Hỗ trợ doanh nghiệp tốt nhất là cải thiện thực sự môi trường kinh doanh

Hỗ trợ doanh nghiệp tốt nhất là cải thiện thực sự môi trường kinh doanh

Năm 2015 sắp kết thúc với những sự kiện quan trọng: hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC); Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - châu Âu (EVFTA) đã hoàn tất đàm phán, chuẩn bị ký kết vào đầu năm 2016. Phóng viên Báo SGGP đã trao đổi với ông Phạm Bình An (ảnh), Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ hội nhập WTO TPHCM về tiến trình hội nhập, tự do hóa thương mại sắp diễn ra.

Hỗ trợ doanh nghiệp tốt nhất là cải thiện thực sự môi trường kinh doanh ảnh 1

* Việt Nam đã tham gia bao nhiêu Hiệp định thương mại tự do (FTA)? Vì sao EVFTA và TPP được xem là “FTA thế hệ mới” thưa ông?

* Ông PHẠM BÌNH AN: Đến thời điểm này, Việt Nam đã hoàn tất đàm phán 12 FTA song phương và đa phương, trong đó có 8 FTA đã có hiệu lực và đang thực thi. Cụ thể, Hiệp định Thương mại tự do ASEAN (AFTA, ký kết năm 1996) và 5 FTA giữa ASEAN với các đối tác (còn gọi là ASEAN+), gồm FTA giữa ASEAN và Trung Quốc (ACFTA 2004), FTA giữa ASEAN và Hàn Quốc (AKFTA 2006), FTA giữa ASEAN và Nhật Bản (AJFTA 2008), FTA giữa ASEAN và Ấn Độ (AIFTA 2010) và FTA giữa ASEAN và Australia - New Zealand (AANZFTA 2010); 2 FTA song phương gồm Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA 2009) và Hiệp định Thương mại tự do song phương Việt Nam - Chile (VCFTA 2012).

Các hiệp định đã ký kết nhưng chưa có hiệu lực là FTA Việt Nam - Hàn Quốc (ký kết ngày 5-5-2015) và FTA Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á Âu (ký ngày 29-5-2015); FTA Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA, mới được ký kết ngày 2-12-2015) và Hiệp định TPP (hoàn tất đàm phán ngày 5-10-2015).

FTA Việt Nam - EU, đặc biệt là TPP, sẽ tác động sâu rộng và toàn diện đến kinh tế thương mại và các vấn đề thể chế của Việt Nam, chứ không dừng lại ở việc cắt giảm hoặc ưu đãi về thuế quan như các FTA trước đó. Các nội dung chính của hai hiệp định đề cập đến nhiều vấn đề nhạy cảm như mở cửa thị trường hàng hóa; thương mại dịch vụ, đầu tư; về mua sắm của Chính phủ; về DN nhà nước; sở hữu trí tuệ; về lao động; phát triển bền vững; các vấn đề về thể chế và thực thi… Trong khi đó, hầu hết các FTA thế hệ đầu chỉ tập trung chủ yếu vào thương mại hàng hóa với mục tiêu loại bỏ các hàng rào phi thuế quan. Chính sự khác biệt nêu trên nên EVFTA và TPP được xem là “FTA thế hệ mới”.

* Tham gia AEC, đâu là thuận lợi và khó khăn cho Việt Nam?

* Việt Nam tham gia AFTA năm 1995, 20 năm sau lại tham gia AEC. Có thể nhìn thấy một thị trường đơn nhất với thuế quan và phi thuế quan đang dỡ bỏ sẽ đem đến thị trường lớn gấp 7 lần (630 triệu dân, chứ không chỉ 90 triệu). Đầu tư trong khu vực trở nên hấp dẫn hơn, đồng vốn tự do sẽ chuyển dịch đến nơi có hiệu quả, tạo điều kiện cho sản xuất phát triển và kéo theo cơ hội việc làm. AEC còn tạo cơ hội cho các quốc gia chậm phát triển hơn và các DN nhỏ và vừa. Song song đó, cạnh tranh sẽ tăng lên và ngày càng khốc liệt, cả về hàng hóa và lao động có tay nghề. Một thách thức khác là ngay cả trong ASEAN, Việt Nam cũng thuộc nhóm chậm phát triển (nhóm CVLM hay ASEAN-4), với các chỉ số về môi trường kinh doanh hay năng lực cạnh tranh quốc gia ở mức thấp và ít được cải thiện.

* Ông có thể phân tích kỹ hơn ở góc độ cạnh tranh của DN, của hàng hóa Việt Nam trong bối cảnh chung?

* Về hàng hóa, lưu ý là nhiều sản phẩm của Việt Nam tương đồng với sản phẩm trong khu vực, nhưng sức cạnh tranh lại có phần yếu hơn. Tự do về lưu thông hàng hóa trong khu vực dẫn đến báo động ngay tại thị trường nội địa. Sự tinh xảo, tính sáng tạo, phù hợp hay dẫn dắt thị hiếu khách hàng, giá cả hay mức độ phong phú của hàng hóa, dịch vụ từ DN Việt Nam đều cần phải cải thiện khi khách hàng đang có nhiều lựa chọn. Tất cả các yếu tố trên đòi hỏi tính chuyên nghiệp trong kinh doanh, bề dày trong kinh nghiệm thương trường và tầm nhìn dài hạn… Rất tiếc, còn khoảng 93% DN Việt là vừa và nhỏ, nhưng chủ yếu là “nhỏ và yếu” chứ không phải là “nhỏ và tinh”. Sự liên kết hợp tác giữa các DN lại rất lỏng lẻo, càng làm cho sức cạnh tranh không được cải thiện. Điều này cho thấy DN Việt có quá nhiều việc phải làm trong môi trường cạnh tranh mở rộng như hiện nay.

