Sẽ thay đổi “thói quen” tiêu dùng
Theo phản ánh từ người dân, nhiều năm qua mô hình cho vay tiêu dùng từ các CTTC đã đáp ứng rất tốt nhu cầu thật của họ. Ông Trần Đăng Thanh, nhà ở đường Nguyễn Văn Quá, quận 12, TPHCM nói: “Kinh tế gia đình tôi khó khăn, nhiều năm tích cóp vẫn không đủ mua chiếc xe máy để chạy xe ôm. Nhờ có người giới thiệu, tôi đã vay được 30 triệu từ nguồn này và không cần thế chấp gì. Có xe mới tôi đã cải thiện được kinh tế gia đình rất nhiều…”. Không chỉ ông Thanh mà nhiều người khác cũng cho như vậy. Bởi tín dụng tiêu dùng qua ngân hàng thương mại thủ tục thường phức tạp, trong khi CVTD qua các CTTC rất đơn giản, không đòi hỏi về tài sản đảm bảo, phù hợp với nhu cầu của người dân.
Theo TS. Cấn Văn Lực, quy mô thị trường tín dụng tiêu dùng đến 30-6-2017 khoảng 744 nghìn tỷ, chiếm 12,4% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Trong đó dư nợ cho vay của các CTTC khoảng 97 nghìn tỷ, chiếm 13% tổng dư nợ tiêu dùng, đóng góp khoảng 30 nghìn việc làm cho xã hội. Còn theo TS. Nguyễn Thùy Dung, đại diện nhóm nghiên cứu về thực trạng thị trường CVTD tại Việt Nam của Viện Quản trị Kinh doanh, xu hướng thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân trong những năm gần đây đang tạo ra những động lực thúc đẩy sự phát triển của thị trường CVTD tại Việt Nam. Trong khảo sát của nhóm này thực hiện với hơn 2.000 người tiêu dùng trên địa bàn 12 tỉnh/thành cho thấy, nhu cầu vay tiêu dùng thông qua CTTC của người trẻ đang ngày càng tăng. Cụ thể, có tới 47,8% số người chưa từng đi vay tiêu dùng khi trả lời khảo sát đã bày tỏ quan điểm “sẵn sàng hoặc chấp nhận đi vay để tiêu dùng nếu thấy cần thiết thay vì phải mất thời gian để tích lũy đủ tiền”.
Khó tiếp cận vì… lãi suất!
Từ khảo sát trên có thể thấy, hoạt động CVTD hiện nay có tiềm năng lớn, thế nhưng vì sao vẫn dừng lại ở mức… tiềm năng? Phải chăng vì lãi suất của mô hình này còn quá cao làm người tiêu dùng khó tiếp cận? Lý giải vấn đề trên, TS. Lê Xuân Sang cho rằng, sở dĩ các đơn vị CTTC đang có lãi suất cao hơn ngân hàng, bởi vì tính rủi ro đối với khoản vay của họ cao hơn. Thêm vào đó, các CTTC còn bị chi phối bởi nhiều yếu tố khác như: nguồn vốn đầu vào, chi phí duy trì hệ thống…
Theo luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Basico, các CTTC tiêu dùng thường cho vay không có tài sản bảo đảm, vì vậy không thể trông chờ vào việc xử lý tài sản bảo đảm. Họ phải tính toán thu hồi và xử lý nợ xấu bằng cách khác, như tăng cường đôn đốc trả nợ và trích lập dự phòng để xử lý rủi ro. Theo bà Lê Thị Kim Nhung, Trưởng khoa Tài chính Ngân hàng, Đại học Thương mại, khi thị trường ngày càng minh bạch, cạnh tranh tăng lên thì lúc đó lãi suất sẽ có xu hướng giảm. “Quy luật của nền kinh tế thị trường là quy luật bình quân hóa tỷ suất lợi nhuận. Theo đó, nếu lĩnh vực CVTD có tỷ suất lợi nhuận cao hơn các lĩnh vực khác bởi yếu tố lãi suất cao thì sẽ ngày càng có nhiều CTTC tham gia cạnh tranh khiến cung tăng và buộc lãi suất sẽ giảm xuống” - bà Nhung cho biết.
Nhiều ý kiến cho rằng, cần tiếp tục hoàn thiện thị trường CVTD theo hướng cải cách mạnh mẽ, cởi mở, thông thoáng Luật Các TCTD và các văn bản dưới luật quy định về hoạt động của các công ty tín dụng tiêu dùng. Thậm chí cần xem xét cả khả năng đưa CTTC ra khỏi loại hình TCTD để xác định lại đúng vai trò của định chế tài chính này. Bên cạnh đó, đã đến lúc không nên chỉ coi CVTD là phục vụ tiêu dùng, mà cần phải coi đó cũng chính là một dạng đặc biệt của tín dụng hướng tới sản xuất, kinh doanh, là công cụ giúp thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế.