
L.T.S: “Chơi chứng khoán” đang là vấn đề rất nóng trong đời sống kinh tế nước ta. Nhiều chuyên gia tài chính đã cảnh báo về “hiệu ứng bầy đàn”. Có lẽ không có nơi nào minh họa rõ hơn hiện tượng này bằng thị trường chứng khoán Mỹ.
“Hiệu ứng bầy đàn”, trong thuật ngữ kinh tế, thường dẫn đến sự phát triển bong bóng và sự sụp đổ kéo theo là điều tất yếu.
- Sự kiện 1929

Chơi chứng khoán không dành cho người yếu tim và thiếu kiến thức cơ bản về thị trường chứng khoán.
Hiện tượng sụp đổ thị trường chứng khoán (TTCK) là sự xuống giá đột biến cực nhanh trong tất cả cổ phiếu, bởi nhiều tác nhân kinh tế nhưng chủ yếu là kết quả của tình trạng phát triển bong bóng trong TTCK, tức ở một thời điểm nhất định, có quá nhiều người mua cổ phiếu theo tâm lý bầy đàn. Họ ào ạt mua chẳng cần một tính toán cụ thể nào trong phương án đầu tư mà đơn giản vì thấy nhiều người cùng đổ xô mua.
Nhắc đến lịch sử sụp đổ TTCK, người ta thường đề cập vụ 1929, sự kiện trở thành một trong những nguyên nhân dẫn đến cơn đại suy thoái toàn cầu vào thập niên 30. Ở thời điểm xảy ra sự kiện, kinh tế Mỹ đang phát triển hưng khởi. New York City trở thành thủ đô tài chính và công nghiệp, trong khi TTCK New York (NYSE) là TTCK lớn nhất thế giới. Xã hội Mỹ nói chung cũng phát triển ổn định với đối tượng trẻ bắt đầu khai sinh nền kinh tế tiêu dùng. Nhiều người có tâm lý ăn chơi xả láng hoặc làm ăn bạo tay sau giai đoạn Thế chiến thứ nhất. Đó cũng là thời hoàng kim của phát kiến kỹ thuật với máy phát thanh, xe hơi, hàng không, điện thoại, mạng cung cấp điện…
Chẳng có gì khó hiểu khi cổ phiếu của những công ty chẳng hạn Radio Corporation of America (RCA) hoặc General Motors tăng vùn vụt, tương tự cổ phiếu các công ty trong công nghiệp cao su, dầu, khí đốt, rượu... Đó là nền tảng cho cuộc đầu tư lũ lượt bất thường vào trò chơi chứng khoán. Thế là người ta vét sạch những đồng xu lẻ còn sót lại để đổ vào TTCK. Ai không có tiền thì vay hoặc cầm cố nhà cửa. Sức nóng TTCK bắt đầu chuyển sang cơn sốt hầm hập. Ngày 24-8-1921, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones (Dow Jones Industrials Average – DJIA; quen được gọi là “chỉ số Dow Jones”) ở mức 63,9 điểm.
Đến ngày 3-9-1929, DJIA tăng hơn 6 lần, đạt 381,2 điểm (DJIA không bao giờ đạt được mức điểm tương tự cho đến 25 năm sau!). Nhiệt độ quá nóng khiến NYSE “bốc cháy”. Hơn một tháng sau, ngày 24-10-1929 (ngày thứ năm đen tối) trở thành ngày đầu tiên của cơn lốc bán tống bán tháo cổ phiếu cũng như tình trạng giá cổ phiếu giảm không phanh (chỉ trong ngày 24-10, số cổ phiếu giao dịch là 12,9 triệu!), dẫn đến ngày thứ hai đen tối (28-10) rồi ngày thứ ba đen tối (29-10).
Vào ngày 28-10, DJIA giảm 38 điểm, còn 260 (giảm 12,8%). Hệt như lúc mua vơ mua vét, hiệu ứng bầy đàn cũng xảy ra khi người ta ào ạt bán tống bán tháo cổ phiếu. Không khí kinh hoàng đến mức nhiều đường dây điện thoại bị nghẽn và hệ thống điện tín không hoạt động được! Tình trạng thiếu hụt thông tin càng khiến tâm lý hoảng sợ lan nhanh.
