Đó vốn là vùng đất đỏ khô cằn, trong chiến tranh, lại càng cằn cỗi hơn khi chất độc da cam phủ kín. Được mệnh danh là “vành đai trắng” của Mỹ, khu đông huyện Bình Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) những năm tháng kháng chiến dày đặc quân thù. Để sinh tồn, người dân nơi đây sinh hoạt trong đêm và trong bóng tối của hầm trú ẩn. Với họ, dù có đi đến tận cùng của sự mường tượng cũng không hình dung được rằng, để có hòa bình trên mảnh đất chôn nhau, cắt rốn, họ phải đánh đổi bằng nhiều máu và sinh mạng đến thế. Vùng đất đó mang tên Bình Hòa, nơi gắn với cuộc thảm sát kinh hoàng 430 thường dân vô tội 49 năm trước do lính đánh thuê Nam Triều Tiên (Đại Hàn) gây nên.
“Cây đa nhân chứng”
Nhà ông Phạm Thái (76 tuổi) bên cạnh bia di tích lịch sử đám ruộng giếng Đồng Kho, có cây đa cổ thụ. Ông Thái không biết năm sinh tồn chính xác của cây đa nhưng có lẽ đã vượt tuổi của ông rất nhiều. Ông đặt tên là “cây đa nhân chứng” của buổi sáng định mệnh mà 181 người, trong đó có vợ và con gái ông là bà Phạm Thị Kiểu, khi đó mới 30 tuổi và con gái Phạm Thị Khuyến mới 4 tuổi bị ngã gục trước họng súng quân thù. Cây đa vẫn lên xanh, vươn cao và ngạo nghễ với đời, nhưng chất chứa những u uẩn gì trong đó thì khó ai biết được.
Ông Phạm Thái, có vợ và con gái là nạn nhân trong vụ thảm sát tại Bình Hòa 49 năm trước.
“Từ 4 giờ sáng, khi gà vừa cất tiếng gáy, tất cả người già, phụ nữ, trẻ em bị dồn xuống đám ruộng bên cạnh chiếc giếng. Những viên đạn lạnh lùng từ họng súng vô tri nhằm thẳng vào những dân thường vô tội bóp cò. Trẻ em kêu thét. Người lớn kêu than nhưng thân người vẫn ngã gục chồng lên nhau”, cảnh tượng hãi hùng, bi thương đó đã theo ông Thái 49 năm nay. Để bây giờ mỗi khi nhớ lại, ông không thể nào khóc được nữa, nhưng tận sâu trong cõi lòng, cứ dấy lên một cảm xúc uất nghẹn. “Hôm đó tôi đi trốn trong hầm trú ẩn cùng vài người khác. Khi gây tội ác xong, khi biết bọn lính Đại Hàn đánh thuê cho Mỹ rút hết, tôi mới dám về làng. Nhìn thấy vợ con, những người hàng xóm thân thương lầy trong vũng máu, cái cảm giác uất nghẹn ấy không thể nào quên được”, ông Thái nói, rồi bước thấp cao lên tấm bia có ghi tên vợ và con gái. Nén nhang trên tay ông cháy, làn khói mơ hồ cuộn tròn như phủ lấy thân người ông rồi là đà bay lên cao.
Đến Bình Hòa, đi từ đầu đến cuối làng, bắt gặp nhiều đàn ông. Cũng dễ hiểu thôi, bởi những nạn nhân trong vụ thảm sát phần lớn là phụ nữ. Có lẽ cũng vì thế, ở những người đàn ông này, ngoài những câu chuyện về cuộc đời được kể lại theo những nếp nhăn đơn kép, trên những khuôn mặt họ vẫn còn váng vất khói bom chiến tranh, hằn vết chân chim khi những nỗi đau chất chứa không thể nói hết bằng lời, thể hiện hết bằng cảm xúc. Ông Trần Văn Phúc (82 tuổi), là một người đàn ông như vậy. 5 người thân cùng lúc bị giết hại khiến một mình ông vắt kiệt sức, dồn hết thương đau, tiếc nuối đến nỗi ngất lịm, khi tỉnh dậy thì thấy bà con đang cho uống từng giọt nước.
Ông Phúc vẫn còn nhớ như in: “Khoảng 10 giờ ngày 6-12-1966, khi tôi đang chăn thả bò ngoài đồng thì thấy lính Đại Hàn tiến vào xóm An Phước. Trèo lên cây, nhìn về xóm thì thấy lính dồn hết dân xuống một đám ruộng. Mọi lần chúng cũng dồn dân lại, nhưng rồi thả ra. Không ngờ lần này, chúng điên cuồng nã súng và pháo vào dân, hết lượt này đến lượt khác. Tất cả, không một ai có vũ khí, lần lượt ngã rạp, chất chồng lên nhau”. Ngày hôm đó, tại xóm An Phước, lính Đại Hàn đã tập trung dân đến 3 địa điểm dốc Rừng, Chồi Giữa và Ruộng Giếng, giết chết 256 người. Cả xóm An Phước bị lửa thiêu rụi, chỉ còn lác đác vài mái nhà và vài chục người ra đồng, may mắn sống sót. Bà Trịnh Thị Huyền, Hội trưởng hội Phụ nữ xã thời điểm đó, đến nay đã 83 tuổi, nhớ lại: “Mình phải nhờ du kích các xã Bình Phú, Bình Hải đến giúp, chặt bẹ chuối bó xác, cột vô cây tre mà khiêng đi chôn dưới những hố tập thể. Hai ngày hai đêm mới hết xác bà con. Cả xã Bình Hòa ngày ấy, tang tóc thấu trời xanh…”!
