐỒNG:

4.1. CÁC QUY TẮC GIẢM NGUY CƠ (TÁC HẠI):

- Giảm nguy cơ dựa trên khái niệm về “bậc thang mục tiêu điều trị”

- Thừa nhận rằng, đối với một số người, việc từ bỏ ma túy là rất khó khăn và tái nghiện là một phần của quá trình phục hồi.

- Thừa nhận rằng cần có các can thiệp tạm thời để đảm bảo rằng người sử dụng không bị ảnh hưởng sức khỏe không thể hồi phục (như bị nhiễm HIV/Viêm gan B hoặc C) hoặc tử vong do quá liều hoặc hành vi nguy cơ khác.

4.2. GIẢM NGUY CƠ, CÁC NẤC THANG MỤC TIÊU:

Nếu không thể ngừng sử dụng ma túy trong thời gian ngắn:

-  Giảm số loại ma túy và số lượng từng loại (VD: tiêu ít tiền hơn cho ma túy).

-  Giảm số lần dùng (như chỉ dùng vào cuối tuần; một lần/tháng, trong các dịp đặc biệt).

-  Không tiêm chích ma túy

-  Nếu tiêm chích, không chích chung.

-  Nếu dùng chung, đảm bảo rằng bơm kim tiêm được làm sạch.

4.3. GIẢM NGUY CƠ/ GIẢM TÁC HẠI:

Kết quả tích cực từ mạng lưới can thiệp đồng đẳng:

- Thử nghiệm ngẫu nhiên can thiệp đồng đẳng trong nhóm thanh thiếu niên sử dụng Methamphetamine ở ChiangMai, Thái Lan (2005 - 2007).

- Đối tượng trong cả hai nhóm đều báo cáo giảm sử dụng Methamphetamine rõ rệt (99% trong đánh giá ban đầu so với 53% sau 12 tháng).

- Tăng sử dụng bao cao su liên tục rõ rệt, (32% trong đánh giá ban đầu lên 44% sau 12 tháng).

4.4. CÁC CHIẾN LƯỢC GIẢM TÁC HẠI CỤ THỂ:

- Tầm quan trọng của lập kế hoạch: khi người sử dụng nói kiên quyết “tôi sẽ không từ bỏ, tôi chỉ muốn giảm sử dụng”, các chiến lược có thể bao gồm hỗ trợ người sử dụng:

- Sử dụng ít hơn (tập trung vào mức độ sử dụng: số lượng hoặc số tiền tiêu cho chất gây nghiện).

- Giảm tần xuất sử dụng (chỉ sử dụng vào cuối tuần; 1 lần/tháng).

- Ổn định vể tâm l‎ý xã hội: Giúp ổn định các lĩnh vực khác trong cuộc sống của người sử dụng để họ lấy lại cảm giác kiểm soát được việc sử dụng chất gây nghiện của họ (xây dựng sự tự kiểm soát).

- Tất cả những biện pháp có tác dụng trong giảm tác hại đối với chất dạng thuốc phiện đều có tác dụng với Amphetamin:

- Hoạt động đồng đẳng, giáo dục thay đổi hành vi nguy cơ.

- Điều trị nghiện hiệu quả dựa trên bằng chứng được triển khai để lôi cuốn sự tham gia, duy trì và đem lại lợi ích cho người sử dụng chất.

- Các chương trình trao đổi bơm kim tiêm/bao cao su.

4.5. CHƯƠNG TRÌNH GIẢM TÁC HẠI CHO NGƯỜI SỬ DỤNG CHẤT KÍCH THÍCH:

- Chương trình trao đổi bơm kim tiêm tại cộng đồng:  

- Nhân viên còn tiến hành phân phát bơm kim tiêm tại nhà và tại cộng đồng.

- Tiếp cận đồng đẳng trao đổi bơm kim tiêm thứ cấp.

- Người sử dụng nhận dịch vụ tư vấn cá nhân và tư vấn nhóm về giảm tác hại.

- Chuyên biệt cho sử dụng chất kích thích.

- Người sử dụng được tiếp cận với dịch vụ tư vấn và xét nghiệm HIV, thông tin về HCV, các thông tin sức khỏe khác và được hỗ trợ khi cần.

- Người sử dụng được tiếp cận với các nguồn dịch vụ giảm tác hại khác nhau.