Những kỹ thuật hiện đại đưa nước Mỹ vào kỷ nguyên hiện đại hóa từng giúp tạo ra hiện tượng đầu tư cổ phiếu cũng như được tôn vinh hết lời từ giới đầu tư chứng khoán bây giờ trở thành hiện thân của cuộc khủng hoảng. Ngày 29-10 mới thật sự là ngày đỉnh điểm hỗn loạn. Giá cổ phiếu gần như rơi tự do. Cổ phiếu RCA giảm từ 40,25 USD xuống còn 26 USD chỉ trong hai giờ giao dịch (so với 75 USD ở giai đoạn đỉnh điểm). Giá cổ phiếu Goldman Sachs Trading Corporation mở ở mức 60 USD và đóng ở mức 35 USD. Cổ phiếu First National Bank (New York) giảm từ 5.200 USD còn 1.600 USD.
Tình hình càng hỗn loạn khi người ta hoảng hốt và hoang mang với vô số “tin đồn xấu” – hệt như lúc họ nghe quá nhiều “tin đồn tốt” và chen nhau mua cổ phiếu trước đó. Trong hai ngày, chỉ số DJIA giảm 23%. Ngày 29-10, chỉ số DJIA mất 12% với 16,4 triệu cổ phiếu được giao dịch. Chỉ trong ngày kinh khủng này, NYSE mất trắng 14 tỉ USD giá trị, nâng tổng thiệt hại lên 30 tỉ USD – gấp 10 lần ngân sách hàng năm của Chính phủ liên bang và tất nhiên nhiều hơn tổng ngân sách mà Mỹ dùng trong Thế chiến thứ nhất! Trước khi bão tan, DJIA mất gần 90% giá trị!
Sự sụp đổ NYSE trong sự kiện ngày thứ ba đen tối (29-10-1929) đã dẫn đến bi kịch kinh khủng đối với nền kinh tế Mỹ và trở thành một trong những nguyên nhân kích phát cuộc đại suy thoái toàn cầu, bắt đầu từ Mỹ. Từ 1929-1933, GNP Mỹ giảm gần 33%. Cư dân nhiều thành phố Mỹ rơi vào tình trạng thảng thốt và tuyệt vọng. Các công trình xây dựng bị hoãn hoặc đình trệ khiến nhiều nhà thầu xây dựng khóc dở mếu dở. Công nghiệp thép cũng ảnh hưởng theo và công nghiệp xe hơi tại Detroit gần như tê liệt. Tình trạng nợ nần chồng chất xảy ra ở nhiều hộ dân, đặc biệt đối với các gia đình vốn chẳng giàu có gì lại vay mượn hoặc cầm cố tài sản để chơi cổ phiếu; trong khi thu nhập giảm 20-50%.
Sau vụ 1929 và trong 10 tháng đầu năm 1930, 744 ngân hàng Mỹ bị đóng cửa (tổng cộng, 9.000 ngân hàng bị phá sản trong thập niên 30). Những người gửi tiết kiệm ngân hàng mất sạch 140 tỉ USD từ tình trạng ngân hàng phá sản! Tỉ lệ thất nghiệp tại Mỹ tăng từ 14,3% năm 1937 lên 19% năm 1938… Không riêng gì Mỹ, ảnh hưởng của cơn đại suy thoái cũng lan rộng toàn cầu, đặc biệt tại châu Âu, nơi có nhiều đồng minh Mỹ trong Thế chiến thứ nhất và sau đó trở thành đối tác Mỹ trong các thương vụ đầu tư. Năm 1932, tỉ lệ thất nghiệp tại Anh lên 25%! Tại Đức, hơn 5,5 triệu người bị mất việc…
- Một số vụ sụp đổ khác
Sự kiện sụp đổ TTCK nổi bật tiếp theo là vụ năm 1987. Một lần nữa, thập niên 80 cũng có nhiều dự báo lạc quan. Từ tháng 8-1982 đến đỉnh điểm vào tháng 8-1987, DJIA tăng từ 776 lên 2.722 điểm. Chỉ số đối với 19 thị trường lớn nhất thế giới tăng trung bình 296% trong cùng thời gian. Số cổ phiếu giao dịch tại NYSE tăng từ 65 triệu lên 181 triệu. Thế rồi đột nhiên khủng hoảng xảy ra vào ngày 19-10-1987, khi NYSE bỗng sốt một cách bất thường nhưng không phải sốt mua mà là sốt bán. Trước đó, chỉ số DJIA giảm 3,81% và tiếp tục giảm 4,6% vào ngày 15-10.
