Hiệu quả từ việc tổ chức lại giao thông

Hàng loạt tuyến đường, khu vực đã được ngành giao thông vận tải TPHCM tiến hành điều chỉnh giao thông và hầu hết đều từng bước có chuyển biến tốt. Từ nay đến cuối năm 2013 sẽ còn nhiều tuyến đường, khu vực khác được điều chỉnh tương tự.
Hiệu quả từ việc tổ chức lại giao thông

Hàng loạt tuyến đường, khu vực đã được ngành giao thông vận tải TPHCM tiến hành điều chỉnh giao thông và hầu hết đều từng bước có chuyển biến tốt. Từ nay đến cuối năm 2013 sẽ còn nhiều tuyến đường, khu vực khác được điều chỉnh tương tự.

        Giảm kẹt xe

Tính đến thời điểm này, Sở Giao thông Vận tải đã tiến hành điều chỉnh giao thông ở nhiều tuyến đường, khu vực. Có thể nhắc tới tam giác Nguyễn Thái Sơn - Phạm Ngũ Lão thuộc quận Gò Vấp. Trước đây, ô tô muốn từ ngã ba Chú Ía theo đường Nguyễn Thái Sơn quẹo vào Phạm Ngũ Lão để ra ngã sáu Gò Vấp thì buộc phải đi theo nhánh đường Phạm Ngũ Lão phía trên, bởi nhánh đường Phạm Ngũ Lão phía dưới -đoạn đi ngang UBND phường 3 Gò Vấp chỉ cho phép xe hai bánh lưu thông. Do quy định này, thường xuyên xảy ra tình trạng ô tô các loại nối đuôi rồng rắn, ùn ứ trên đường Nguyễn Thái Sơn để chờ đèn xanh quẹo sang Phạm Ngũ Lão. Từ khi lệnh cấm được dỡ bỏ, tức là ô tô nhỏ được phép đi chung với xe hai bánh vào nhánh Phạm Ngũ Lão, tình trạng rồng rắn ô tô đã giảm mạnh.

Giao thông tại giao lộ Hàm Nghi - Tôn Đức Thắng thông thoáng hơn sau khi phân luồng. Ảnh: PHẠM KIM NGÂN

Giao thông tại giao lộ Hàm Nghi - Tôn Đức Thắng thông thoáng hơn sau khi phân luồng. Ảnh: PHẠM KIM NGÂN

Cũng có thể nhắc đến trường hợp tổ chức phân luồng lại giao thông ở cụm khu vực Sương Nguyệt Anh - Bùi Thị Xuân, quận 1 như là một dẫn chứng điều chỉnh giao thông thành công của ngành giao thông vận tải TP. Theo sự điều chỉnh này, đường Sương Nguyệt Anh chỉ còn cho phép ô tô lưu thông một chiều, hướng từ đường Tôn Thất Tùng đến Cách Mạng Tháng Tám và đường Bùi Thị Xuân ô tô cũng lưu thông một chiều, theo hướng từ Cách Mạng Tháng Tám đến đường Tôn Thất Tùng đồng thời cấm ô tô quay đầu trên đường Cách Mạng Tháng Tám tại giao lộ Cách Mạng Tháng Tám - Bùi Thị Xuân theo hướng từ quận Tân Bình về quận 1. Sự chuyển biến giao thông bước đầu tại điểm nóng này có lẽ cũng nhờ ngành công chính cho lắp đặt bổ sung một loạt yếu tố điều độ giao thông khác như lắp đặt 153m dải phân cách thép trên đường Cách Mạng Tháng Tám, đoạn từ Nguyễn Thị Minh Khai đến đường Bùi Thị Xuân; lắp đặt biển báo tại nhiều giao lộ bao quanh đó như giao lộ Cách Mạng Tháng Tám - Sương Nguyệt Anh; giao lộ Bùi Thị Xuân - Cách Mạng Tháng Tám; Bùi Thị Xuân - Tôn Thất Tùng…

Một thành công khác có lẽ cũng nên nhắc tới là tổ chức lại giao thông ở khu vực giao lộ Hàm Nghi - Tôn Đức Thắng, quận 1. Điều bất cập lớn nhất trước đó tại khu vực giao lộ này đó là đèn tín hiệu giao thông được bố trí hoạt động với chế độ 2 pha, pha 1 cho đường Hàm Nghi và pha 2 cho đường Tôn Đức Thắng, đồng thời cấm rẽ trái từ đường Tôn Đức Thắng vào đường Hàm Nghi.

