Hỗ trợ nông dân tái đàn để giảm giá heo

Heo Thái Lan được nhập vào Việt Nam nhằm góp phần làm thị trường thịt heo trong nước “hạ nhiệt”. Tuy nhiên, do heo Thái Lan không nhập về liên tục nên giá thịt heo trong nước vẫn ở mức cao. Do vậy, người tiêu dùng có thể chuyển sang dùng thực phẩm khác thay thế thịt heo, trong khi nhà nước cần có chính sách để hỗ trợ người chăn nuôi tái đàn.

Như “muối bỏ biển”

Theo Hội Chăn nuôi Việt Nam, khi giá heo hơi tăng cao đã xảy ra tình trạng heo nhập “lậu” theo các đường mòn, lối mở tại các tỉnh giáp biên giới Lào. Heo lậu tiềm ẩn lây lan các dịch bệnh, đặc biệt là dịch tả heo châu Phi. Trước đó, khi có thông tin heo giống, heo sống nhập khẩu, tình hình heo hơi các tỉnh phía Nam đã hạ nhiệt, từ gần 100.000 đồng/kg chỉ còn 81.000-85.000 đồng/kg. Tuy nhiên, heo Thái Lan nhập về “quá chậm”, trong khi người chăn nuôi kìm bán heo hơi nên giá tăng lại. Trong vài ngày qua, giá heo hơi tại “thủ phủ” tỉnh Đồng Nai tăng lại, khoảng 91.000-93.000 đồng/kg. Tương tự, tại một số tỉnh phía Bắc, giá heo hơi cũng ngang bằng tỉnh Đồng Nai. Đồng nghĩa với việc tăng giá, số lượng heo về chợ đầu mối tại TPHCM cũng “hạ nhiệt”.

Hỗ trợ nông dân tái đàn để giảm giá heo ảnh 1 Heo giống nhập khẩu về trại Đồng Hiệp (Đồng Nai) được Bộ NN-PTNT giám sát chặt chẽ
TS Kiều Minh Lực, Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam, nhận định, Thái Lan không có ý định xuất khẩu heo, nhưng do có sự chênh lệch giá nên Việt Nam đề nghị nhập heo. Hiện nay, doanh nghiệp (DN) Thái Lan tăng thêm 5%-10% so với kế hoạch sản xuất. Dự báo, sau 3 tháng, đàn heo Thái Lan cũng không có dư để xuất qua Việt Nam, do tổng đàn heo Thái Lan không nhiều bằng Việt Nam. Cùng với đó, số lượng heo sống nhập ít, cũng chỉ như “muối bỏ biển”. Ở một khía cạnh khác, trước khi có thông tin Việt Nam cho nhập heo sống, giá heo hơi tại Thái Lan khoảng 50.000 đồng/kg. Nhưng khi đến tay DN Việt Nam, giá heo khoảng 62.000-65.000 đồng/kg do tăng thêm phí kiểm dịch. Nhiều công ty cùng nhập khẩu đã làm thị trường biến động. Ngoài ra, heo hao hụt khoảng 2% và giá vận chuyển khoảng 30 USD/con. Cho nên DN phải tính toán lại chi phí cho phù hợp trước khi nhập về.

Theo quy định, trại nhập heo từ nơi khác về phải có lộ trình giãn cách và có nhiều chuồng cách ly mới có thể nhập liên tục. TS Nguyễn Quốc Đạt, Phó Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam, cho biết, sau khi xuất một lô heo, trại phải khử trùng theo quy trình an toàn sinh học trong vòng 7 ngày, chuồng nuôi chỉ nhập được 3 lần. Lô heo thứ 4 phải cách nhau vài tháng. Thái Lan cũng chịu ảnh hưởng một phần từ dịch tả heo châu Phi. Song DN Việt Nam nhập khẩu theo thời vụ, nên DN Thái Lan không tăng đàn heo thời điểm này, bởi gần 1 năm sau tăng đàn mới có heo để bán. Đặc biệt, cơ quan chức năng Thái Lan quản lý chặt chẽ việc tái đàn, tăng đàn. Các DN tăng đàn phải đăng ký số heo nái đúng theo kế hoạch; nếu vượt quá số lượng đăng ký, heo nái sẽ bán với giá giống heo thịt; nếu số lượng heo thịt không đủ sẽ có chế tài.

