Hiệu quả từ mô hình “lấy trẻ làm trung tâm”

Tháng 1 - 2017, Bộ GD-ĐT triển khai chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” giai đoạn 2016 - 2020 tại 63 tỉnh, thành trên cả nước. Sau 3 năm thực hiện, nội dung này trở thành một trong những nhiệm vụ trọng tâm của năm học 2019 - 2020.

 Mô hình đã tạo ra môi trường học tập mở, thúc đẩy trẻ tham gia hiệu quả vào các hoạt động vui chơi và trải nghiệm.  

Học sinh Trường Mầm non Tuổi Thơ 7 (quận 3) học tập trong môi trường giáo dục “lấy trẻ làm trung tâm”.
Đa dạng hình thức học tập

Có mặt tại sân trường Mầm non Tuổi Thơ 7 (quận 3, TPHCM), hình ảnh gây ấn tượng mạnh với chúng tôi là gần 200m² sân chơi được phủ thảm cỏ xanh mướt. Tại đây, trẻ được tham gia nhiều trò chơi vận động phù hợp lứa tuổi như leo núi, đi cầu thăng bằng, vận động liên hoàn… Chị Nguyễn Thu Thảo, một phụ huynh khối lá cho biết, sân trường giống như một công viên thu nhỏ. Các con phấn khởi vì “đi học giống như đi chơi”, không gian học tập thoát khỏi hình ảnh bị bê tông hóa, thay vào đó trở nên gần gũi và thân thiện với học sinh. Ngoài ra, từ tháng 10-2019, nhà trường đưa thêm vào sử dụng khu vực thiên nhiên với nhiều góc chơi tái hiện hình ảnh làng quê Việt Nam như trồng cây ăn quả, đi cà kheo, cầu khỉ, mò ốc, bắt cá... 

Cô Vũ Đỗ Thúy Hiền, Hiệu trưởng Trường Mầm non Tuổi Thơ 7, cho biết, năm học 2019 - 2020, nhà trường đã phát động phong trào thi đua thiết kế và xây dựng môi trường thiên nhiên trong lớp học. Theo đó, giáo viên và học sinh được khuyến khích sử dụng các nguyên vật liệu từ thiên nhiên để tạo ra các sản phẩm học tập, trang trí và tổ chức môi trường hoạt động trong lớp học. Hoạt động vừa giúp giáo viên tiết kiệm chi phí, công sức làm đồ dùng học tập cho học sinh vừa tạo ra môi trường thiên nhiên gần gũi, thân thiện trong lớp học. Thông qua các hoạt động quan sát, khám phá và trải nghiệm, trẻ không chỉ được cung cấp kiến thức về cây xanh, các sản phẩm tái chế mà còn hình thành kỹ năng trồng và chăm sóc cây xanh, biết bảo vệ môi trường học xanh - sạch - đẹp, tận dụng hết công năng của vật liệu tái chế. 

Tại Trường Mầm non Măng Non 1 (quận 10), chia sẻ với chúng tôi, Hiệu trưởng nhà trường Bùi Cát Thụy bày tỏ, mỗi học sinh là một cá thể độc lập, riêng biệt, có khả năng nhận thức, sở thích, nhu cầu và hứng thú học tập khác nhau. Do đó, để phát huy tốt nhất hiệu quả giáo dục trẻ, nhà trường đã tạo điều kiện cho các con “học mà chơi” với nhiều hoạt động gần gũi, được hòa mình vào thiên nhiên, qua đó giúp trẻ tự tìm tòi, khám phá, phát hiện những điều mới lạ, hấp dẫn trong cuộc sống. Bên cạnh đó, trẻ còn được giáo viên trao quyền chủ động lựa chọn giữa hoạt động cá nhân hay hoạt động nhóm, từ đó hình thành kỹ năng và kiến thức một cách tích cực. Riêng đối với môi trường học tập trong lớp, giáo viên phân chia thành nhiều góc chơi khác nhau với màu sắc sinh động, tăng cường tính chủ động, sáng tạo cho trẻ. “Xây dựng mô hình giáo dục lấy trẻ làm trung tâm, giáo viên chỉ đóng vai trò người tổ chức, hỗ trợ các con trong lớp học. Tuyệt đối không làm thay trẻ mà chú trọng các hoạt động tương tác, giúp trẻ phát triển toàn diện về thể chất, ngôn ngữ, trí tuệ, khả năng thẩm mỹ, tình cảm và kỹ năng xã hội, qua đó tạo tiền đề vững chắc cho trẻ lên các bậc học tiếp theo”, cô Bùi Cát Thụy chia sẻ.