Hệ quả là khu vực này thường xuyên xảy ra tình trạng mất an toàn giao thông vì các phương tiện phải rồng rắn nối đuôi nhau dừng chờ trên dốc cầu Khánh Hội theo hướng từ quận 4 sang quận 1 trong khi các phương tiện xe hai bánh lưu thông từ cầu Khánh Hội sang phía quận 1 khi đến giao lộ này rất dễ phạm vào lỗi rẽ trái hoặc quay đầu xe tại khoảng mở dải phân cách bất chấp có biển báo cấm rẽ trái để đổ vào đường Hàm Nghi, chỉ vì một lý do: cho nhanh và tiện! Nút giao lộ này trở thành điểm nóng ùn ứ bởi vì cả đường Hàm Nghi, Tôn Đức Thắng lẫn Hồ Tùng Mậu gần đó đều đang lưu thông hai chiều với mật độ xe cộ qua lại rất cao.

Mỗi giờ, đường Tôn Đức Thắng có hơn 25.700 xe cộ lưu thông theo cả 2 hướng, con số đó trên đường Hàm Nghi là hơn 10.000 xe các loại. Sau khi khảo sát, xem xét thực tế, một loạt giải pháp đồng bộ được ngành công chính đưa ra. Thử nghiệm dùng dải phân cách bê tông dài 28m để bít khoảng mở tại giao lộ Hàm Nghi - Tôn Đức Thắng và tạm thời chuyển hệ thống đèn tín hiệu giao thông tại nút giao này sang chế độ chớp vàng cảnh báo trong thời gian thử nghiệm. Song song đó, các phương tiện lưu thông trên đường Hàm Nghi, hướng từ Hồ Tùng Mậu đến Tôn Đức Thắng muốn rẽ trái vào đường Tôn Đức Thắng sẽ đi theo lộ trình thay thế là Hàm Nghi rẽ phải qua Hồ Tùng Mậu, rẽ trái vào đường nhánh S2 rồi ra Tôn Đức Thắng. Lắp đặt đèn tín hiệu giao thông tại giao lộ Hồ Tùng Mậu - Võ Văn Kiệt và lắp biển báo “Cấm đậu xe” từ 6 giờ - 21 giờ hàng ngày trên cả hai hướng đường Hồ Tùng Mậu cho đoạn từ Hàm Nghi đến Võ Văn Kiệt.

        Điểm nóng đã bớt nóng

Kết quả thu được là tình trạng ùn tắc giao thông tại các điểm nóng đã được tổ chức lại giao thông bắt đầu thuyên giảm mạnh. Với kết quả như thế, không có gì ngạc nhiên khi Sở Giao thông Vận tải xác định từ nay đến cuối năm sẽ nghiên cứu tổ chức lại giao thông ở hàng loạt tuyến đường, giao lộ, khu vực khác trên toàn thành phố.

Ngành chức năng đang chú ý đến nút giao thông ngã sáu Gò Vấp vốn dĩ tập trung lưu lượng xe rất lớn và thường xuyên xảy ra ùn ứ giao thông trong giờ cao điểm. Hiện nay cơ quan chức năng đang thu thập số liệu giao thông cũng như phương án điều chỉnh giao thông đang được cân nhắc nhưng dự kiến sẽ thay đổi theo hướng tổ chức lưu thông một chiều trên đường Nguyễn Văn Nghi, cải tạo kích thước hình học mở rộng diện tích giao lộ và giảm bớt các giao cắt trong phạm vi nút giao lộ. Đặc biệt làm cầu vượt bằng thép kết hợp phân luồng tổ chức lại giao thông các nhánh rẽ.

Theo phác thảo, cầu vượt theo hướng đường Nguyễn Kiệm - Nguyễn Oanh là cầu dầm thép liên hợp, mặt cầu bằng bê tông cốt thép với bề rộng mặt cầu 9m và chiều dài mỗi nhánh gần 220m. Tương tự, tại điểm nóng ngã tư An Sương thuộc quận 12, chiều hướng là đầu tư xây dựng nút giao khác mức trực thông bằng hầm chui theo hướng đường Trường Chinh - Quốc lộ 22 còn trên mặt bằng tổ chức giao thông bằng đảo xuyến tự điều chỉnh.

Bản thân hầm chui sẽ có kết cấu bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực với quy mô 4 làn xe, trong đó phần hầm kín dài 110m được tách riêng thành 2 hầm theo 2 chiều lưu thông, mỗi hầm rồng 10m còn phần hầm hở dài 142,5m ở mỗi phía. Khi điều kiện cho phép triển khai giai đoạn 2, mấu chốt là mở rộng mặt bằng nút và các hướng quốc lộ 1A, quốc lộ 22, đường Trường Chinh; đồng thời xây dựng thêm 2 cầu ở sát 2 bên cầu cũ với quy mô rộng 13,25m phục vụ cho 3 làn xe trong khi dưới mặt bằng sẽ xây dựng các đường kết nối rộng 10m mỗi bên và đường gom 2 bên rộng 8m.

THIỆN NHÂN

Tin cùng chuyên mục