Lễ hội, như được nhận thức phổ biến, là hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng gắn với phong tục, nghệ thuật, tôn giáo; thể hiện lòng tôn kính của thế hệ hôm nay đối với tổ tiên cũng như đối với tín ngưỡng, phản ánh những nguyện ước chính đáng của con người trước cuộc sống sẽ được tốt đẹp hơn; nhằm thỏa mãn nhu cầu tinh thần của con người.
Thời gian qua, cùng với chủ trương tôn trọng tự do tín ngưỡng, bảo tồn và chấn hưng văn hóa dân tộc của Nhà nước, nhiều lễ hội cùng các hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian cũng như sinh hoạt cộng đồng hiện đại đã được khôi phục, mở rộng. Nhà nước khuyến khích qua lễ hội, dân chúng tìm về cội nguồn, tăng cường gắn bó cộng đồng, phát huy tinh túy văn hóa dân tộc, qua đó, cân bằng đời sống tinh thần với vật chất. Không ít lễ hội gần đây đã từng bước được quan tâm tổ chức quy củ, hoành tráng, tạo tác dụng tích cực trong xã hội. Tuy nhiên, mặt khác lễ hội ở ta nói chung vẫn chưa được quy hoạch và phân cấp tổ chức bài bản, khoa học từ cấp quốc gia đến cấp địa phương, đã tạo khe hở để không ít nơi lợi dụng các ngày lễ lớn, nhất là dịp Tết Nguyên đán, mở hội tràn lan, kéo dài lê thê, gây hoang phí nhiều thời gian, tiền của và cả sức khỏe con người.
Trong lúc đó, công tác quản lý bị buông lỏng hoặc bất lực, thiếu chuyên nghiệp, kém hiệu quả, dẫn đến những biến tướng gây lo ngại xã hội. Một số lễ hội bị lợi dụng kinh doanh vụ lợi, tuyên truyền mê tín dị đoan, phản văn hóa, thiếu văn minh, dung chứa nạn cờ bạc, cá độ, cuồng tín, gây phản cảm và bức xúc rộng rãi. Ở những lễ hội như vậy, phần vui chơi thực dụng được cổ vũ, phần tâm thức, tâm linh lành mạnh bị coi nhẹ, tạo ra những mê lầm, sai lạc đối với người tham dự.
Năm nay, trong điều kiện đặc biệt của đất nước phải phấn đấu khôi phục đà tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững, chúng ta cần đặc biệt chú trọng hiệu quả văn hóa cũng như xã hội của lễ hội đối với đời sống, thực hiện đúng bản chất của lễ hội là mang lại lợi ích tinh thần lành mạnh cho cộng đồng trong quá trình nhận thức cuộc sống. Muốn đạt kết quả hữu ích qua hoạt động lễ hội, trước hết cần quy hoạch chương trình lễ hội một cách căn cơ, khoa học, quan tâm sát sao và cân đối nội dung truyền thống với hiện đại; tổ chức chuyên nghiệp, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể; quản lý khớp hợp nội dung với hình thức từng lễ hội; chống thực dụng, thương mại hóa lễ hội; loại trừ mê tín dị đoan, chống lãng phí… quyết tâm đưa hệ thống lễ hội vào hoạt động nền nếp, chuyên nghiệp, lành mạnh; phù hợp với truyền thống văn hóa dân tộc cũng như với đòi hỏi của cuộc sống đương đại.
Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa lễ hội là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, cũng là của mỗi người dân. Chúng ta cần nỗ lực nuôi dưỡng hệ thống lễ hội của đất nước như một hoạt động tinh thần tích cực, tạo ra nếp văn hóa đặc trưng trong các sinh hoạt lễ hội, nhằm đem lại lợi ích thiết thực cho mỗi người cũng như cho cả cộng đồng; thực hiện có kết quả chủ đề: “Xây dựng TPHCM đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa” thông qua hoạt động lễ hội.
PGS-TS TRẦN LUÂN KIM