Vào ngày thứ hai đen tối 19-10, DJIA giảm 508 điểm, mất 22,6% giá trị chỉ trong một ngày. Chỉ số S&P 500 giảm 20,4%; chỉ số NASDAQ Composite giảm 11,3%. Do tính kết nối với thị trường tài chính toàn cầu, cơn sốt NYSE nhanh chóng lan khắp thế giới. Chỉ số FTSE 100 (100 công ty có vốn mạnh nhất niêm yết tại TTCK Luân Đôn) mất 10,8% trong ngày 19-10 và thêm 12,2% trong ngày hôm sau. Trong suốt tháng 10-1987, tất cả TTCK lớn thế giới đều bị ảnh hưởng – nhẹ nhất là Úc với tỉ lệ giảm 11,4% và nặng nhất là Hong Kong với 45,8%.
Trong 23 quốc gia công nghiệp, chỉ số TTCK của 19 nước mất hơn 20% giá trị. Phải mất hai năm, chỉ số DJIA mới hồi phục hoàn toàn… Nguyên nhân nào khiến xảy ra sự kiện 1987 (làm nửa ngàn tỉ USD bốc hơi trong nháy mắt)? Ngoài sự cố phần mềm máy tính, nguyên nhân nữa dẫn đến vụ sụp đổ TTCK toàn cầu lại vẫn là tâm lý bầy đàn và từ một số thủ đoạn nâng giá cổ phiếu vượt mức giá trị thực, khiến người ta hồ hởi vét cạn túi đầu tư cổ phiếu và sau đó trắng tay…
Ngoài hai vụ trên, sự kiện 2000 cũng được ghi nhận như thời điểm u ám cho giới đầu tư chứng khoán thế giới. Lại như mọi lần, tâm lý hớn hở cũng phát sinh trước những thông tin liên quan phát triển kinh tế. Từ năm 1992-2000, thị trường và nền kinh tế thế giới nói chung phát triển tốt. Ngày 1-9-2000, NASDAQ được giao dịch ở 4.234,33 điểm. Thế rồi từ tháng 9 đến ngày 2-1-2001, NASDAQ giảm 45,9%. Tháng 10-2002, NASDAQ giảm còn 1.108,49 điểm – giảm 78,4% từ cột mốc kỷ lục 5.132,52 điểm (đạt được vào tháng 3-2000).
Nguyên nhân của tình trạng “cháy” NASDAQ cũng như NYSE là do nạn tham nhũng từ các tập đoàn khổng lồ. Nhiều công ty, Enron chẳng hạn, đã bốc phét thu nhập (trong khi che giấu nợ nần) để kích hoạt giá cổ phiếu. Nguyên nhân nữa – rất quen thuộc – là sự lượng sai giá trị cổ phiếu. Sau sự kiện 2000, TTCK Mỹ mất 8 ngàn tỉ USD (giá trị cổ phiếu)... Đến nay, có vô số học thuyết cũng như nghiên cứu qui mô nhằm dự báo tình trạng sụp đổ TTCK (chẳng hạn quyển Why Stock Markets Crash: Critical Events in Complex Financial Systems của Didier Sornette, nhà vật lý Đại học California-Los Angeles; dựa chủ yếu vào toán kinh tế) nhưng dường như tất cả chỉ là tài liệu mang tính tham khảo hơn là thực tiễn.
Ở bối cảnh kết nối toàn cầu như hiện nay, hành xử của một thị trường hoặc khu vực có thể biến thành cuộc khủng hoảng tài chính diện rộng, chẳng hạn sự kiện ngày 27-2-2007, khi sự rúng động TTCK Trung Quốc trở thành một trong những nguyên nhân chính khiến TTCK toàn cầu bị ảnh hưởng. Quan trọng hơn, đầu tư (hoặc đầu cơ) chứng khoán luôn là thể hiện của tâm lý bầy đàn (điều này từng được chứng minh trong môn kinh tế học hành vi, thí dụ nghiên cứu của Daniel Kahneman, người từng đoạt Nobel Kinh tế 2002) mà tâm lý là hiện tượng chẳng bao giờ có thể dễ dàng để được dự báo.
MẠNH KIM