* Cụ thể là làm những gì, thưa ông?

* Trước hết, anh phải có thông tin, xem mình đang ở đâu, cạnh tranh với ai, mình được hỗ trợ gì; sau đó phải suy nghĩ tầm nhìn dài hạn, bên cạnh các việc phải giải quyết trước mắt để tồn tại. Tiếp theo cần biết các chuẩn mực trong kinh doanh và tuân thủ các chuẩn mực này, vì kinh doanh thực sự là một nghề chuyên nghiệp và xu hướng hội nhập kinh tế hiện nay buộc các DN tuân thủ các chuẩn mực chung (về lao động, môi trường, tài chính, quản trị…). Làm tốt các việc này chính là sẵn sàng cho hội nhập.

* Qua nghiên cứu, theo ông, có khoảng bao nhiêu DN Việt quan tâm và hiểu biết về AEC?

* Rất tiếc, hầu hết các DN nhỏ và vừa không quan tâm nhiều đến hội nhập kinh tế. Nhiều DN cho rằng hội nhập chỉ quan trọng đối với DN xuất khẩu, còn DN nhỏ chỉ lo sản xuất và bán hàng nội địa. Đây là sai lầm, vì Việt Nam đã hội nhập khá sâu, sẽ không còn phân biệt thị trường nội địa và thị trường khu vực, những mặt hàng, dịch vụ tương tự của các DN trong khu vực với giá cả và chất lượng tốt hơn, theo chân các nhà phân phối, sẽ bày bán ngay cạnh các sản phẩm trong nước. Lúc bấy giờ mới nhận ra tại sao hàng mình mãi không bán được thì đã quá muộn.

Một số khảo sát cho thấy, năm 2013, có 76% DN Việt không biết về AEC và 94% không biết về biểu đánh giá thực hiện AEC (AEC Scorecard), 63% DN cho rằng AEC không hoặc ảnh hưởng rất ít đến việc kinh doanh của mình. Tỷ lệ DN “thờ ơ” với thời cuộc này là lớn nhất các nước ASEAN. Năm 2014, theo kết quả khảo sát mới nhất của Đại học Kinh tế Hà Nội (Trung tâm WTO tham gia), tỷ lệ này đang được cải thiện, nhưng vẫn ở mức thấp: 47,6% DN biết đúng thời điểm thành lập AEC, tỷ lệ không biết AEC Scorecard giảm, nhưng vẫn còn cao 83,6%; hơn 82,1% DN đã biết nội dung tự do lưu thông hàng hóa và hơn 60% biết về trụ cột 4 về hội nhập toàn cầu. Mức độ quan tâm tác động đến hoạt động kinh doanh tăng lên 31%, nhưng không rõ các nội dung cụ thể nào.

* Ông có khuyến nghị gì cho Nhà nước để hỗ trợ DN cạnh tranh tốt hơn?

* Bản chất hội nhập kinh tế quốc tế là quá trình cạnh tranh ngày càng mở rộng và bình đẳng hơn, do đó cải thiện năng lực cạnh tranh của DN là yếu tố quyết định thành công của hội nhập. Bên cạnh nỗ lực của các DN, sự hỗ trợ của Nhà nước là không thể thiếu.

Theo tôi, có 3 vấn đề chính quyền cần quan tâm: Thứ nhất, hoạt động hỗ trợ phải xuất phát từ nhu cầu thực của các DN và đảm bảo đến được DN. Các chính sách hỗ trợ khi xây dựng cần phải có đủ 3 thành phần tham dự: cơ quan chức năng, chuyên gia và DN chịu ảnh hưởng.

Thứ hai, hỗ trợ kèm theo các điều kiện để tự vươn lên và lớn mạnh nhắm tới thoát khỏi bảo trợ của Nhà nước, hoạt động hỗ trợ càng cụ thể càng tốt; kinh nghiệm cho thấy các hoạt động hỗ trợ chung thường kém hiệu quả.

Thứ ba, hỗ trợ lớn nhất của Nhà nước chính là cải thiện thực sự môi trường kinh doanh và đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, chú trọng cấp cơ sở và đi vào thực chất, với đo lường kết quả từ các DN.

Song song đó, cần có nghiên cứu, đánh giá tác động của TPP, các FTA một cách toàn diện đến các ngành, lĩnh vực, xem xét ngành nào có lợi thế để hỗ trợ phát triển; đánh giá lại ngành nông nghiệp và chăn nuôi trong mối tương quan với các địa phương; thoái vốn dần trong các DN nhà nước, tạo điều kiện cho khu vực tư nhân phát triển. Tập trung công tác thông tin về lộ trình thực thi các FTA, nhanh chóng xây dựng và có kế hoạch truyền thông về hội nhập là việc cần làm để hỗ trợ DN trong giai đoạn mới.

* Xin cảm ơn ông!

THUÝ HẢI (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục