Hỗ trợ trẻ em trên cả nước cải thiện thể chất

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam vừa ký Quyết định phê duyệt Chương trình Quốc gia Sữa học đường nhằm cải thiện tình trạng dinh dưỡng, góp phần nâng cao tầm vóc và thể lực học sinh mẫu giáo, tiểu học.
Hỗ trợ trẻ em trên cả nước cải thiện thể chất

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam vừa ký Quyết định phê duyệt Chương trình Quốc gia Sữa học đường nhằm cải thiện tình trạng dinh dưỡng, góp phần nâng cao tầm vóc và thể lực học sinh mẫu giáo, tiểu học.

Theo đó, mục tiêu tới năm 2020 triển khai chương trình Sữa học đường ở 100% các huyện nghèo và 70% ở các địa phương khác; yêu cầu các địa phương có giải pháp huy động sự vào cuộc của doanh nghiệp, của toàn xã hội để mọi trẻ em đều được uống sữa.

Để thực hiện hiệu quả chương trình này, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã tận tay trao sữa cho học sinh nghèo tại tỉnh Đắk Nông.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam tận tay trao sữa cho học sinh nghèo tại tỉnh Đắk Nông

Tiếp sau hoạt động trao sữa cho các em học sinh nghèo tại tỉnh Đắk Nông, Phó chủ tịch nước  Đặng Thị Ngọc Thịnh cùng lãnh đạo Bộ LĐ-TB-XH Vinamilk trao tặng gần 130.000 ly sữa với tổng trị giá 800 triệu đồng cho gần 1.420 em học sinh nghèo hiếu học, trẻ em khuyết tật, mồ côi tại Vĩnh Long.

Chia sẻ kinh nghiệm triển khai chương trình Sữa học đường, đại diện Công ty Cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk) cho biết, sau hơn 10 năm triển khai chương trình Sữa học đường, chỉ tính riêng trong năm 2016, Vinamilk đóng góp cho chương trình Sữa học đường tại 20 tỉnh với tổng số tiền là 20 tỷ đồng, tương đương khoảng gần 4 triệu hộp sữa. Và tính từ năm 2007 đến nay, khi Vinamilk bắt đầu phối hợp cùng các tỉnh thực hiện chương trình thì tổng số học sinh được thụ hưởng từ chương trình là 380.000 em, với tổng ngân sách hỗ trợ là 92 tỷ đồng.

Các tỉnh đã và đang thực hiện thường xuyên chương trình Sữa học đường là Bắc Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Quảng Ngãi…

Có thể thấy, tuy chương trình Sữa học đường triển khai tại nhiều thời điểm khác nhau nhưng đã phát huy hiệu quả rõ rệt trong việc cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng cũng như đem lại sự phát triển lành mạnh cho trẻ em về thể chất lẫn trí tuệ.

Điển hình như tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, nơi đầu tiên thực hiện chương trình Sữa học đường, tỷ lệ suy dinh dưỡng (SDD) thể nhẹ cân ở trẻ em dưới 6 tuổi đã giảm mạnh từ 10% (năm 2006) xuống còn 1,6% (năm 2015) và SDD thể thấp còi giảm từ 4,7% (năm 2012) xuống 2,7% (năm 2015). Tại Bắc Ninh, tỷ lệ SDD thể nhẹ cân giảm từ 6,6% (2013) xuống còn 2,3% (2015) và SDD thấp còi giảm từ 8% xuống còn 3,8%. Tại tỉnh Đồng Nai, tỷ lệ trẻ em SDD nhẹ cân đã giảm từ mức mức 9% (năm 2013)  xuống còn 6,2% (2015) và SDD thấp còi giảm từ 10% còn 7,5%.

Bà Bùi Thị Hương, Giám đốc điều hành Vinamilk cho biết, đơn vị sẽ cam kết đồng hành cùng Quỹ sữa Vươn cao Việt Nam do Bộ Lao động Thương binh Xã hội chủ trì thực hiện trao tặng sữa cho 40.000 trẻ em nghèo tại 40 tỉnh thành khó khăn trên cả nước. Toàn bộ số sữa này sẽ được chuyển trực tiếp đến các trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi, khuyết tật, trung tâm bảo trợ xã hội, các em học sinh mầm non, tiểu học vùng sâu, vùng xa và các em sẽ được sử dụng liên tục trong vòng 3 tháng. Bên cạnh đó, cũng đóng góp 20 tỷ đồng tương đương khoảng 4 triệu hộp sữa cho chương trình Sữa học đường tại 20 tỉnh.

Theo đó, chương trình nhằm hỗ trợ cho các em học sinh mầm non, tiểu học có hoàn cảnh gia đình kinh tế khó khăn, thiếu hụt dinh dưỡng để các em có điều kiện phát triển thể chất và trí tuệ.

Chia sẻ về vấn đề này, Bộ trưởng  Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh, nếu không có giải pháp dinh dưỡng toàn diện, 5-10 năm nữa, Việt Nam vẫn thua sút thế giới về tầm vóc, thể lực, chất lượng nguồn nhân lực. Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng khuyến nghị trẻ em trong độ tuổi “vàng” từ 2 tới 12 tuổi phải được uống sữa, nhưng không phải bất kỳ sữa nào cũng uống được, mà các em cần uống những loại sữa tươi đúng tiêu chuẩn Sữa học đường, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và có vi chất phù hợp với nhu cầu từng lứa tuổi.

Khánh Chi

Tin cùng chuyên mục