Quản lý bằng phần mềm khai báo

Lý giải tại sao lại có chuyện thiếu heo giống, TS Kiều Minh Lực chia sẻ, trước kia mô hình nuôi heo được tách biệt: trại chuyên nuôi heo cụ, kỵ; trại chuyên nuôi heo nái; trại chuyên nuôi heo thịt. Bắt đầu từ khủng hoảng dư thừa vào năm 2017, nhiều trại chuyên nuôi heo thịt đã tháo bỏ chuồng chuyển sang chăn nuôi mô hình khác. Cũng chính lý do này, trại nuôi heo nái chuyên sản xuất heo giống thương phẩm không có thị trường tiêu thụ nên buộc phải xây dựng chuồng để nuôi heo thịt. Sau khi dịch tả heo châu Phi bùng phát, trại nuôi heo nái thường áp dụng quy trình an toàn sinh học nghiêm ngặt nên thiệt hại cũng ít. Tuy nhiên, trại heo nái cũng không cung cấp đủ sản lượng heo thịt cho trại mình thì làm sao chia sẻ cho trại khác được. 

Nhập heo thịt chỉ là giải pháp “chữa cháy” tạm thời, ông Trầm Quốc Thắng, Giám đốc HTX Chăn nuôi heo an toàn Tiên Phong, cho hay, hộ chăn nuôi đều không đảm bảo quy trình nuôi an toàn sinh học, đồng thời đang thiếu vốn trầm trọng sau dịch tả heo châu Phi, nên rất khó phục hồi. Nhiều người chăn nuôi mong muốn giá ổn định, nếu giá lên xuống bất thường sẽ không định hình được giá trong tương lai. Điều này gây bất lợi cho những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, do một con heo từ nhỏ đến khi xuất chuồng phải mất 4 tháng. Nếu giá xuống sẽ khiến người chăn nuôi thua lỗ; giá lên thì heo giống, cám, vật tư nông nghiệp… đều tăng giá. Biện pháp căn cơ, nhà nước cần có chương trình đầu tư cho trại quy mô nhỏ có kinh phí đầu tư công nghệ theo quy trình chăn nuôi an toàn sinh học.

Quan trọng nhất vẫn là tái đàn và phải nhập heo bố mẹ, nhưng theo TS Nguyễn Quốc Đạt, khó khăn lớn nhất là không có số liệu tổng đàn heo nái của cả nước; ngay cả cơ quan quản lý không nắm số liệu thì làm sao tái đàn. Hiện giá heo hơi đang cao nên người chăn nuôi không tăng đàn, tái đàn. Do đó, Nhà nước cần có chính sách để hộ chăn nuôi nhỏ lẻ không hoang mang. Để làm được điều này, các trại liên kết với HTX sản xuất theo chuỗi, nhằm giảm chi phí giống, thức ăn… và Nhà nước dễ dàng quản lý. Tạm thời, các trang trại lựa chọn heo thịt có sức khỏe tốt để phối giống, sinh sản 1-2 lứa. Để có mô hình chăn nuôi giống Thái Lan, là từng con heo nái phải được gắn chip theo dõi. Nhưng để làm được điều này cần phải có quản lý từ phía Nhà nước chứ HTX, DN không thể làm được. Định kỳ hàng tháng, DN phải báo cáo tổng đàn nái về Bộ NN-PTNT là sẽ có được tổng đàn heo thịt. 

Hiện nay, chi phí đầu tư công nghệ quản lý gắn chip quá cao, TS Kiều Minh Lực đề nghị, thời điểm này, Nhà nước nên xây dựng một phần mềm với công nghệ giải pháp bình thường (giống như phần mềm khai báo y tế đối với dịch Covid-19) có thể quản lý ngay các trại. Cùng với đó, địa phương phối hợp vận động người chăn nuôi đăng ký tham gia, đưa số lượng heo nái để quản lý. Về lâu dài, Nhà nước cần có chính sách vừa khuyến khích, vừa chế tài để động viên người dân tham gia thấy quyền lợi, nghĩa vụ. Khi có số liệu đàn heo nái, địa phương nhanh chóng ổn định được đàn heo, tính toán được heo thịt để điều hành.

Tin cùng chuyên mục