Sau sự cố môi trường do Formosa gây ra nhiều tháng qua, ngư dân vùng biển miền Trung bị ảnh hưởng vẫn chưa thể khôi phục lại lao động, sản xuất, sinh hoạt. Trước mắt chính quyền địa phương đã tháo gỡ phần nào thực tế vô cùng khó khăn, nhưng về lâu dài, cần nhiều giải pháp thiết thực mới có thể từng bước ổn định đời sống dân sinh.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, các tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế tiếp tục phát gạo miễn phí cho ngư dân thêm 6 tháng. Cùng với đó, Bộ TN-MT công bố chất lượng nước biển và tình trạng đáy biển với khuyến cáo giám sát chặt chẽ 3 vùng biển còn hàm lượng xyanua, phenol cao hơn các khu vực khác là Sơn Dương (Hà Tĩnh) 300km², phía Đông Nhật Lệ (Quảng Bình) 330km², Sơn Chà (Thừa Thiên - Huế) 160km².
Trong cuối tháng 8-2016, Bộ NN-PTNT cũng đã tổ chức hội nghị tại Thừa Thiên - Huế chỉ đạo tình hình đánh bắt hải sản, làm muối, xác định thêm thành phần bị thiệt hại do Formosa gây ra nhằm mở rộng đối tượng đền bù, hỗ trợ. Ngoài ngư dân ra, bạn thuyền đánh bắt trên biển, người làm muối, đối tượng làm nước mắm... cũng được bổ sung vào thành phần được hỗ trợ.
Bộ LĐTB-XH đã bước đầu trình đề án xuất khẩu lao động đối với ngư dân ven biển, chuyển đổi việc làm, dạy nghề nhằm phần nào giảm thiểu khó khăn cho ngư dân. Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) được giao công bố chất lượng hải sản để trả lời câu hỏi trọng tâm là “cá đã ăn được chưa?”. Tuy nhiên cho đến nay câu hỏi này vẫn còn là ẩn số.
Nỗ lực của lãnh đạo cấp ủy, chính quyền các địa phương 4 tỉnh vùng bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển là bền bỉ vận động, tuyên truyền, giải đáp thắc mắc, xua tan phần nào tình thế hoang mang trong ngư dân; từng bước ổn định tâm lý các tầng lớp nhân dân. Tuy nhiên do sự cố chưa bao giờ có đối với các làng biển nên khó khăn vẫn còn ở phía trước. Các đề án chuyển đổi việc làm, dạy nghề, xuất khẩu lao động hiện mới hoàn thiện phần khung, chưa thể triển khai sâu rộng. Trong khi đó, theo ngư dân, nếu thực hiện xuất khẩu lao động, hoặc chuyển đổi nghề cũng chỉ giải quyết một phần nào đó nhân lực địa phương, còn số đông vẫn rất khó để chuyển đổi.
Mặt khác, khi các đề án đi vào hoạt động, khó để đáp ứng tất cả nhu cầu của ngư dân, do vậy chính quyền các địa phương cần có các giải pháp cụ thể đặc thù để ổn định đời sống của người dân vùng biển. Học sinh vùng 4 tỉnh bị sự cố môi trường cần được miễn các khoản góp hàng năm, nhằm giúp con em ngư dân không bị nghỉ học giữa chừng. Người dân vùng biển cần được khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế miễn phí đồng loạt trong vòng 2 - 5 năm tại các cơ sở khám chữa bệnh...
Ngoài ra, để giúp ngư dân ổn định từng bước, các cấp chính quyền địa phương cần bám sát, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của từng người dân để kịp thời giải quyết những khó khăn một cách bền vững. Bên cạnh đó, chính quyền cấp cơ sở phải đề xuất đúng và trúng với cấp trên, tránh hình thức và làm cho có.
Để ngư dân ổn định sản xuất một cách bền vững và lâu dài, Chính phủ cần triển khai gói vay ưu đãi với 4 tỉnh bị sự cố môi trường về lãi suất, có phương án khoanh nợ, giãn nợ đối với các tàu đánh bắt xa bờ, với các doanh nghiệp thu mua hải sản. Ngoài ra, Bộ Y tế cần sớm công bố mẫu cá biển đã ăn được chưa nhằm tạo tâm lý với người dân nhằm kích hoạt trở lại thị trường tiêu thụ hải sản nếu đã an toàn, mới có thể trợ giúp ngư dân một cách căn cơ.
Minh Sơn