 Tăng cường phối hợp với phụ huynh

Nhờ chuyển biến tích cực khi tổ chức các hoạt động giáo dục theo phương pháp “Lấy trẻ làm trung tâm”, phụ huynh ngày càng tin tưởng vào chất lượng chăm sóc và giáo dục trẻ. Cô La Thị Hồng Cúc, Hiệu trưởng Trường Mầm non Vàng Anh (quận 5) bày tỏ, trong suốt năm học, nhà trường tạo điều kiện cho phụ huynh tham gia cùng con nhiều hoạt động như tham quan ngoài nhà trường, các hoạt động lễ hội, giờ sinh hoạt trên lớp. Từ đó, phụ huynh hiểu hơn về quan điểm giáo dục của nhà trường, phối hợp tốt với giáo viên trong các hoạt động xây dựng trường lớp xanh - sạch - đẹp, an toàn và thân thiện. Song song đó, với việc thực hiện chuyên đề “Đổi mới tổ chức bữa ăn và xây dựng khẩu phần thực đơn cho trẻ”, trẻ được hình thành kỹ năng tự phục vụ, biết lấy thức ăn theo nhu cầu và tạo không khí thoải mái, vui tươi khi dùng bữa thông qua các hình thức tổ chức bữa ăn gia đình, ăn sáng tự chọn, tiệc buffet... Trẻ được tạo tâm lý mạnh dạn, thoải mái, chủ động tham gia vào các hoạt động để tìm tòi, học hỏi, tăng cường mối quan hệ tương tác giữa học sinh và giáo viên. 

Trao đổi với chúng tôi, bà Lương Thị Hồng Điệp, Trưởng phòng Giáo dục Mầm non, Sở GD-ĐT TPHCM, cho biết, chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” hướng đến một số mục tiêu cụ thể như đảm bảo tất cả trẻ đều được tạo cơ hội học tập thông qua hoạt động vui chơi dưới nhiều hình thức khác nhau, phù hợp với nhu cầu, hứng thú và khả năng của trẻ. Bên cạnh đó, qua mô hình này, cán bộ quản lý, giáo viên được nâng cao nhận thức và năng lực quản lý; đổi mới phương pháp chăm sóc và giáo dục trẻ; thực hiện chương trình giáo dục theo quan điểm lấy trẻ làm trung tâm phù hợp điều kiện cụ thể của từng trường, lớp, địa phương. Đặc biệt, mô hình đã huy động sự tham gia của nhiều nguồn lực gồm nhà trường, gia đình và xã hội, tạo sự thống nhất trong xây dựng môi trường giáo dục trẻ. Kết quả đánh giá dựa trên cơ sở sự thay đổi của từng trẻ, không kỳ vọng kết quả giống nhau với tất cả trẻ, dựa trên mức độ đạt so với mục tiêu. 

Tính đến nay, 100% trường mầm non trên địa bàn TP đều triển khai phương pháp giáo dục “lấy trẻ là trung tâm”. Tới đây, các trường sẽ tiến hành tổng kết, rút kinh nghiệm và chia sẻ những cách làm tốt, qua đó nhân rộng các điển hình chất lượng.

Tin cùng chuyên mục