Hiểu để phòng, chống ma túy hiệu quả ảnh 5

Quang cảnh buổi giao lưu.

Hinhvan - Hinhvan.truong@...com: Đâu là những điểm mà gia đình và người nghiện ma túy phải lưu ý, quyết tâm để cai nghiện thành công?

- Bác sĩ Nguyễn Hữu Khánh Duy: Phải luôn luôn đặt nặng công tác phòng bệnh là chính, khi trẻ lớn lên phải được giáo dục, chăm sóc, theo dõi trong mọi sinh hoạt, học tập và quan hệ bạn bè, đừng để các cháu dính vào ma túy rồi mới nghĩ đến các biện pháp điều trị. Để cai nghiện một người nghiện ma túy phải khoa học, có quyết tâm, kiên trì và thương yêu giúp đỡ người bệnh.

Một bạn đọc - Tttk1982@...: Xin chị Thủy cho biết, bỏ được ma túy rồi khi gặp lại bạn bè cũ – những người đã rủ rê chị hút chích, chị từ chối ra sao để không phật ý họ mà họ cũng thấy được quyết tâm của mình?

- Trần Miên Trường Thủy: Thật sự khi mình bỏ được ma túy thì mình cần học thêm kỹ năng từ chối mà không mất lòng bạn. Chẳng hạn, tôi bỏ lâu rồi và khi gặp một người bạn rủ hút, mình cứ tự tin nhìn thẳng vào mắt họ và kiên quyết trả lời: "Không. Vì sử dụng chỉ phê nhất thời, ngày mai sẽ buồn hơn. Tao đã trả một giá quá đắt cho cuộc đời để có ngày hôm nay. Cám ơn mày, tao đi nha". Đó là sự trả lời kiên quyết, kỹ năng từ chối tự tin, kiên định.

Dang Manh - quận Bình Tân:  Vì sao người nghiện ma túy ngày càng trẻ hóa? Vậy có nghĩa là người đứng tuổi trở đi thì… ít bị nghiện?

- Bác sĩ Nguyễn Hữu Khánh Duy: Người nghiện càng ngày càng trẻ hóa vì các lý do sau:

- Trẻ em hiện nay tiếp cận xã hội sớm hơn. Phương tiện điều kiện sinh hoạt khá giả, đầy đủ hơn trước, được cha mẹ chiều chuộng nhưng ít quan tâm hơn trước vì lý do kinh tế.

- Người đứng tuổi hơn ít bị nghiện vì đã đụng chạm với cuộc sống, trình độ, bãn lĩnh vững vàng hơn nên ít bị cám dỗ và có nhiều nghị lực hơn để đối phó khi bị lôi cuốn, đồng thời người nghiện ma túy còn trách nhiệm với gia đình, vợ chồng, con cái nên phải căn nhắc hơn.

Ydan - ydan….@yahoo.com: Thành phố bắt nhiều vụ ma túy nhưng chủ yếu là những vụ nhỏ lẻ, còn những đường dây lớn thì sao?

- Thượng tá Võ Văn Trai - Phó Trưởng Phòng CSĐTTPVMT - Công an TPHCM: Năm 2013 Phòng CSĐTTPVMT, Công an TPHCM khám phá trên 22 vụ án, bắt trên 110 đối tượng, thu giữ hơn 18kg ma túy tổng hợp và 26,6kg heroin. Như vậy chúng tôi cũng đã phát hiện nhiều đường dây có quy mô lớn.

Thượng tá Võ Văn Trai, Phó Trưởng phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về ma túy Công an TPHCM.

Thượng tá Võ Văn Trai, Phó Trưởng phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về ma túy Công an TPHCM.

tung.dinh -  tung.dinh@...com: Sau khi cai nghiện về, hồ sơ xin việc, giấy tờ cá nhân của chị Thủy có bị gán nhãn là người sau cai hay không? Chị Thủy đi xin việc thấy có gặp khó khăn gì không? Những người từng lầm lỡ như tôi thì làm sao lấy được lòng tin của ông chủ công ty, doanh nghiệp?

