
Cái gì cũng thế, dù mới dù lạ đến mức nào nhưng lâu dần cũng sẽ thành quen. Xe buýt hai tầng - một loại phương tiện vận tải hành khách công cộng rất tân tiến, văn minh và lạ lẫm đối với người dân xứ ta - cũng không đi ngoài quy luật đó sau một tháng đầu tiên lăn bánh hoạt động. Điều đáng mừng là tuy sự tò mò, hiếu kỳ nơi một bộ phận cư dân thành thị đã bắt đầu giảm đi, song lượng hành khách ngày ngày đáp xe buýt hai tầng lại không ngừng gia tăng.
Theo tổng kết mới nhất của Liên hiệp HTX vận tải TPHCM - đơn vị khai thác tuyến, buýt hai tầng - rất nhiều chỉ tiêu khai thác của loại phương tiện này ghi nhận trong một tháng qua - từ 3-12-2005 đến 3-1-2006 - là rất đáng khích lệ.

Số chuyến xe buýt hai tầng hoạt động trong ngày đã tăng từ 12 chuyến/ngày lên thành 16 chuyến. Điều này có nghĩa là lượng hành khách đi xe buýt hai tầng ngày càng tăng mặc dù tổng sản lượng vận chuyển có lúc tăng, lúc giảm.
So sánh với lực lượng xe buýt bình thường, số chuyến hoạt động của xe buýt hai tầng chỉ mới chiếm 8% so với tổng số chuyến xe buýt các loại hoạt động trên tuyến Bến xe Chợ Lớn-Đại học Nông Lâm, Thủ Đức thế nhưng sản lượng vận chuyển của xe buýt hai tầng lại chiếm một tỉ trọng khá lớn là 17% so với tổng sản lượng xe buýt các loại trên cùng tuyến hành trình, cụ thể là xe buýt hai tầng có lượng vận chuyển bình quân mỗi ngày tới 1.986 lượt hành khách.
Tính bình quân từng chuyến, con số hành khách vận chuyển đạt được cũng gấp hơn 2 lần so với các xe buýt thông thường loại 80 chỗ, cụ thể đạt bình quân 140 hành khách/chuyến xe buýt hai tầng. Một hệ quả từ những cái hơn này là doanh thu của xe buýt hai tầng cũng cao hơn gấp 2 lần so với doanh thu của xe buýt 80 chỗ cùng hoạt động trên tuyến.
Theo nhận xét của Tổng giám đốc Liên hiệp HTX vận tải TPHCM Phùng Đăng Hải, hoạt động của xe buýt hai tầng đã gây ấn tượng rất tốt cho hành khách đi xe - đó là nhờ một loạt những đổi mới trong cung cách phục vụ: thái độ tận tình, lịch sự của tiếp viên, đội ngũ tiếp viên đã thực sự “đoạn tuyệt” với thói lạnh nhạt với hành khách đi vé tháng; hệ thống camera, loa liên lạc thông báo giữa nhà xe với hành khách rất văn minh nên chiếm được cảm tình của hành khách…
Xét trên bình diện rộng lớn hơn, hiệu quả kinh tế-xã hội đạt được từ hoạt động của xe buýt hai tầng cũng không phải là nhỏ khi loại phương tiện mới này đã giải tỏa được một lượng lớn hành khách, đặc biệt phục vụ đối tượng học sinh sinh viên, trong giờ cao điểm; giảm bớt lượng xe buýt phải điều động khai thác trên tuyến, đồng nghĩa giảm được nguy cơ ùn tắc giao thông trên đường, đặc biệt trong giờ cao điểm; chi phí khai thác của tuyến giảm trong khi doanh thu tăng nên đã dẫn đến một tác dụng tích cực khác là giảm được khoản chi phí tài trợ từ nhà nước…
Thế nhưng vẫn còn một số điểm lấn cấn, và đáng chú ý là những lấn cấn này lại liên quan đến khía cạnh quản lý nhà nước. Ông Phùng Đăng Hải cho biết, mặc dù Liên hiệp đã nhiều lần báo cáo với UBND TPHCM cùng các sở - ngành, nhưng cho đến nay bến bãi lưu đậu cho xe buýt nói chung và xe buýt hai tầng nói riêng thuộc đơn vị vẫn hoàn toàn… không có. “Thế nên việc bảo trì, bảo dưỡng và quản lý phương tiện sau thời gian hoạt động trên tuyến gặp rất nhiều khó khăn. Hơn nữa điều này cũng làm cản trở khả năng phát triển thêm đội xe buýt hai tầng của chúng tôi trong thời gian tới” - ông Hải than.
Thiện Nhân