Làm việc ở nhiều nước, trao đổi với nhiều bạn trẻ trên thế giới, đặc biệt là các nước trong khu vực, tôi thấy các bạn trẻ Việt Nam, nhất là đội ngũ cử nhân mới ra trường hoàn toàn không thua kém bạn trẻ các nước về khả năng tư duy. Tuy nhiên, lao động nước ngoài mạnh hơn lao động trẻ Việt Nam về mặt kiến thức xã hội, ở tính chủ động và độc lập, có góc nhìn tổng quát hơn, có định hướng sắc nét hơn.
Các bạn trẻ Việt Nam nên xác định rõ nghề nghiệp cho bản thân trong hiện tại và tương lai, để có sự chuẩn bị hợp lý. Định hướng bản thân là một vấn đề cực kỳ quan trọng. Chúng ta đã nghe nói nhiều về việc lao động trẻ Việt Nam còn thiếu kỹ năng tiếng Anh, thiếu kiến thức mang tính thực tiễn. Các bạn trẻ cần nhận thức rõ tiếng Anh dùng để làm gì và giúp gì cho tương lai của bạn, từ đó bạn sẽ có động lực thúc đẩy khả năng học.
Việc nâng tầm tư duy rất quan trọng, đặc biệt khi Việt Nam đang hội nhập sâu với sân chơi khu vực và thế giới. Cạnh tranh lao động không chỉ diễn ra ở Việt Nam mà ở toàn khu vực. Cơ hội dành cho người lao động cũng là cơ hội đến từ nhiều quốc gia khác nhau. Sự năng động, cởi mở, ham học hỏi và tầm nhìn xa là vô cùng cần thiết trong giai đoạn này. Các bạn cần thay đổi tư duy và cách nghĩ của mình. Đừng nghĩ mình là công dân của một quốc gia hay một tỉnh, thành như trước kia, mà hãy nghĩ mình là công dân ASEAN, công dân toàn cầu. Từ đó có những chuẩn bị cần thiết, mang tính khu vực, toàn cầu.
Tìm việc là giai đoạn mà hầu hết các bạn trẻ phải trải qua ít nhất một lần trong đời. Nó đòi hỏi lao động trẻ phải cân nhắc kỹ càng, có kế hoạch và chiến lược hợp lý để kiếm được cơ hội việc làm phù hợp. Ba điều cần chuẩn bị là bản thân; ngành nghề - thị trường và nhà tuyển dụng. Về bản thân, có một sự thật đáng buồn là rất nhiều bạn trẻ đã ra trường nhưng vẫn không nhận thức được rằng bản thân mình thật sự muốn gì và sẽ làm gì. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến việc các bạn chọn nghề không phù hợp với ngành mình học hoặc không xác định mình cần phải tìm công việc như thế nào cho thích hợp. Cho nên các bạn hãy cố gắng xác định xem mình muốn gì, đam mê công việc gì, có khả năng gì và mình có thể làm được gì?
Sau khi tường tận về bản thân, hãy nhìn sang một vấn đề khác: ngành nghề - thị trường. Tìm việc giống như tìm mua một món đồ mình yêu thích vậy. Biết mình muốn gì, các bạn sẽ tìm hiểu chi tiết về món đồ ấy, như: địa điểm bán, giá cả, các cửa hàng cạnh tranh ra sao, khuyến mại như thế nào? Tìm việc cũng vậy. Bạn cần tìm hiểu thật kỹ về công việc, về nhu cầu của thị trường, về những mong đợi của doanh nghiệp đối với công việc đó, về tương lai phát triển của công việc cũng như những tố chất cần có để có thể đạt được thành công. Thử tưởng tượng bạn quyết định chọn nghề bán hàng trong ngành bất động sản vào khoảng thời gian 2 - 3 năm về trước, khi thị trường bất động sản đóng băng? Đó là một tình thế không ai muốn thấy, nhưng nó sẽ là thực tế dành cho những ai không hiểu rõ thị trường. Thêm nữa, tìm hiểu rõ về công ty muốn ứng tuyển sẽ giúp bạn tự tin hơn cũng như gia tăng thành công trong quá trình xin việc.
TIÊU YẾN TRINH
Tổng giám đốc Talentnet