Với địa hình ngắn và dốc, để điều tiết nước, các địa phương miền Trung không còn cách nào khác là xây dựng các hồ đập theo hệ thống bậc thang. Những năm qua, các hồ đập này đã phát huy tác dụng tích cực đảm bảo nước tưới sản xuất và sinh hoạt cho người dân. Tuy nhiên, do xây dựng quá lâu, nhiều hồ đập đang phải gồng mình đi qua những trận mưa bão mà không biết vỡ lúc nào.
Lo lắng ở đập Việt Yên
Công trình cống đập Việt Yên với chức năng ngăn mặn giữ ngọt trên sông Vĩnh Định, cung cấp nước tưới cho 6.000ha lúa, hoa màu và nuôi trồng thủy sản các xã phía Bắc huyện Triệu Phong và một số xã phía Đông huyện Hải Lăng (tỉnh Quảng Trị) đang bị hư hỏng nặng. Đập được đầu tư xây dựng gần 20 tỷ đồng gồm 13 cánh cửa cống với 12 cửa van đóng mở tự động và một cửa thông thuyền theo hình thức cửa phẳng kết cấu bằng thép.
“Hiện tại hầu hết các cửa cống này đã bị nước mặn ăn mòn, các cánh cửa cống số 1, 3, 4, 5 đã bị gãy chốt, mỗi lần đóng, mở phải thuê thợ lặn sâu xuống đóng phần dưới đáy. Bình thường không sao, gặp mùa lũ nước chảy xiết, có khi cuốn cả người vào cống” - ông Nguyễn Văn Bài, Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Trị cho biết.
Trong số những công trình hồ chứa, đập dâng, hệ thống tràn xã lũ ở tỉnh Hà Tĩnh đang bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng và có nguy cơ mất an toàn cao trong mùa mưa bão thì hồ chứa nước Bộc Nguyên được liệt vào tốp đầu cần phải được quan tâm đặc biệt, khẩn trương lập dự án, sửa chữa, nâng cấp để bảo đảm an toàn cho công trình và cuộc sống của hàng trăm ngàn hộ dân ở vùng hạ du.
Hồ chứa nước Bộc Nguyên được xây dựng từ năm 1963 và hoàn thành đưa vào sử dụng năm 1965, với diện tích lưu vực 32km², năng lực thiết kế 4.100ha, dung tích nước 24 triệu m³, phục vụ nông nghiệp, nước sinh hoạt, an ninh quốc phòng cho địa bàn TP Hà Tĩnh, thị trấn Thạch Hà và các vùng phụ cận. Mặc dù đã có một số dự án do Australia tài trợ triển khai xây dựng, nâng cấp, sửa chữa nhưng do đầu tư nhỏ giọt, bị gián đoạn nhiều năm liền nên đã xuất hiện tình trạng xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng càng khiến nguy cơ mất an toàn khi mùa mưa lũ kéo về rất cao. Nước trong hồ thẩm thấu qua thân đập chảy ra ngoài kéo dài hơn 300m, tạo thành nhiều vũng nước tù đọng.
Bên cạnh đó, ở đoạn giữa thân đập phía hạ lưu có trụ điện đường dây cao thế Bắc - Nam 500kV nằm đè lên làm cho mái đập của hồ bị kéo sệ xuống. Chưa hết còn xuất hiện nước từ trong lòng chân trụ điện thẩm thấu ra ngoài khiến tình trạng xói lở quanh thân đập phạm vi khá rộng…
Tại Quảng Ngãi, trong tổng số 115 hồ chứa nước, có khoảng 60 hồ đang xuống cấp, 30 hồ xuống cấp nghiêm trọng do xói lở đường tràn xả lũ, sụt lún bể tiêu năng, nứt gãy và rò rỉ cống lấy nước, thấm qua thân đập, sạt mái thượng hạ lưu đập đất, bồi lắng lòng hồ...
Huyện Sơn Tịnh có 5 hồ bị hư hỏng xuống cấp nghiêm trọng, sạt lở ở thôn Cù Và, thôn Đông Hòa (xã Tịnh Giang), thôn Phú Vinh - Tập Long (xã Tịnh Thiện). Ông Nguyễn Tấn Công, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Sơn Tịnh, cho biết: Chính quyền địa phương đã có giải pháp tích cực để tăng cường hơn nữa trong công tác chỉ đạo, quản lý, khai thác các công trình thủy lợi trên địa bàn. Tuy nhiên, ngân sách hàng năm của huyện cũng còn nhiều hạn chế.
