Hiểu rõ và hành xử đúng quy định

Vụ việc 2 phóng viên của một tờ báo tác nghiệp chiều 18-11 tại khu vực bãi giữ xe ga quốc nội sân bay Tân Sơn Nhất do Công ty cổ phần TCP quản lý đã bị nhân viên công ty này làm khó không thể coi là chuyện... nhỏ. 

Tại đây, sau khi quay phim và chụp ảnh, hai phóng viên bị giữ lại, yêu cầu xóa hình ảnh, clip và viết biên bản, vì theo nhân viên công ty thì khu vực này cấm quay phim, chụp ảnh. Tuy nhiên, nơi đây không đặt biển báo cấm quay phim, chụp ảnh.

Lâu nay, tình trạng phóng viên bị cản trở khi tác nghiệp ở những khu vực có biển cấm quay phim, chụp ảnh do tổ chức, cá nhân tự ý gắn không phải hiếm. Theo Luật sư Bùi Thanh Yến (Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), trước đây vấn đề cấm quay phim, chụp ảnh được quy định tại Pháp lệnh Bảo vệ bí mật Nhà nước, Nghị định số 33/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh, Quyết định số 160/2004 của Thủ tướng Chính phủ quy định danh mục các địa điểm cấm quay phim, chụp ảnh đối với các tổ chức, cá nhân. Hiện Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước đã được thay thế bởi Luật Bảo vệ bí mật nhà nước số 29/2018/QH14 ngày 15-11-2018, có hiệu lực từ 1-7-2020.

Theo Điều 2 Quyết định 160/2004/QĐ-TTg, khu vực, địa điểm cấm quay phim, chụp ảnh bao gồm: các công trình phòng thủ; khu vực công nghiệp quốc phòng, công an; khu quân sự, khu công an, doanh trại quân đội, doanh trại công an, sân bay quân sự, quân cảng, kho vũ khí của quân đội, công an; kho dự trữ chiến lược quốc gia; các công trình, mục tiêu đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội; khu vực biên giới (trừ các nơi được Chính phủ cho phép).

Theo quyết định này, đối với những địa điểm, khu vực cấm phải được chính quyền, cơ quan, đơn vị cắm biển “khu vực cấm”, “địa điểm cấm”. Mẫu biển “khu vực cấm”, “địa điểm cấm” do Bộ trưởng Bộ Công an quy định. Ngoài ra, Nghị định 38/2005/NĐ-CP ngày 18-3-2005 về một số biện pháp bảo đảm trật tự công cộng, quy định UBND các cấp, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm quy định khu vực bảo vệ, khu vực cấm tập trung đông người, cấm ghi âm, ghi hình, chụp ảnh và tổ chức thực hiện việc đặt các biển báo đó. Như vậy, ngoài các địa điểm bị cấm nêu trên thì người dân có quyền quay phim, chụp ảnh đối với các khu vực còn lại. 

Việc sử dụng công nghệ hình ảnh để quản lý, giám sát xã hội đang là xu thế tiến bộ trên thế giới, ở nước ta cũng đang từng bước được áp dụng rộng rãi, nhất là trong giám sát an ninh trật tự và an toàn giao thông. Mới đây, Bộ Công an đã cho phép người dân quay phim, chụp ảnh lực lượng Cảnh sát giao thông đang thi hành nhiệm vụ. Nhiều cơ quan, công sở, tổ chức, doanh nghiệp cũng đã lắp đặt hệ thống camera để giám sát hoạt động của cán bộ, công chức, nhân viên nhằm hạn chế tiêu cực và minh bạch hóa các hoạt động. Tuy nhiên, để việc quay phim, chụp ảnh phát huy mặt tích cực, bản thân mỗi người cần phải hiểu rõ và hành xử đúng. Không được tùy tiện cấm quay phim, chụp ảnh và việc quay phim, chụp ảnh phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

Tin cùng chuyên mục