
Một trong những cái mới của “nước Pháp mới” của tân Tổng thống Nicolas Sarkozy ít được đề cập là chương trình nâng cấp Quân đoàn lê dương Pháp (French Foreign Legion-FFL). Đây là đạo quân có thể được xem là kỳ lạ nhất lịch sử quân đội thế giới hiện đại. Gần như ai ở bất kỳ quốc gia nào cũng có thể đăng ký trở thành lính tình nguyện của FFL. Quân đoàn này hiện gồm nhiều quốc tịch chẳng thua gì lực lượng Mũ nồi xanh LHQ với thành phần quân ngũ thuộc 136 quốc gia.
- Quân đoàn lê dương thời hiện đại

Quân phục truyền thống của Quân đoàn lê dương Pháp.
Theo phóng sự của Molly Moore (Washington Post 20-5-2007), FFL hiện là quân đội tổ chức tuyển mộ mạnh nhất thế giới thông qua Internet. Lính FFL có thể bảo vệ hệ thống đường cống tại Nice (Pháp) hoặc cưỡi lưng lạc đà khi làm nhiệm vụ tại sa mạc châu Phi. Thời kỹ thuật hiện đại, lính FFL không chỉ rành sử dụng súng trường tự động Famas mà còn biết tận dụng tối đa kỹ thuật vi tính trong quân sự.
“Quân đoàn lê dương mới phải phản ánh hiện thực theo xu hướng quốc tế” - phát biểu của trung tướng Louis Pichot de Champfleury, 52 tuổi, chỉ huy trưởng lực lượng gồm 7.655 quân. Laye Sylla có thể được xem là hình ảnh tượng trưng của một FFL thời nâng cấp. Khỏng kheo, anh lính 26 tuổi này sinh tại Senegal, di cư đến Pháp để tìm lối thoát bằng con đường học vấn. Sau khi tốt nghiệp tin học, Laye Sylla gửi 400 hồ sơ xin việc nhưng chưa lần nào được hồi âm. Thế là Laye Sylla xin vào FFL, chủ yếu để “mưu sinh” với mức lương 1.418 USD/tháng.
Trong thực tế, 80% tân binh FFL đều thuộc thành phần thất nghiệp hoặc bức xúc tài chính. 20% còn lại gia nhập FFL do bị cuốn hút bởi hình ảnh lãng mạn đầy phong trần từng được phóng đại trong nhiều tiểu thuyết và phim ảnh về lịch sử FFL. Gandolf Samual, 21 tuổi, dân Canada, từng kiếm sống bằng nghề trồng cây bán thời gian và công nhân khoan dầu thời vụ, đã gia nhập FFL bởi chán cảnh sống nhàm tẻ.
Tân binh FFL phải ký hợp đồng 5 năm (vô điều kiện) và phải thay tên đổi họ. Đối tượng tân binh sinh tại Pháp (hiện chiếm 18%) phải giao nộp thông hành và được trao hồ sơ lý lịch mới với địa chỉ cư trú tại những nước nói tiếng Pháp. Trong khi đó, người nước ngoài gia nhập FFL sẽ không được cấp thông hành Pháp trừ khi họ bị thương khi làm nhiệm vụ hoặc tại ngũ FFL từ ba năm trở lên. |
Trong một lớp tại nông trại Bel-Air – một trong bốn trung tâm huấn luyện FFL ở Castelnaudary (Pháp), người ta thấy vô số tự điển nằm la liệt trên bàn học gồm nào là: từ điển Pháp-Hoa, từ điển Pháp-Hàn, từ điển Pháp-Nhật, từ điển Pháp-Tây Ban Nha, từ điển Pháp-Romania... Chỉ riêng tại lớp này, thành phần tân binh đã gồm đến 21 quốc tịch. Những ngày đầu tiên, giao tiếp là nỗi khổ của tân binh FFL, như lời kể của Gandolf Samual, người phải sử dụng ngôn ngữ “tay chân” trong vài tuần đầu tiên với các bạn từ Nepal, Iraq, Romania, Ukraine…
Sau bốn tháng, tân binh phải học 400-600 từ tiếng Pháp – đủ để làm hành trang ra trận, giao tiếp trong doanh trại hoặc trò chuyện quanh bàn ăn! Tiếng Pháp, như được nhấn mạnh từ các sĩ quan chỉ huy, sẽ kết nối binh lính FFL với nhau như một gia đình, cùng phục vụ dưới lá cờ tam tài. Tướng Louis Pichot de Champfleury, tốt nghiệp Học viện quân sự Saint-Cyr, được bổ nhiệm chỉ huy FFL từ tháng 7-2006.
Trong văn phòng Champfleury tại tổng hành dinh ở Aubagne, người ta thấy có khẩu súng kỷ niệm của tướng Mỹ Norman Schwarzkopf đặt trong tủ kính. Lính FFL từng nằm dưới sự chỉ huy Schwarzkopf trong cuộc chiến Vùng Vịnh 1991. Sau cuộc chiến này, Schwarzkopf được “phong” làm binh nhì danh dự và được tặng vài thùng rượu nho hảo hạng lấy từ vườn nho riêng của FFL tại Provence.
