Hiệu trưởng trường sư phạm nhắn nhủ thầy cô giáo tương lai: Sống tử tế, làm nghề chuyên nghiệp

Tại buổi lễ tốt nghiệp của gần 5.000 tân cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ diễn ra vào ngày 17-7, GS.TS Huỳnh Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TPHCM đã nhắn nhủ các thầy cô giáo tương lai sau khi rời ghế nhà trường: Phải sống tử tế, làm nghề chuyên nghiệp và sáng tạo không ngừng.
GS.TS Huỳnh Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TPHCM
GS.TS Huỳnh Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TPHCM

Làm người tử tế trước khi dạy học trò tử tế

Mở đầu cho "bài giảng cuối cùng" với các tân cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ trước khi rời trường, vị thuyền trưởng đặt câu hỏi cho các thầy cô giáo tương lai: Nếu không là người tử tế, liệu chúng ta có thể đào tạo hay dạy dỗ con cái, trẻ em thành người tử tế? Là những cử nhân sư phạm, mong các bạn hãy sống tử tế, tử tế với đồng nghiệp, với người thân, với cộng đồng và với chính mình trong nghề nghiệp…

"Cuộc sống buộc người ta phải dần xây đắp cho mình bản lĩnh và nhân cách. Nhân cách và bản lĩnh không thể phủ lên bằng những lớp màu vĩ đại tạm thời hay ảo diệu mà phải thể hiện đúng với bản chất, đúng với những gì ta đang có. Nên người, sống tử tế, là điều mà ai cũng cần đạt được và phụ huynh hay người lớn nào cũng muốn con mình có được. Đó chính là kiểu sống có trước, có sau, kiểu ứng xử thấu tình đạt lý, văn minh… Cuộc sống xô bồ thôi thúc không ít người sẵn sàng kiếm tiền bằng cách đổi cả danh dự và liêm sỉ, thậm chí cả sức khỏe và tính mạng của cộng đồng. Sự tử tế không phải là tài sản quý theo kiểu của để dành nếu chúng ta chọn sai khi bắt đầu. Hay sự tử tế cũng không phải là món quà tự nhiên được ban tặng một cách vô tư từ ai đó mà đó là hành trình làm người, hành trình hoàn thiện bản thân mình. Khi người ta nghĩ đến chính mình nhiều quá, sẽ dễ bàng quan. Hay sự mất dần niềm tin về cái thiện, về điều tốt làm người ta dễ bi quan, thủ thế. Tất cả dần dần đẩy sự tử tế ra xa. Khi cái tôi phình to, khi cái bản ngã lớn lấn át, người ta dễ quên rằng mình phải cố sống tử tế đúng nghĩa", GS Sơn nhắn nhủ.

Theo ông, chưa hẳn người ta sẽ là người tử tế trong mọi trường hợp nhưng người tử tế thì có thể đáng tin trong nhiều trường hợp. Khi chạy theo những giá trị thiếu cân nhắc, người ta không lường được rằng cái thiếu tử tế lại làm hại chính người thân mình hay thậm chí bản thân mình. Vì thế, bài học sống sao cho là người tử tế, cùng với người xung quanh trở thành người tử tế càng học vẫn càng thấy thiếu nhưng hay đến lạ kỳ. Người tử tế cần biết thực hiện và tuân thủ những giá trị chuẩn mực trong cuộc sống. Đó chính là kiểu định hướng lối sống, lựa chọn giá trị, ứng xử theo chuẩn mực mà ta tích lũy và chấp nhận trong cuộc sống. Ở đây, không có Đông Tây, không có mới cũ, không có xưa nay mà cốt cách làm người là điểm đến, đó là sự tử tế đích thực.

Dạy làm người tử tế cũng chính là mục tiêu và phương thức của nhà trường. Nếu dạy những người có phẩm chất trở thành người tử tế, người ta sẽ biết cách sống tử tế thì hạnh phúc nào bằng. Nhà trường và thầy cô giáo cần nhận ra cốt lõi của việc giáo dục con người sống tử tế, đó là một trong những mục đích rất quan trọng. Từng lứa tuổi, sự nâng dần những biểu hiện tử tế này có thể khác đi nhưng không thể thiếu trong mỗi lời giảng, từng sẻ chia. Để người ta không quá lạc lõng khi hướng đến sống tử tế, văn minh, cần tử tế ngay trong suy nghĩ và cả cách bày tỏ cảm xúc hay những hành vi của mình. Và tử tế kể cả với cái like hay những dòng bình luận … Nếu chúng ta sống tử tế hơn, làm cho người khác dần tử tế hơn, điều ấy là sự kiến tạo hạnh phúc đích thực dù ở bất kỳ vai nào trong cuộc sống này: cha mẹ, con cái, thầy cô giáo hay là người quản lý…

Sự tử tế của một trí thức là làm việc chuyên nghiệp

GS Huỳnh Văn Sơn cho rằng: Tử tế với một trí thức là biết tự tạo việc làm; làm việc chuyên nghiệp và biết khởi nghiệp.

"Hàng giờ, chúng ta vẫn đã và đang nhận những tờ rơi để làm CTV giáo dục, huấn luyện viên, giáo viên hay những người đồng sáng lập các tổ chức, nhóm, doanh nghiệp… nhưng đó chỉ là tạm thời. Tự tạo việc làm cần nhất là phải tự hỏi đó có phải là việc làm, nghề nghiệp hay không? Đừng cố lao theo những công việc ngôi sao mà hãy trở thành những ngôi sao trong lĩnh vực của mình dẫu là lặng thầm hay nở muộn", GS Sơn nhấn mạnh.

Hiệu trưởng trường sư phạm nhắn nhủ thầy cô giáo tương lai: Sống tử tế, làm nghề chuyên nghiệp ảnh 1 Hơn 5.000 cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ sẽ rời mái trưởng sư phạm để trở thành những thầy cô giáo tương lai. Ảnh: S.H
Chúng ta có cùng khát khao, cùng một niềm tin để bước vào hành trình hạnh phúc. Chính hành trình đến với nghề, vào đời bằng chuyên môn, nghiệp vụ vẫn là những hạnh phúc có sức hút mạnh mẽ và bền chặt. Chúng ta may mắn khi có những GS ở tuổi 65 - 70 vẫn còn yêu nghề dạy bằng cả rung động từ tâm khảm; có những GV thỉnh giảng có khoảng triệu đô vẫn đến và giúp ta vào nghề… nên không vì ta tốt nghiệp loại gì mà hãy không ngừng hoàn thiện bản thân để làm một giáo viên, người lao động chuyên nghiệp. Sự chuyên nghiệp không thể dễ dãi ngay cả với năng khiếu. Đó là thành quả của mồ hôi, nước mắt và thậm chí là đêm không ngủ để có hồ sơ bài giảng hoàn hảo nhất, kế hoạch làm việc và hành động có chất lượng. Đó cũng không phải là sự tự kiêu bởi ta đã biết, vì chuyên nghiệp là hoàn hảo từng chút một khi bắt đầu và suốt cả hành trình.

Chúng ta có thể khởi nghiệp nhưng chắc chắn không được phép khởi sự một cách thiếu chuyên nghiệp về chuyên môn và sự vô tư về đạo đức nghề nghiệp. Người ta có thể chọn cho mình nhiều điều nhưng một trong những điều đáng quý đó là cho mình một cơ hội làm nghề chuyên nghiệp. Ở tuổi 22 đến 25 với những cử nhân và thạc sĩ trẻ hôm nay có thể trải nghiệm, nhưng đừng quên rằng sự thử thách nào cũng có điểm dừng. Thử thách nhưng đừng thử thiếu lương tâm, thử sức nhưng đừng quên tự đánh giá, thử nghiệm nhưng đừng quên lòng tự trọng, thử tài nhưng đừng quên những tiếng gọi của khát khao chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp mà chúng ta từng chọn lựa…

Nếu ai đó đã từng trải nghiệm câu hỏi: Ai là người giỏi nhất trong lĩnh vực của bạn lúc 20 tuổi, 30 tuổi, 40 tuổi, 50 tuổi và hơn thế nữa… sẽ thấu hiểu nhiều hơn về việc chuyên nghiệp như một thách thức. Tuổi 20, chúng ta dễ dàng nghĩ rằng mình là số 1; nhưng 30 tuổi lại thấy chúng ta và vài người nổi bật khác là số 1; đến 40 lại chỉ là có thể thuộc nhóm dẫn đầu và 50 tuổi chợt nhận ra rằng chúng ta là người có một số ưu điểm nhưng xung quanh chúng ta có quá nhiều người chuyên nghiệp… Làm công việc gì, cũng cần trình độ nhưng quan trọng hơn còn là thái độ; làm nghề gì cũng rất cần kỹ năng nhưng quan trọng không kém là lương tâm; làm ở vị trí nào, quan trọng nhất biết mình là ai để đúng vai nhưng quan trọng hơn nữa là biết vai của người khác là gì để cùng tương tác…

Chúng ta có thể chuyên nghiệp qua kỷ luật, chuyên nghiệp qua từng kỹ năng văn bản, làm việc nhóm, giải quyết vấn đề… nhưng quan trọng nhất vẫn là chuyên nghiệp qua lời hứa và chất lượng của hành động, việc làm. Hãy sống với lời hứa của mình, hãy cẩn trọng khi hứa và nếu đã hứa thì đừng để “trôi”. Xã hội cần người chuyên nghiệp khi nghĩ, khi hứa, khi làm.

 

Tin cùng chuyên mục