Hiệu quả từ những công trình

Giảm kẹt xe
Hiệu quả từ những công trình

Tình trạng kẹt xe trên địa bàn TPHCM sẽ giảm dần và giao thông trong thời gian tới thông thoáng hơn rất nhiều so với trước đây. Để có được thành quả này, thành phố (TP) đã đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng hàng loạt công trình cầu đường.

Cầu vượt Lăng Cha Cả. Ảnh: Kim Ngân

Cầu vượt Lăng Cha Cả. Ảnh: Kim Ngân

Giảm kẹt xe

Kẹt xe là nỗi ám ảnh của người dân thành phố mỗi khi ra đường. Không chỉ gây bức xúc cho người tham gia giao thông mà còn gây tổn thất về kinh tế, nhất là việc kinh doanh buôn bán của bà con tại những nơi thường xuyên kẹt xe. Quốc lộ 1 là trục đường chính đi xuyên qua TP được xem là tuyến giao thông huyết mạch nhưng ngày nào cũng kẹt xe nhiều giờ, nhất là ở nút giao giữa quốc lộ 1 với tỉnh lộ 10. Trước tình hình đó, UBND TP đã quyết định đầu tư 2 nút giao thông giữa quốc lộ 1 - tỉnh lộ 10 và quốc lộ 1 - tỉnh lộ 10B. Đồng thời lắp đặt dải phân cách giữa làn xe cơ giới với làn xe thô sơ trên quốc lộ 1 đoạn An Sương - An Lạc với chiều dài trên 14km. Đây là dự án thành phần giai đoạn 2 của dự án cải tạo nâng cấp quốc lộ 1 đoạn An Sương - An Lạc do IDICO làm chủ đầu tư theo hình thức BOT. Tổng nguồn vốn cho dự án thành phần giai đoạn 2 là trên 704.000 tỷ đồng. Ông Nguyễn Hồng Ninh, Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư phát triển hạ tầng IDI (IDICO-IDI), cho biết, do áp lực lưu thông quá lớn nên các nhà thầu đã thi công cả ngày lẫn đêm để kịp thông xe, vượt tiến độ 2 tháng so với kế hoạch.

Nằm ở cửa ngõ phía Tây Nam của TP, ngã tư Cộng Hòa - Hoàng Hoa Thám quận Tân Bình được xem là nút giao thông huyết mạch với lưu lượng các phương tiện tham gia giao thông đông đúc nên thường xuyên xảy ra tình trạng ách tắc giao thông. Đầu giờ và cuối giờ mỗi ngày, hình ảnh hàng ngàn phương tiện rồng rắn nối đuôi nhau, di chuyển chật vật tại 2 giao lộ trên khiến người dân ngán ngẩm. Không chỉ các tuyến đường cửa ngõ, ngay tại trung tâm thành phố, các tuyến đường như 3 Tháng 2, Lý Thái Tổ, Nguyễn Tri Phương, Hồng Bàng… cũng thường xuyên diễn ra ùn tắc giao thông cả trong và ngoài giờ cao điểm. Điều này không những gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân mà còn kìm hãm sự phát triển của kinh tế thành phố. Mặc dù Sở Giao thông Vận tải đã liên tục đưa ra nhiều giải pháp như phân luồng, lập dải phân cách… nhưng vẫn không khắc phục được tình trạng kẹt xe. Chính vì vậy, TP quyết định đầu tư xây dựng 3 cây cầu vượt thép tại các điểm nóng ùn tắc giao thông tại giao lộ Nguyễn Tri Phương - 3 Tháng 2 - Lý Thái Tổ (quận 10); bùng binh Cây Gõ (quận 11); và Hoàng Hoa Thám - Cộng Hòa (quận Tân Bình) với tổng kinh phí hơn 1.000 tỷ đồng.

Hạ tầng giao thông ở TP ngày càng thuận tiện. Ảnh: CAO MINH

Hạ tầng giao thông ở TP ngày càng thuận tiện. Ảnh: CAO MINH

Hoàn thành sớm

Hiện nay, chưa có con số thống kê đầy đủ về thiệt hại do nạn kẹt xe gây ra. Nhưng có thể khẳng định rằng thiệt hại đó vô cùng nghiêm trọng về mọi mặt: kinh tế, xã hội, môi trường. Do đó, để hạn chế những thiệt hại trên, 2 năm qua, UBND TP đã đầu tư xây dựng hàng loạt cầu vượt tại các điểm nóng về kẹt xe.

Sau khi đưa vào sử dụng, về cơ bản các cầu vượt trên đã giải quyết được tình trạng ùn tắc trên trục đường giao thông huyết mạch ở cửa ngõ phía Đông Bắc, nối liền TPHCM với các tỉnh miền Đông Nam bộ, miền Trung và miền Bắc. Thời gian qua tại các khu vực trên không còn xảy ra cảnh kẹt xe như trước đây. Người dân sinh sống tại khu vực này cho rằng, khi xây cầu vượt xong, từ ngã tư Hàng Xanh đi về hướng Thị Nghè, Bình Triệu, Thủ Đức, Đa Kao phương tiện lưu thông trật tự hơn. Cầu vượt thép tại vòng xoay Lăng Cha Cả quận Tân Bình cũng đã được thông xe để giảm ùn tắc cho điểm nóng cửa ngõ Tây Bắc TP. Đây là nút giao thông đầu mối nối liền quận 12, huyện Củ Chi, Hóc Môn và đường từ Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất vào trung tâm thành phố nên thường xuyên xảy ra ùn tắc xe.

Tương tự, giao thông trên xa lộ Hà Nội đoạn qua địa bàn quận Thủ Đức, quận 9 TPHCM cách đây vài tháng giao thông rối rắm và thường xuyên kẹt xe. Xe cộ chen chúc nhau xếp hàng dài nhích từng chút. Sau khi cầu vượt Thủ Đức đưa vào sử dụng, giao thông trên tuyến xa lộ Hà Nội đã thông thoáng. Anh Phạm Ngọc Công, ngụ trên đường Võ Văn Ngân quận Thủ Đức cho biết, từ ngày có cầu vượt, ai qua ngã tư này cũng mừng. Không còn cảnh chen vào làn xe tải để nơm nớp lo sợ như trước đây nữa.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Hữu Tín cho rằng, trong nhiều năm qua, tình trạng ùn tắc giao thông tại các giao lộ diễn ra ngày càng phức tạp và đã đến mức nghiêm trọng. Trước tình hình này, Thành ủy, UBND đã chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình giao thông trọng điểm. Vì thế, trong hai năm qua TP đã đưa vào sử dụng nhiều công trình hạ tầng giao thông quan trọng như đại lộ Võ Văn Kiệt, cầu Rạch Chiếc, cầu Phú Long, cầu Mỹ Thủy, cầu Băng Ky, đường ven kênh Nhiêu Lộc- Thị Nghè… Đặc biệt, TP đã khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông bằng việc đầu tư xây dựng các cầu vượt tại các nút giao như ngã tư Hàng Xanh, ngã tư Thủ Đức, vòng xoay Hoàng Văn Thụ, Hoàng Hoa Thám… Thời gian tới, Sở GTVT tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng và hoàn thành các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm phải đạt chất lượng cao, đảm bảo an toàn lao động. Trước mắt là cầu vượt vòng xoay Cây Gõ, đường Vành đai phía Đông, đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài, cầu Sài Gòn 2, xa lộ Hà Nội… Đồng thời, TP xây dựng mới cầu Bông quận 1 và quận Bình Thạnh, cầu Lê Văn Sỹ quận 3 trên đường Hoàng Sa và Trường Sa, nhằm thông đường cho xe lưu thông dưới dạ cầu và đường ven kênh.

Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ quận 4 trong ngày khánh thành và khai giảng năm học mới 2013 - 2014. Ảnh: Mai Hải

Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ quận 4 trong ngày khánh thành và khai giảng năm học mới 2013 - 2014. Ảnh: Mai Hải

QUỐC HÙNG

Tin cùng chuyên mục