Hiện lính FFL cùng làm việc với cảnh sát và quân đội Pháp, tuần hành nhà ga xe lửa, phi trường và một số địa điểm trọng yếu, trong cuộc chiến phòng chống khủng bố. Trước cuộc họp NATO tại thành phố biển Nice năm 2004, lính FFL được phái đến dò ống cống để đảm bảo công tác an ninh. Lính FFL hiện cũng có mặt tại Afghanistan, Chad, Bờ Biển Ngà (cùng quân đội chính quy Pháp) cũng như nhiều nước khác. Họ từng được phái trợ giúp quân đội Mỹ tại Somalia năm 1992 và có mặt cùng lực lượng Mũ nồi xanh LHQ tại Kosovo, Rwanda và Campuchia; chưa kể khu vực Nam Á sau trận sóng thần tháng 12-2004.
Khi (cựu) Tổng thống Pháp Jacques Chirac tình nguyện đưa quân Pháp giúp Lebanon tái thiết vào hè 2006 sau cuộc chiến Israel-Hezbollah, kỹ sư công binh FFL là những người đầu tiên đến nước này để xây cầu. Trong suốt chiều dài lịch sử, tổng cộng 35.000 lính FFL đã thiệt mạng.
- Lãng mạn đời lính đánh thuê
Thành lập năm 1831 gồm những người tình nguyện nước ngoài (do người quốc tịch nước ngoài không được phép gia nhập quân đội chính quy Pháp sau cuộc Cách mạng tháng 7-1830), theo yêu cầu Vua Pháp Louis Philippe.
Thế kỷ 19, FFL từng trở thành lực lượng đánh thuê giúp Tây Ban Nha và Ý. Trong cuộc chiến vào tháng 4-1863 tại Mexico, FFL bắt đầu trở thành huyền thoại khi một toán quân gồm 62 lính, ba sĩ quan, dưới chỉ huy của đại úy Danjou đã bị hơn 1.000 lính Mexico tấn công, buộc phải cố thủ tại Hacienda Camarón. Bị dồn vào đường cùng, lính FFL vẫn lì lợm chiến đấu. Khi chỉ còn ba người sống sót và chẳng còn viên đạn nào, họ tiếp tục gắn lưỡi lê và xung phong lao thẳng vào đối phương. Cảm phục, viên tướng Mexico đã phái đoàn kỵ binh danh dự đưa thi hài đại úy Danjou về doanh trại FFL.
Thời Đệ Tam Cộng hòa Pháp, FFL đóng vai trò quan trọng trong chiến dịch xâm chiếm thuộc địa. Tiếp đó, họ có mặt trong Thế chiến thứ nhất, Thế chiến thứ hai rồi tại Đông Dương, nơi sau đó họ bị nghiền nát tại Điện Biên Phủ.
Quyển sách gần đây nhất liên quan đề tài lê dương là A Cry From Indochina của tác giả Nathan Toms, một tiểu thuyết với bối cảnh Đông Dương và Việt Nam giai đoạn 1954 (phát hành hạ tuần tháng 5-2007). Tiểu thuyết viết về một anh lê dương người Anh khi được phái sang Việt Nam đã nhận ra sự vô lý của cuộc chiến. Trong thời gian ở đất nước này, anh yêu một cô gái Việt... |
Đạo quân này luôn duy trì hình ảnh lãng mạn bí ẩn thậm chí quyến rũ so với tất cả quân đội chính quy thế giới. Đa số lính FFL là thành phần độc thân (từ 17-40 tuổi, theo quy định). Tại trang web quảng cáo tuyển mộ tân binh, FFL được giới thiệu như là một “trường học mang lại cơ hội thứ hai” cho nam giới, cho bất cứ ai “muốn tìm một cuộc sống mới”. Như hầu hết quân đội chính quy khác, FFL cũng được chuyên biệt hóa, từ bắn tỉa, công binh đến nấu ăn. Tuy nhiên, dù ở bộ phận chuyên biệt nào, tất cả lính FFL phải sử dụng thành thục vũ khí và sẵn sàng lên đường ra chiến trường. Và tất nhiên họ phải biết… ủi chiếc sơmi có tổng cộng 13 nếp gấp – một “kỳ tích” có thể khiến những người mới vào mất đến 3-4g mới làm xong. Có một chi tiết “đặc biệt” nữa: FFL thời hiện đại không còn tuyển nhận đối tượng có tiền án hình sự như nhiều thập niên trước, trừ vài hành vi nhỏ như trộm gà!
Trước và trong Thế chiến thứ hai, nhiều người Do Thái từ Đông Âu đã gia nhập FFL. Sau khi Đệ Tam đế chế Đức sụp đổ, nhiều người Đức cũng tham gia hàng ngũ FFL. Giữa thập niên 80, FFL có thêm dân Serbia và Anh (trong đó có nhiều binh lính quân đội Anh bỏ sang FFL để được hưởng lương cao).
Như trong suốt chiều dài lịch sử, FFL gồm đa số thành phần bất cần đời. Do đó, lính lê dương cũng gắn liền với hình ảnh những thanh niên dày dạn, gan lì, liều mạng, cá tính mạnh mẽ. Bởi yếu tố đó, FFL từng được lãng mạn hóa trong âm nhạc, sách vở - từ tiểu thuyết đến hồi ký... Tất nhiên điện ảnh không quên khai thác đề tài Quân đoàn lê dương. Vài trong số bộ phim lê dương nổi tiếng là March or Die (1978) với diễn viên Gene Hackman; Legionnaire (1998) với diễn viên Jean-Claude Van Damme; Savior (1998) với Dennis Quaid...
Lê Thảo Chi