Chờ kinh phí
Theo ông Nguyễn Văn Bài, Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Trị, để cống đập Việt Yên hoạt động trở lại theo thiết kế ban đầu, phải thay thế 13 cánh cửa cống cũ hư hỏng bằng hợp kim chống gỉ, ăn mòn khi tiếp xúc với nước mặn. Tuy nhiên, phương án này cần hơn 10 tỷ đồng nhưng chưa có kinh phí. Trước mắt, địa phương đang sử dụng ván chèn cửa cống cũ để giữ ngọt và ngăn mặn, đảm bảo nước tưới cho 6.000ha lúa, hoa màu và nuôi trồng thủy sản. Về lâu dài, công trình cống đập Việt Yên cần được thay thế kịp thời tránh ảnh hưởng tới vựa lúa lớn nhất tỉnh Quảng Trị.
Việt Yên chỉ là một trong những hồ xuống cấp, bởi theo Chi cục Thủy lợi và PCLB các tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế, khoảng 40% trong số gần 1.000 công trình thủy lợi lớn nhỏ trên địa bàn 2 tỉnh có nguy cơ vỡ trong mùa mưa bão năm nay do tuổi thọ quá cao, lại thường xuyên chịu tác động mưa lũ nên càng nhanh bị hư hỏng và xuống cấp, dù hàng chục tỷ đồng đã được đổ vào đây để duy tu, sửa chữa. Riêng tại Thừa Thiên - Huế có khoảng 240km đê có tác dụng ngăn mặn cho khoảng 18.000ha lúa, chống lũ sớm cho khoảng 14.000ha lúa và bảo vệ cuộc sống cho hơn 30 vạn dân dọc phá Tam Giang trong mùa mưa bão đều đã xuống cấp nghiêm trọng.
Trước tình hình xuống cấp của hồ chứa nước Bộc Nguyên, giữa tháng 7-2010, ông Trần Minh Kỳ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Tĩnh cùng lãnh đạo một số sở, ban ngành cấp tỉnh đã trực tiếp đến kiểm tra, khảo sát và sau đó UBND tỉnh Hà Tĩnh tổ chức cuộc họp khẩn đề nghị lập dự án khẩn cấp nâng cấp cải tạo hồ Bộc Nguyên vừa nhằm để đối phó với nguy cơ vỡ đập, đảm bảo an toàn hồ chứa và vùng hạ du, vừa tăng dung tích trữ để sử dụng nguồn nước của lưu vực phục vụ đa mục tiêu.
Ông Đào Văn Dũng, Trưởng BQL Dự án đầu tư xây dựng thủy lợi Kẻ Gỗ (thuộc Công ty TNHH MTV Thủy lợi Kẻ Gỗ) cho biết, năm 2011 Chính phủ cũng đã trích 183 tỷ đồng hỗ trợ cho Hà Tĩnh triển khai dự án tu sửa công trình. Tuy nhiên, đến nay do mới chuyển về 50 tỷ đồng nên chỉ xử lý thấm khoan phụt thân đập, xây dựng cống lấy nước qua đập phụ 2. Hiện công trình tạm ngưng để chờ vốn.
Tại tỉnh Quảng Ngãi, tình hình các hồ đập xuống cấp cũng được Bộ NN-PTNT nắm rõ nên đã yêu cầu tỉnh Quảng Ngãi chỉ đạo Sở NN-PTNT khẩn trương kiểm tra, rà soát hiện trạng toàn bộ các hạng mục công trình các hồ chứa nước, các điểm sạt lở, đánh giá phân loại các sự cố, hư hỏng để có hướng khắc phục, sửa chữa, nâng cấp đối với các hạng mục mất an toàn, bảo đảm công trình phát huy tác dụng, đáp ứng năng lực tưới, đủ năng lực phòng chống lũ trong mùa mưa bão 2012.
HÀ MINH-VĂN THẮNG-DƯƠNG QUANG