- Trần Miên Trường Thủy: Sau khi chữa bệnh xong, năm 1993, tôi có thi vào Ủy ban Phòng chống AIDS TPHCM làm giáo dục viên đồng đẳng, tuyên truyền tác hại của ma túy và lây nhiễm HIV/AIDS. Lúc đó, rất nhiều người và cơ quan chính quyền khó chấp nhận nhưng tôi luôn tự tin, tiếp tục làm dù gặp rất nhiều rào cản. Mình có một quá khứ không tốt, nhưng hiện tại mình làm tốt từ từ họ cũng sẽ hiểu ra và chấp nhận mình thôi. Chẳng hạn như tôi hiện nay, rất thoải mái, tự tin khi gặp, chia sẻ với mọi người.

thoithinh - thoithinh…@yahoo.com: Nếu như coi nghiện ma túy là một căn bệnh, người nghiện ma túy là người bệnh. Vậy tại sao không đơn thuần chữa bệnh chỉ bằng các loại thuốc?

- Bác sĩ Nguyễn Hữu Khánh Duy: Chữa bệnh nghiện ma túy phải bằng một liệu pháp tổng hợp bao gồm thuốc và các liệu pháp điều trị không dùng thuốc như: tư vấn, tâm lý trị liệu, giáo dục trị liệu, hoạt động trị liệu, các phương pháp nâng cao bản lĩnh và kỹ năng sống như tư duy tích cực, làm chủ bản thân, giá trị sống và học tập được các kỹ năng để nâng cao để đối phó với các tình huống xấu lôi kéo đối tượng trở lại với con đường nghiện.

truonggiahuy - truonggiahuy…@gmail.com: Phường tôi, trạm y tế rất cũ kỹ, lạc hậu và nghe nói còn chưa có bác sĩ nữa, vậy trạm y tế có thể cai nghiện cho con tôi không?.

- Bác sĩ Nguyễn Hữu Khánh Duy: Trên quan điểm chúng tôi, cai nghiện ma túy tại các phường xã sẽ có rất ít kết quả.

Caovan -  caovan@...com: Tôi vừa ở trường cai nghiện về và vẫn ở nhà, chưa đi làm. Những khi ló đầu ra ngoài, mua đồ ăn, sửa xe… chẳng hạn, tôi cứ thấy nhột nhột sao ấy. Không biết người ta đang nhìn mình bằng một con mắt khác hay tự mình cảm thấy vậy? Làm sao để không còn cảm giác ấy?

- Trần Miên Trường Thủy: Như trên tôi đã trả lời, hãy xóa bỏ mặc cảm, quá khứ của mình để làm tốt cho mọi người thấy. Và bạn hãy luôn tự tin mình sẽ làm được, sẽ gặt hái được những thành quả tốt đẹp. Bạn không nên ôm lấy quá khứ không tốt vào mình khi mình đã, đang quyết tâm dứt bỏ.

Oidoitoi - Oidoitoi_bst@...: Chị Thủy làm sao để vượt qua cơn thèm nhớ ma túy? Sau khi cai nghiện khoảng 5 năm, 10 năm thì có còn thèm nhớ ma túy nữa không?

- Trần Miên Trường Thủy: Thật ra, hiện tại đối với ma túy, tôi không còn cảm giác nữa. Có thể, tôi đã trả giá quá đắt, đã thấm tận cùng cái nỗi đau mà tôi đã gánh chịu. Muốn vượt qua cơn thèm nhớ, chỉ có nghị lực, vì khi cơn thèm muốn đến như một cơn sóng biển ào đến trong chốc lát rồi lại trôi ra biển. Lúc đó, mình hãy tìm một ý tưởng, một trò chơi, một hoạt động bất kỳ nào đó lành mạnh hơn để xua tan những suy nghĩ ấy.

Vanduc -Vanduc…@yahoo.com: Được biết chị Thủy đang quản lý học viên cai nghiện ma túy. Trong quá trình làm việc, chị thường chia sẻ điều gì với học viên mình quản lý?

- Trần Miên Trường Thủy: trong quá trình làm việc, tôi thường chia sẻ sử dụng ma túy được gì mà mất gì? Tôi đặt ra câu hỏi cho mỗi bạn tự suy nghĩ: Tại sao mình chưa dứt bỏ được ma túy? Tại sao mình cứ tái nghiện hoài? Muốn có nghị lực thì bạn phải làm gì? Và tôi thường chia sẻ những trải nghiệm cuộc sống của chính mình cho các bạn hiểu thêm. Thường thì những người sử dụng hay bị cảm xúc đánh lừa là bỏ được một thời gian rồi thì một mũi chẳng là gì cả. Câu nói cửa miệng: "mũi này, mũi nữa, mũi giữa, mũi bìa..." nhưng thực chất là sẽ nghiền lại luôn. Người sử dụng ma túy luôn bị lệ thuộc vì chơi cữ sáng thì lo cữ trưa, rồi lại lo tiếp cữ chiều, lại lo cữ tối rồi sáng ngày mai. Cứ vậy, đứng trong vòng luẩn quẩn không thể nào dứt ra được. Thậm chí, tôi biết có nhiều người muốn thoát ra nhưng sợ "vã" (sợ đau đớn thể xác)và không có nghị lực.

Levanthong - Levanthong…@yahoo.com.vn: Xin chị Thủy chia sẻ đôi chút về gia đình mình? Hiện chị đang ở với ai? Có khi nào chị nghĩ sẽ mang những điều sâu kín nhất của mình nói với người thân yêu nhất của mình?

- Trần Miên Trường Thủy: Hiện tại, tôi sống cùng gia đình. Điều tôi quan tâm nhất là con mình. Tôi thường nói với con mình những điều xảy ra cho mẹ, mẹ muốn chia sẻ với con, đừng - bao - giờ tìm cách thể hiện mình như cách mẹ nó đã "thể hiện" ngày xưa.

Bà Trần Miên Trường Thủy, cán bộ quản lý học viên cai nghiện ma túy, Trung tâm Cai nghiện ma túy Đức Thanh Tâm.

Bà Trần Miên Trường Thủy, cán bộ quản lý học viên cai nghiện ma túy, Trung tâm Cai nghiện ma túy Đức Thanh Tâm.

Thuyhuong -Thuyhuong092@yahoo...: Ở khu vực tôi ở (phường 12, quận 8), người dân thấy có nhiều đối tượng khả nghi có biểu hiện buôn bán ma túy. Chúng tôi muốn tố giác với công an nhưng lại sợ mình bị liên lụy. Công an có biện pháp gì tiếp nhận tin tố giác và bảo vệ người dân chúng tôi không?

- Thượng tá Võ Văn Trai - Phó Trưởng Phòng CSĐTTPVMT - Công an TPHCM: Lực lượng Công an luôn luôn hoan nghênh người dân tố giác tội phạm. Ngành Công an có quy định về trách nhiệm tiếp nhận và xử lý tin báo tố giác tội phạm, do đó người dân hoàn toàn an tâm báo tin, tố giác tội phạm với bất kỳ hình thức nào (như gọi điện thoại đến đường dây nóng hoặc gửi đơn tố giác hoặc trực tiếp đến cơ quan Công an) ở bất kỳ đơn vị chuyên trách nào của Công an (Công an Xã-Phường, Quận-Huyện hoặc là Phòng CSĐTTPVMT) đều được chúng tôi tiếp nhận và xử lý thông tin theo đúng quy định của pháp luật và của ngành. Trách nhiệm đảm bảo tuyệt đối bí mật về nguồn thông tin luôn được chúng tôi tuân thủ và đây là nguyên tắc làm việc của chúng tôi, tùy theo từng trường hợp cụ thể về người tố giác và nội dung tin báo, chúng tôi sẽ có những biện pháp bảo vệ phù hợp, mong mọi người yên tâm hợp tác với chúng tôi.

tranminhtam -tranminhtam…..@gmail.com: Người cai nghiện ma túy tự nguyện có được chăm sóc tốt hơn người cai nghiện bắt buộc không? Nếu cai nghiện tự nguyện thì sẽ… cai ở đâu?

- Ông Nguyễn Hữu Tài - Phó chi cục trưởng Chi cục PCTNXH: Cai nghiện ma túy là việc áp dụng các quy trình điều trị, tư vấn rèn luyện nhân cách nhằm giúp cho người nghiện ma túy phục hồi sức khoẻ, nhận thức được hành vi, nhân cách; từng bước hòa nhập với cộng đồng. Do đó, việc cai nghiện ma túy tự nguyện hay bắt buộc đều phải áp dụng các quy trình cai nghiện do cơ quan nhà nước ban hành và được áp dụng thống nhất trong các hình thức cai nghiện ma túy.

Hiện nay, trên địa bàn thành phố có trung tâm tư vấn và cai nghiện ma túy thuộc Sở LĐTB & XH được UBND TPHCM cho phép thực hiện thí điểm mô hình điều trị nghiện ma túy mở với các hình thức điều trị bán trú, ngoại trú cho người cai nghiện tự nguyện.

Đề nghị gia đình liên hệ: Trung tâm tư vấn cai nghiện ma túy

15/11 Quốc lộ 13, P. Hiệp Bình Chánh, Q. Thủ Đức

ĐT: (08) 37 266 706 - 37 268 691

thanhtam - thanhtam……..@yahoo.com.vn: Trạm y tế phường tôi thường rất nhiều trẻ em đến chích ngừa hàng tháng, tôi không yên tâm nếu sắp tới trạm y tế lại cắt cơn, giải độc cho người nghiện ma túy ở ngay trạm y tế. Vậy các cấp chính quyền có tính đến phương án bảo vệ, bài toán an toàn cho người dân và trẻ em ra vào trạm y tế?

- Bà Nguyễn Thị Hồng Phượng - Phó chi cục trưởng Chi cục PCTNXH: Theo quy định tại Thông tư liên tịch số 03/2012/TTLT-BLĐTBXH-BYT-BCA, có quy định về điều kiện thành lập cơ sở điều trị cắt cơn: Phải xây dựng thành khu liên hoàn, cách ly với môi trưòng bên ngoài để tránh thẩm lậu ma tuý và tối thiểu phải có 3 phòng chức năng (phòng khám và cấp cứu, phòng lưu bệnh nhân, phòng thường trực của cán bộ y tế và bảo vệ). Trường hợp không thành lập được cơ sở điều trị cắt cơn riêng biệt theo quy định thì được phép kết hợp với các Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội, các cơ sở điều trị khác được thành phố cấp phép để thực hiện việc hỗ trợ và điều trị cắt cơn cho người nghiện ma tuý tại cộng đồng.

lethithuy - lethithuy……@yahoo.com: Nhà tôi ở huyện Bình Chánh, tôi muốn cai nghiện cho con tôi tại gia đình nhưng không biết làm thế nào, tôi có thể tìm sự hỗ trợ ở đâu? Có bệnh viện, trung tâm nào ở TP có bác sĩ đến nhà giúp chữa trị cho con tôi không? Nếu có thì chi phí như thế nào?

- Bà Nguyễn Thị Hồng Phượng - Phó chi cục trưởng Chi cục PCTNXH: Mời chị liên hệ với Trung tâm tư vấn cai nghiện ma túy mà chúng tôi đã gợi ý ở phần trả lời trước để được tư vấn trực tiếp về cách thức và chi phí điều trị.

Lê Trung Sơn - ngụ đường Âu Cơ, quận Tân Bình: Đồng chí Võ Văn Trai đã từng nói, do yêu cầu của công tác nên chưa thể đưa ra những tấm gương điển hình giúp CA triệt phá tệ nạn, tội phạm ma túy. Vậy, Công an TPHCM ghi nhận sự đóng góp của người dân như thế nào? Công an TPHCM làm gì để phát huy vai trò của nhân dân trong phòng chống, ma túy?

- Thượng tá Võ Văn Trai - Phó Trưởng Phòng CSĐTTPVMT - Công an TPHCM: Công an thành phố luôn luôn ghi nhận những đóng góp của người dân trong đấu tranh phòng chống tội phạm, các cấp lãnh đạo luôn quan tâm kịp thời khen, thưởng các trường hợp, các điển hình tham gia phòng chống tội phạm. Tuy nhiên việc vinh danh các cá nhân chưa nhiều do yêu cầu của chính cá nhân điển hình và gia đình của họ, đồng thời chúng tôi cũng thực hiện nguyên tắc bảo vệ tuyệt đối an toàn cho những người dân tố giác tội phạm.

tranminh - -tranminh….@yahoo.com: Tôi xin hỏi 2 nội dụng: - TP đã xã hội hóa trong công tác cai nghiện như thế nào, kết quả cụ thể ra sao? Việc xã hội hóa có gặp khó khăn gì không? - Cán bộ ở cơ sở chữa bệnh có được luân chuyển thường xuyên không? Sau khi công tác ở các tỉnh xa, có được tạo điều kiện hay ưu tiên gì để chuyển công tác về thành phố không? Tôi nghĩ, nếu cứ ở hoài ở các cơ sở chữa bệnh thì thật thiệt thòi cho những cán bộ này và gia đình họ nữa?

- Ông Nguyễn Hữu Tài - Phó chi cục trưởng Chi cục PCTNXH: Thực hiện chủ trương xã hội hóa các mô hình cai nghiện ma túy hiện nay trên địa bàn thành phố, ngoài các trung tâm cai nghiện bắt buộc còn có 3 trung tâm cai nghiện ma túy tư nhân được Bộ LĐTBXH cấp phép (có trụ sở đóng trên địa bàn quận Bình Thạnh) tiếp nhận người nghiện đến cai nghiện tự nguyện có thu phí và Trung tâm tư vấn và cai nghiện ma túy thực hiện đề án "thí điểm điều trị lệ thuộc ma túy tại cộng đồng giai đoạn 2012-2015" nhằm tiếp nhận người nghiện tự nguyện đến tham gia điều trị bán trú, ngoại trú. Đây là bước khởi đầu rất quan trọng cho việc nâng cao nhận thức vai trò của bản thân người nghiện và gia đình họ, thấy được sự quan tâm của chính quyền địa phương trong việc tổ chức cai nghiện tại gia đình và cộng đồng. Việc xã hội hóa mới được áp dụng chưa lâu nên hiện tại chúng tôi chưa ghi nhận nhiều khó khăn.

Cán bộ làm công tác cai nghiện được thành phố hỗ trợ, ngoài chế độ lương còn có một số chế độ đặc thù khác. Vì thế, đời sống của cán bộ làm công tác này cũng đỡ được phần nào.

Lethingoc -  Lethingoc……gmail.com: Gia đình có con cái nghiện là họ giấu không cho ai biết, vậy làm sao chúng ta biết để giúp họ cai nghiện?

- Nguyễn Thị Hồng Phượng: Đa phần do sợ kỳ thị nên một số gia đình có người thân nghiện ma túy họ không dám khai báo. Để giúp người dân hiểu rõ hơn về các hình thức cai nghiện tự nguyện tại gia đình và cộng đồng theo Nghị định 94/2010, địa phương cần tăng cường các hình thức tuyên truyền thông tin đến tận khu phố, tổ dân phố để người dân được biết và cùng tham gia.

Nguyễn Văn Tân - quận Gò Vấp, TPHCM: Tôi có câu hỏi gửi đồng chí đến từ Công an TPHCM. Xin hỏi đồng chí, cảm xúc của đồng chí như thế nào khi cơ quan chức năng Đài Loan phát hiện ra lô ma túy 600 bánh xuất phát từ TPHCM? Công an TPHCM sẽ có biện pháp gì để không tái diễn chuyện đáng tiếc đó?

- Thượng tá Võ Văn Trai - Phó Trưởng Phòng CSĐTTPVMT - Công an TPHCM: Cũng như các bạn, ngành Công an thành phố cũng rất bức xúc khi để vụ việc xảy ra trên địa bàn mình quản lý. Tuy nhiên thành phố Hồ Chí Minh là đô thi đặc biệt với khoảng 10 triệu dân và tình hình ANTT còn phức tạp, đòi hỏi chúng tôi phải liên tục nỗ lực để kiềm chế, kéo giảm tội phạm (trong đó có tội phạm ma tuý), bảo vệ bình yên cho TPHCM. Về vụ việc này, Công an TPHCM cũng đã có những xử lý cụ thể trong thẩm quyền và hiện các cơ quan chức năng đang tiếp tục điều tra làm rõ. Chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm về công tác phối hợp để không xảy ra trường hợp tương tự. Chúng tôi tiếp tục mong người dân hợp tác với chúng tôi phát hiện tội phạm.

TBT Báo SGGP Nguyễn Tấn Phong (giữa) tặng hoa các vị khách mời tham gia buổi giao lưu.

TBT Báo SGGP Nguyễn Tấn Phong (giữa) tặng hoa các vị khách mời tham gia buổi giao lưu.

SGGP Online
Ảnh: Việt Dũng

Tin cùng chuyên mục