Hỗ trợ người dân chuyển nghề, buôn bán ổn định

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong:

Việc thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TU ngày 10-3-2017 của Ban Thường vụ Thành ủy về tăng cường công tác quản lý trật tự đô thị trên địa bàn TP (Chỉ thị 11) theo đồng chí Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TPHCM, là hết sức cấp bách, với mục tiêu làm chuyển biến từ nhận thức đến hành động thiết thực, cụ thể trong công tác quản lý trật tự đô thị trên từng địa bàn… Đồng chí Nguyễn Thành Phong cho biết:

     Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong

Chỉ thị 11 đã chỉ ra rất rõ những tồn tại, hạn chế, bất cập trong công tác quản lý trật tự đô thị, dẫn đến tình trạng lấn chiếm, sử dụng trái phép lòng đường, vỉa hè để kinh doanh, buôn bán ngày càng nghiêm trọng, gây ách tắc giao thông trên nhiều tuyến đường, làm cho trật tự, an toàn giao thông, mỹ quan đô thị của thành phố ngày càng phức tạp. Nguyên nhân là do công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp chưa quyết liệt, thực hiện chưa thường xuyên, liên tục; sự phối hợp giữa các cơ quan, ban ngành trong quản lý, xử lý các vi phạm trật tự đô thị chưa thống nhất, đồng bộ. Lần triển khai này, quan điểm chỉ đạo của TP là vừa kiên quyết thực thi pháp luật, vừa kiên trì vận động nhân dân nhằm lập lại trật tự, mỹ quan đô thị, góp phần xây dựng TP có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình.

- PHÓNG VIÊN: Thời gian qua, một số quận huyện có tư tưởng trông chờ giải pháp của cấp trên hoặc nơi làm mạnh, nơi nhẹ tay?

>> Chủ tịch UBND TPHCM NGUYỄN THÀNH PHONG: Ta đã có đầy đủ các cơ sở pháp lý, giờ chỉ có thực hiện thôi; tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, mỗi quận huyện căn cứ vào đặc điểm, tình hình thực tế của địa phương mình để có những giải pháp cụ thể, phù hợp. Vừa qua, các quận huyện làm rất quyết liệt, thể hiện nỗ lực trong việc thực hiện cam kết giải quyết tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, nhất là trên 159 tuyến đường trọng điểm đã đăng ký từ năm 2012 với UBND TP. Cách làm của một số quận huyện vừa qua đã gắn với thực tế của từng địa bàn, huy động được sức dân cùng tham gia vận động, tuyên truyền, phát huy tính tự quản, tự giác trong quản lý lòng đường, vỉa hè và chống tái lấn chiếm. Nhiều đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức và gia đình đã gương mẫu chấp hành và vận động mọi người nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc tuân thủ pháp luật, góp phần xây dựng trật tự kỷ cương, văn minh đô thị, thực hiện nếp sống văn hóa, không lấn chiếm lòng, lề đường, vỉa hè, từ đó góp phần làm chuyển hóa nhiều tuyến đường, nhiều địa bàn phức tạp, tạo lòng tin trong nhân dân.

- Việc chấn chỉnh trật tự lòng đường, vỉa hè TPHCM đã làm lâu rồi, nhưng cứ sau mỗi đợt ra quân tình hình lại đâu vào đấy, thưa đồng chí?

Tôi khẳng định rằng các cấp ủy, tổ chức Đảng, bộ máy chính quyền và cả hệ thống chính trị đều thể hiện tinh thần và quyết tâm vào cuộc trong công tác quản lý trật tự đô thị, tạo sự chuyển biến tích cực trong ý thức, trách nhiệm và tổ chức thực hiện. Nhân dân cũng đồng tình ủng hộ, cả xã hội cũng đồng thuận cao với chủ trương, quyết tâm của chúng ta. Như tôi nói, cái chính vẫn là tinh thần và quyết tâm chính trị của từng địa phương với những cách làm gắn với từng địa bàn cụ thể. Lần này cũng có quy định trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy và chính quyền, xử lý nghiêm những trường hợp cán bộ vi phạm trong thực thi công vụ.

Một chợ trái cây lấn chiếm lòng đường trên địa bàn TPHCM

- TPHCM sẽ thực hiện các giải pháp tiếp theo là gì để bố trí lại nơi buôn bán phù hợp, bảo đảm việc làm, cuộc sống cho những người buôn bán hàng rong?

Như tôi đã nói, triển khai phải thống nhất và đồng bộ mới mang lại hiệu quả, đạt được mục tiêu mong đợi. Vấn đề là sau khi chấn chỉnh trật tự lòng, lề đường, phải thiết lập ngay công tác quản lý, tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm. Trong đó, có việc ban hành danh mục các tuyến đường cho phép sử dụng tạm thời một phần vỉa hè làm bãi giữ xe công cộng có thu phí, phục vụ kinh doanh dịch vụ, buôn bán hàng hóa và cho phép đậu xe dưới lòng đường có thu phí; kẻ vạch sơn, lắp đặt biển báo các khu vực vỉa hè cấm để xe, buôn bán; quy hoạch, sắp xếp, bố trí các khu vực chợ, không để phát sinh tình trạng họp chợ tự phát; di dời, tái bố trí tiểu thương, người dân vào buôn bán tại những khu vực quy định; yêu cầu các cá nhân, đơn vị trong quá trình hoạt động kinh doanh phải bố trí, sắp xếp chỗ đậu xe bảo đảm không lấn chiếm trái phép lòng đường, vỉa hè. TPHCM không chủ trương đẩy đuổi người bán hàng rong, nên trong các giải pháp chấn chỉnh trật tự đô thị có tính đến việc khuyến khích, vận động, hỗ trợ người dân chuyển nghề, tạo việc làm mới, hoặc sắp xếp buôn bán ổn định hơn.

- Để thay đổi thói quen của người dân trong sinh hoạt, mưu sinh trên lòng đường, vỉa hè là không dễ, chính quyền TP đặt mục tiêu gì, thưa đồng chí?

lGiải pháp các quận huyện đang làm đều bắt đầu từ thay đổi thói quen lâu nay trong đời sống, sinh hoạt, làm ăn của người dân khi sử dụng lòng đường, vỉa hè. Mỗi người dân hãy bắt đầu thay đổi từ việc tuân thủ nghiêm các quy định của Luật Giao thông đường bộ, gắn việc thực hiện trật tự, mỹ quan đô thị với phong trào Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa, những quy định trong xây dựng gia đình, cộng đồng dân cư, cơ quan, đơn vị văn hóa; không xả rác ra đường, không đậu, dừng xe trái quy định, không lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, dựng xe mua bán không đúng quy định; hạn chế đi xe cá nhân, có thói quen đi bộ mỗi ngày để giảm ùn tắc giao thông, bảo vệ môi trường sống. Việc làm này sẽ hình thành thói quen và trở thành nét văn hóa trong sinh hoạt, đi lại của một đô thị văn minh.

- Xin cảm ơn đồng chí!

HOÀI NAM (thực hiện)

>> Nghiên cứu hỗ trợ người bán hàng rong kinh doanh qua mạng

Tin cùng chuyên mục