Hỗ trợ tâm lý học sinh trước mùa thi

Sau Tết Nguyên đán, học sinh lớp 12 bước vào giai đoạn tăng tốc ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT. Riêng khối 10, do là năm đầu tiên triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, nên học sinh gặp nhiều bỡ ngỡ trong tiếp cận chương trình và phương pháp học. Làm thế nào để thầy cô đồng hành cùng các em?
Giáo viên tâm lý Trường THPT Đào Sơn Tây trao đổi với học sinh về những khó khăn tâm lý thường gặp phải
Giáo viên tâm lý Trường THPT Đào Sơn Tây trao đổi với học sinh về những khó khăn tâm lý thường gặp phải

Muôn kiểu áp lực

Phạm Đại Vĩ, học sinh lớp 12A16, Trường THPT Nguyễn Du (quận 10, TPHCM), cho biết, để không quá áp lực trước kỳ thi tốt nghiệp THPT, em đã chủ động ôn tập, luyện giải đề từ đầu năm lớp 12, không để đến gần ngày thi mới chạy nước rút. “Trước mắt, em ưu tiên thời gian cho việc học, chấp nhận giảm bớt việc tham gia hoạt động phong trào và thời gian riêng cho bản thân. Những lúc căng thẳng vì học bài, em sẽ nghe nhạc để thư giãn đầu óc, vì chỉ khi tinh thần thoải mái thì kiến thức mới vào đầu”, Đại Vĩ cho biết. Tương tự, với Võ Thùy Trang, học sinh lớp 12C6, Trường THPT Đào Sơn Tây (TP Thủ Đức, TPHCM), từ đây đến giữa tháng 7-2023, em còn nhiều kỳ thi như thi học sinh giỏi, kiểm tra giữa kỳ, cuối kỳ, thi đánh giá năng lực, tốt nghiệp THPT. Nữ sinh này cho biết, em có thể tự giải quyết mâu thuẫn trong giao tiếp hàng ngày nhưng trước áp lực quá lớn, mang tính dài hơi của thi cử, em cần kênh để giải tỏa cũng như lời khuyên từ thầy cô, cha mẹ.

Riêng đối với Trần Lê Diệu Linh, học sinh lớp 11B1, Trường THPT Đào Sơn Tây, do là lứa học sinh cuối cùng học chương trình cũ, nên nếu không vượt qua kỳ thi tốt nghiệp THPT năm sau thì năm sau nữa em phải thi chung với học sinh của chương trình mới, cơ hội “sửa sai” gần như không có. Ngoài ra, cũng theo Diệu Linh, dù bố mẹ không hề tạo áp lực đối với việc học, trái lại còn gợi ý em nghỉ ngơi vì lo lắng sức khỏe của con, nhưng bản thân em xác định không thể dừng lại do áp lực từ mục tiêu chính bản thân đặt ra, sợ thua kém bạn bè, phụ kỳ vọng của cha mẹ. Những lúc mệt mỏi, học sinh này giải tỏa bằng cách viết nhật ký trên mạng xã hội ở chế độ “chỉ xem một mình”. Diệu Linh chia sẻ, em đứng trước lựa chọn quan trọng là tiếp tục học lên đại học hoặc học nghề. Ngoài thi cử, học sinh THPT còn đối mặt với nhiều vấn đề trong giao tiếp bạn bè, quan hệ trong gia đình. Do đó, việc được thầy cô quan tâm có ý nghĩa vô cùng quan trọng, giúp học sinh tìm ra biện pháp xử lý khi gặp khó khăn về tâm lý.

GS HUỲNH VĂN SƠN, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm TPHCM:

Ngành giáo dục đặt mục tiêu xây dựng “Trường học hạnh phúc” từ nhiều năm nay, nhưng học sinh và giáo viên chịu nhiều áp lực từ việc triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, các chỉ tiêu thành tích, cuộc thi tổ chức hàng năm ở các trường học. Hầu hết học sinh mong thầy cô giảm khối lượng bài tập, thân thiện hơn với lớp, ngừng so sánh thành tích học tập với lớp khác…

Chủ động tiếp cận học sinh

Thầy Nguyễn Văn Ngãi, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Đào Sơn Tây, cho biết, không phải học sinh nào có vấn đề về tâm lý đều chủ động tìm hỗ trợ từ giáo viên. Cuối tuần qua, Trường THPT Đào Sơn Tây triển khai bài khảo sát về tâm lý nhằm chủ động rà soát, thu thập thông tin các vấn đề học sinh đang gặp phải để có cách hỗ trợ các em. Trước đó, trong học kỳ 1 năm học 2022-2023, đơn vị này đã triển khai tư vấn tâm lý cho học sinh qua các hình thức: trao đổi qua mail, tin nhắn điện thoại, quét mã QR đặt câu hỏi với giáo viên. Kết quả cho thấy, học sinh gặp vấn đề về tâm lý trải đều ở 3 khối lớp 10, 11, 12; vấn đề các em đang gặp phải không chỉ có học tập mà cả trong quan hệ giao tiếp, ứng xử hàng ngày, định hướng nghề nghiệp của bản thân. “Sau khi tổng hợp kết quả khảo sát, trường sẽ lọc ra các trường hợp có dấu hiệu cần hỗ trợ, phối hợp giữa giáo viên tâm lý, giáo viên chủ nhiệm và gia đình để tháo gỡ nút thắt về tâm lý cho học sinh”, thầy Ngãi bày tỏ. Ngoài ra, theo Th.S Nguyễn Thị Mộng Xuyên, giáo viên phụ trách Phòng tư vấn tâm lý, Trường THPT Đào Sơn Tây, Phòng tư vấn tâm lý mở cửa giờ hành chính nên học sinh chỉ có thể đến vào giờ ra chơi hoặc trống tiết, song thời gian này sân trường thường khá ồn với nhiều hoạt động. Do đó, công tác tư vấn tăng cường qua các kênh trực tuyến như gọi điện thoại, tin nhắn Facebook, Zalo, email… để học sinh có thêm kênh chia sẻ với giáo viên.

Tại Trường THPT Lương Thế Vinh (quận 1, TPHCM), ngày 13-2, trường sẽ phối hợp với Trường Đại học Sư phạm TPHCM triển khai hoạt động tư vấn với chuyên gia tâm lý cho học sinh. Cụ thể, mỗi tuần 2 buổi, chuyên gia tâm lý đến trường phối hợp tổ chức các hoạt động tư vấn tâm lý cho học sinh. Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh Hà Hữu Thạch khẳng định, ngoài việc hỗ trợ học sinh xử lý tình huống, công tác tư vấn tập trung phòng ngừa, hỗ trợ tâm lý cho cả học sinh lẫn phụ huynh. Về lâu dài, công tác tư vấn phát triển theo chiều sâu với nhiều hoạt động mang tính dài hơi, như sinh hoạt ngoại khóa, chuyên đề, tư vấn nghề nghiệp cho học sinh, kết hợp với lập hồ sơ lưu trữ để theo dõi thường xuyên nhưng vẫn đảm bảo tính bảo mật thông tin cho học sinh.

Kết quả nghiên cứu của nhóm giảng viên Khoa Tâm lý học, Trường Đại học Sư phạm TPHCM với 8.643 học sinh THCS và THPT trên địa bàn TPHCM cho thấy, có 12,92% học sinh cảm thấy căng thẳng ở nhiều mức độ; 22,58% học sinh có trạng thái lo âu và 13,62% học sinh có biểu hiện trầm cảm.

Tin cùng chuyên mục