Trước sự việc 3 cây sưa bị đốn hạ tại phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng (Quảng Bình), phóng viên Báo SGGP đã có cuộc phỏng vấn ông Lưu Minh Thành, Giám đốc Ban quản lý di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng. Đây là lần đầu tiên ông Thành lên tiếng với báo giới, sau vụ lâm tặc triệt hạ 3 cây sưa, trên quan điểm bảo tồn và hệ lụy về đa dạng sinh học bị tổn thất cũng như xử lý thông tin dư luận cho rằng có sự “bắt tay” giữa kiểm lâm với lâm tặc.
Ông LƯU MINH THÀNH: Rừng trên núi đá vôi ở Vườn quốc gia (VQG) Phong Nha - Kẻ Bàng là hệ sinh thái rừng mong manh dễ bị tổn hại, khá giàu về thành phần loài và tương đối bền vững về cấu trúc, do đó việc 3 cây sưa bị chặt tại một địa điểm trên diện tích hẹp sẽ ảnh hưởng không đáng kể đến hệ sinh thái rừng ở đây, hơn nữa tuy 3 cây nhưng trong đó 1 cây đã chết nên tác động là không lớn. Tuy nhiên, đứng trên quan điểm bảo tồn loài, sưa là loài thực vật quý hiếm (Nghị định 32/2006/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm). Do vậy sự mất đi một số cá thể này đã làm suy giảm khả năng phục hồi, phát triển quần thể loài này ngoài tự nhiên.
- Tỉnh ủy tỉnh Quảng Bình có ý kiến chỉ đạo cần làm rõ hành vi của một số kiểm lâm “bắt tay” với lâm tặc, vậy lãnh đạo VQG sẽ làm gì để trong sạch hóa bộ máy kiểm lâm ở đây?
Nói một số kiểm lâm “bắt tay” với lâm tặc trong vụ việc này hiện là thông tin trong dư luận. Tuy nhiên cũng không loại trừ khả năng có sự móc ngoặc, tiếp tay trong thi hành công vụ, hoặc thiếu trách nhiệm trong tuần tra bảo vệ rừng của một số nhân viên kiểm lâm. Quan điểm của Ban quản lý VQG Phong Nha - Kẻ Bàng là kiên quyết loại bỏ những cá nhân nếu có hành vi tiếp tay cho lâm tặc. Trước mắt, những cá nhân có liên quan theo phản ánh của báo chí sẽ phải tường trình sự việc, đồng thời Ban quản lý VQG sẽ tiến hành xác minh làm rõ hành vi để có hình thức xử lý, vi phạm mức độ nào thì xử lý tương ứng, đảm bảo tuân thủ nghiêm túc quy định của nhà nước.
- Như ông đã nói, sưa là loài quý hiếm, vậy các phòng ban khoa học của vườn có những đánh giá nào về cây sưa trong rừng Phong Nha như mật độ, tình trạng tự nhiên của chúng?
Sưa là loài cây gỗ lớn có vùng phân bố tương đối rộng, riêng tại VQG Phong Nha – Kẻ Bàng, các cuộc điều tra khảo sát về đa dạng sinh học chỉ mới ghi nhận sự có mặt của loài cây này mà chưa có nghiên cứu nào về phân bố, mật độ cũng như trữ lượng của chúng. Từ những năm đầu của thập kỷ trước, gỗ sưa đã có giá trị thương mại rất cao nên những cây lớn đã bị khai thác trái phép cạn kiệt ngoài tự nhiên trước khi VQG Phong Nha - Kẻ Bàng được thành lập. Trước thực trạng đó, năm 2003, Trung tâm nghiên cứu khoa học và cứu hộ thuộc VQG đã bắt đầu tiến hành nghiên cứu nhân giống loài cây này và đã cung cấp được hàng ngàn cây giống cho các hộ gia đình gây trồng thành công tại một số xã vùng đệm. Đến năm 2007, sưa đã được đưa trở lại trồng phân tán và tập trung ở rừng tự nhiên tại Phân khu Dịch vụ hành chính của vườn. Ngoài loài sưa, rất nhiều loài thực vật quý hiếm khác ngoài tự nhiên của VQG vẫn chưa được điều tra đánh giá cụ thể. Tuy nhiên, sau vụ việc này, chúng tôi sẽ ưu tiên đề xuất và xây dựng dự án riêng biệt để bảo tồn, phục hồi và phát triển loài thực vật quý hiếm có giá trị này tại VQG Phong Nha - Kẻ Bàng.
