Hiệu quả dự án dạy học trải nghiệm

Hướng đến mục tiêu đổi mới giáo dục, nhiều giáo viên trên địa bàn TPHCM đã triển khai các dự án dạy học phát huy khả năng thực hành và sáng tạo của học sinh. Thông qua các hoạt động trải nghiệm, học sinh không chỉ nắm vững kiến thức mà còn được giáo dục về kỹ năng sống, lòng yêu thương, tinh thần trách nhiệm…
Học sinh Trường Phổ thông liên cấp Vinschool Central Park (quận Bình Thạnh) với dự án “Xin chào, chúng tớ là tò he”
Học sinh Trường Phổ thông liên cấp Vinschool Central Park (quận Bình Thạnh) với dự án “Xin chào, chúng tớ là tò he”

Giáo dục toàn diện kỹ năng, phẩm chất 

Mới đây, dự án “Xin chào, chúng tớ là tò he” của học sinh khối 2, Trường Phổ thông liên cấp Vinschool Central Park (quận Bình Thạnh) đã đoạt giải ba Diễn đàn Giáo dục sáng tạo năm 2020 do Bộ GD-ĐT phối hợp với Microsoft Việt Nam tổ chức. Cô Ngô Thị Tuyết Nhung, giáo viên phụ trách dự án, cho biết, học sinh được làm quen và phát triển kỹ năng sử dụng các phần mềm công nghệ như google form, sway, flipgrid, powerpoint cũng như rèn luyện các kỹ năng thuyết trình, làm việc nhóm, thiết kế mô hình từ vật liệu tái chế, sáng tác truyện, làm phim hoạt hình... 

Em Lê Quỳnh Chi, một thành viên tham gia dự án, chia sẻ:  “Dự án của tụi con bao gồm các công đoạn tạo hình nhân vật bằng bột tò he, sau đó sử dụng công nghệ tạo ra các sản phẩm như phim hoạt hình, kịch rối, video clip…”. Còn với Lê Minh Gia Bảo, lại chọn hình thức quay video clip giới thiệu về các nhân vật tò he, sau đó đăng tải lên kênh YouTube do chính mình thiết lập. Hay như Nguyễn Ngọc Nhi, thông qua chuyện kể “Ông thần học bài”, cô nữ sinh lớp 2 đã sử dụng các nhân vật tò he kể lại câu chuyện cậu bé lười học. Một hình thức sáng tạo khác cũng khá ấn tượng là một nhóm học sinh thiết kế sân khấu kịch bằng bìa các tông và trình diễn kịch rối với các nhân vật tò he. Nhìn lại thành quả học sinh đã đạt được, cô Ngô Thị Tuyết Nhung nhận xét, khi học về tò he trong môn Việt Nam học, chính học sinh đã đề xuất ý tưởng làm phim từ tò he. Thông qua quá trình tham gia dự án, các em không chỉ được tiếp nhận kiến thức mà còn có cơ hội rèn luyện kỹ năng, phát huy khả năng tư duy và sáng tạo.

Với dự án “Gìn vàng giữ ngọc”, cô Phan Thị Thu Hiền, giáo viên Trường THPT Phú Nhuận (TPHCM), chia sẻ, chương trình môn Giáo dục công dân có bài học về kinh tế thị trường. Nhằm giúp học sinh nắm vững kiến thức và biết vận dụng vào thực tế, giáo viên đã kết hợp giáo dục các giá trị văn hóa truyền thống với việc tạo ra các sản phẩm có giá trị mua bán thực tế đưa ra thị trường.

Cụ thể, học sinh được chia thành 3 nhóm, gồm: nhóm kỹ sư thiết kế các mô hình di sản văn hóa tiêu biểu của TP như Nhà thờ Đức Bà, Chợ Bến Thành, Bến Nhà Rồng... bằng các vật liệu tái chế như ống hút, bìa các tông, giấy báo; nhóm sản xuất sản phẩm đưa ra thị trường như túi vải, lịch để bàn, lịch treo tường, bao lì xì, tranh thư pháp; nhóm trình diễn nghệ thuật dân tộc như hát dân ca, biểu diễn nhạc cụ, múa dân gian... Thông qua việc định giá sản phẩm, học sinh sẽ tổ chức hội chợ bán hàng gây quỹ giúp trẻ em nghèo. Đặc biệt, thông qua công cụ kết nối Skype với 2 ngôn ngữ Anh và Việt, học sinh được quảng bá các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, đồng thời trao đổi thông tin với bạn bè quốc tế. Thông qua dự án, học sinh không chỉ được giáo dục về lòng tự hào dân tộc, tình yêu quê hương đất nước mà còn hiểu hơn về trách nhiệm của bản thân đối với gia đình và xã hội.   

Giáo viên thực hiện tốt vai trò dẫn dắt

Thầy Nguyễn Lý Thủy, giáo viên dạy môn Toán, Trường Tiểu học - THCS - THPT Việt Úc (quận Phú Nhuận), cho biết, thế hệ trẻ ngày nay có điều kiện sống rất tốt nhưng không phải ai cũng hiểu được giá trị của hạnh phúc. Các em có thể mua ly trà sữa 70.000 đồng mà không chút do dự trong khi ở nhiều nơi khác, thu nhập của cả gia đình trong một ngày làm công chưa đến 20.000 đồng.

Từ thực tế đó, dự án “Thắp sáng tri thức” đã ra đời nhằm tạo thêm sân chơi cho học sinh vận dụng kiến thức, có cơ hội nhận biết về lòng yêu thương và tinh thần chia sẻ. Tham gia dự án, học sinh tự thiết kế và lắp ráp đèn bàn sử dụng năng lượng mặt trời để tặng cho các bạn nhỏ miền núi, những nơi có điều kiện sống còn khó khăn, chưa có lưới điện quốc gia. Đến nay, dự án đã trao tặng 176 phần quà cho trẻ em nghèo ở tỉnh Đắk Lắk, mỗi phần quà gồm một chiếc đèn bàn sử dụng năng lượng mặt trời và một chậu cây giống.

Thầy Nguyễn Lý Thủy giải thích, mục tiêu của dự án ngoài việc giáo dục học sinh các giá trị sống tốt đẹp, còn giúp các em nhận thức được trách nhiệm của bản thân đối với vấn đề giữ gìn và bảo vệ môi trường sống. “Lâu nay, khi dạy học sinh về biến đổi khí hậu, giáo viên thường đề cập đến các vấn đề vĩ mô như băng tan, ô nhiễm không khí. Theo tôi, các em cần được giáo dục những bài học thực tế, gần gũi cuộc sống thường ngày như trồng cây xanh, không xả rác. Mỗi người chúng ta có thể góp phần thay đổi xã hội bằng những hành động nhỏ”, thầy Thủy cho biết. 

Giáo dục hiện nay đang đặt ra yêu cầu cấp thiết về đổi mới, trong đó giáo viên được xem là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu. Không chỉ giúp học sinh hoàn thiện kiến thức, kỹ năng, người thầy còn đóng vai trò truyền lửa, giúp học sinh thích ứng với những thay đổi liên tục của khoa học công nghệ và đời sống. Ông Nguyễn Hồng Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và Chương trình giáo dục (Sở GD-ĐT TPHCM), cho rằng, trong tình hình mới, mỗi giáo viên cần tự hoàn thiện kỹ năng ứng dụng công nghệ, thường xuyên sử dụng các công cụ và phương pháp dạy học hiện đại nhằm đem lại hiệu quả giảng dạy tốt nhất cho học sinh.

Tin cùng chuyên mục