- Ông đặt ra năng lực kiểm lâm chỉ đáp ứng 50% nhu cầu bảo vệ rừng, vì vậy các nghi vấn đến kiểm lâm tiếp tay lâm tặc trong vụ chặt phá 3 cây gỗ sưa này gây ra tổn hại nào cho di sản?
VQG Phong Nha - Kẻ Bàng có diện tích lớn nhất trong các khu rừng đặc dụng của Việt Nam, hơn 125.000ha (bao gồm cả khu vực mở rộng thêm 31.070 ha), có địa hình núi đá vôi lớn nhất, khó đi lại và tiếp cận; điều kiện kinh tế, xã hội của nhân dân vùng đệm còn thấp kém, tập quán sinh sống phụ thuộc vào rừng. Với 126 biên chế kiểm lâm của VQG là chưa đủ số lượng để giữ rừng (mới chỉ đáp ứng 50% biên chế theo quy định mới tại Nghị định 117-CP), đó là chưa nói đến chất lượng (năng lực, trình độ, sức khỏe, nhận thức...) của một số kiểm lâm viên chưa đáp ứng được yêu cầu công việc. Mặt khác, việc trang bị phương tiện, công cụ hỗ trợ và quyền thực thi luật cho lực lượng kiểm lâm của VQG còn rất hạn chế nên ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả công tác quản lý bảo vệ rừng thời gian qua.
Mặc dù những nghi vấn kiểm lâm tiếp tay lâm tặc cho đến thời điểm này vẫn đang tiếp tục được làm rõ. Tuy nhiên những thông tin, dư luận này đã gián tiếp ảnh hưởng hiệu quả quản lý Di sản thiên nhiên thế giới VQG Phong Nha - Kẻ Bàng cả trước mắt và lâu dài. Thời gian qua, dư luận đặt nhiều câu hỏi về vấn đề này đã gây nên nhiều bức xúc trong nhân dân, đặc biệt đã làm giảm lòng tin của quần chúng nhân dân đối với lực lượng kiểm lâm cũng như làm giảm sự tin cậy của Đảng, Nhà nước đối với hệ thống bộ máy quản lý Di sản thế giới VQG Phong Nha - Kẻ Bàng. Điều quan trọng hơn là hình ảnh của Di sản thế giới VQG Phong Nha - Kẻ Bàng bị tổn hại đặc biệt trong lúc BQL VQG đang nỗ lực xây dựng và chuẩn bị trình hồ sơ lên UNESCO về tiêu chí đa dạng sinh học. Trước mắt, để điều tra làm rõ có hay không các kiểm lâm viên “bắt tay” lâm tặc, chúng tôi đã tạm đình chỉ công tác 2 hạt phó kiểm lâm, điều chuyển hai trạm trưởng rời khỏi nơi nhạy cảm.
- Từ thực tế lâm tặc đốn hạ sưa trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt như chốn không người, phía VQG có đối sách nào cho việc bảo vệ lâu dài rừng di sản, thưa ông?
Để bảo vệ lâu dài rừng của VQG Phong Nha - Kẻ Bàng cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Về mặt kỹ thuật, cần có các cuộc điều tra, đánh giá và giám sát diễn biến của các nguồn tài nguyên rừng để làm cơ sở cho việc hoạch định các chiến lược quản lý, bảo vệ đối với từng đối tượng cụ thể. Đồng thời cần nghiên cứu nhân giống và gây trồng trở lại một số loài quý hiếm đã suy giảm số lượng, trong đó có sưa. Đây là việc cần đầu tư lớn nhưng nhất thiết phải làm. Về mặt xã hội, song song với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động người dân tham gia bảo vệ rừng là tăng cường thực thi pháp luật về bảo vệ rừng, nâng cao chất lượng và làm trong sạch lực lượng kiểm lâm. Tăng cường phối hợp chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng trong thực hiện nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng. Đẩy mạnh phát triển sinh kế cho cộng đồng, thực hiện tốt việc chia sẻ lợi ích, gắn trách nhiệm bảo vệ rừng với các lợi ích về kinh tế, xã hội và môi trường cho cộng đồng địa phương mới mong giữ được rừng.
- Xin cảm ơn ông!
Minh Phong (thực hiện)