Sau ngày thảm sát, ngọn lửa căm hờn bùng lên khắp nơi. Trong màu trắng khăn tang, toàn dân Bình Hòa hô to khẩu hiệu “Xé xác Rồng Xanh, phanh thây Mãnh Hổ (sư đoàn bộ binh Capital - Đại Hàn)”. Bà Huyền cùng một số người tập trung, kêu gọi bộ đội Tiểu đoàn 83 và Tiểu đoàn 48, cùng cắt máu ăn thề, quyết chí trả thù cho đồng bào bị giặc sát hại. Rất nhiều người dân Bình Hòa mất đi người thân trong vụ thảm sát, đã xung phong ra trận đánh đuổi giặc xâm lăng, giành lấy hòa bình, tự do cho quê hương, đất nước.
Con đường gồ ghề dẫn vào các điểm di tích ở Bình Hòa, Bình Sơn, Quảng Ngãi.
Vòng hoa đến từ Hàn Quốc
Là xã đồng bằng ven biển thuộc trung tâm khu đông huyện Bình Sơn, xã Bình Hòa có vị trí trọng điểm, nối liền nhiều trục đường chính của huyện. Trong chiến tranh, nơi đây ghi dấu tinh thần chiến đấu bất khuất, ngoan cường cùng nhiều chiến công hiển hách của đồng bào ta. Những năm 1965 - 1967, đế quốc Mỹ đã lấy 2 xã Bình Hòa và Bình Hải làm trọng điểm đánh phá, nhằm tiêu diệt tận gốc cơ sở cách mạng vùng Đông Bắc Quảng Ngãi.
Những tấm bia mới được dựng lên bên những ngôi mộ tập thể. Những dòng chữ màu vàng ghi họ tên những nạn nhân để những người còn sống tưởng nhớ và tri ân. Bát hương đầy ắp những chân hương xòe ra như bông hoa bung cánh như thể hiện tấm lòng của những người còn sống đối với những người không may mắn ra đi những ngày định mệnh đó. Bên cạnh, đám ruộng lúa mới được gieo sạ đã lên xanh. Những người nông dân đang chăm chỉ tỉa cỏ để dành chất dinh dưỡng cho lúa. Làng quê yên bình với những đàn trâu đang đủng đỉnh về chuồng sau một ngày hì hụi kiếm thức ăn…
|
40 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước, 49 năm sau vụ thảm sát chấn động đó, thời gian như thoi đưa, cỏ cây đã bật mầm vươn lên phủ xanh che khuất những đau thương. Chúng tôi đến những điểm di tích để dâng lên các nạn nhân những nén tâm nhang vào ngày mưa, bầu trời u ám, xám xịt. Trong tâm trí luôn thường trực ý niệm về những bước chân nhẹ nhàng, rón rén hơn vì sợ làm cho họ “đau” thêm lần nữa. Lội bộ qua những đoạn đường nhão nhoẹt bùn đất, chỗ lại gập ghềnh đá cuội, đá dăm. Loay hoay mãi rồi cũng đến được bia tưởng niệm. Những ngôi mộ tập thể sau tấm bia đã phủ lên màu xám rong rêu và xanh cây cỏ nằm im lìm dưới làn mưa phùn giăng kín trong buổi chiều đông lạnh tê tái. Cái thê lương có lẽ vì vậy mà khiến con người ta cảm nhận rõ ràng hơn!
Trước những tấm bia ghi danh tưởng niệm, vòng hoa đã bắt đầu tàn phai. Vòng hoa đó không phải của người thân họ dâng, mà đến từ Hàn Quốc, mang dòng chữ: Đoàn Ngôi nhà Văn học Jeju. Ông Bùi Việt Khoa, Bí thư Đảng ủy xã Bình Hòa cho biết mỗi năm, xã đón từ 3 - 4 đoàn du khách Hàn Quốc, gồm: sinh viên, nhà nghiên cứu lịch sử, trong đó có đoàn Ngôi nhà văn học Jeju và năm nào họ không đến được đúng vào ngày thảm sát thì họ gửi vòng hoa để dâng lên những nạn nhân xấu số. “Nhiều lần, họ bùi ngùi trước những ngôi mộ tập thể, thành tâm rằng họ trở lại Bình Hòa với mong ước chung tay hàn gắn vết thương chiến tranh”, ông Khoa nói thêm. Còn nhà thơ Thanh Thảo, nguyên Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Quảng Ngãi, cũng cho biết mối quan hệ giữa Hội VHNT Quảng Ngãi và Đoàn Ngôi nhà Văn học Jeju đã được tạo lập trong khoảng 10 năm trở lại đây. Trong khoảng thời gian đó, các nhà văn trẻ, trưởng thành và gạo cội luôn tìm đến Bình Hòa để tìm hiểu, lắng nghe và chia sẻ nỗi đau. “Văn học xóa đi mọi khoảng cách, đưa con người đến gần nhau hơn. Thông qua những tác phẩm văn học, những mất mát đau thương của người dân Bình Hòa sẽ được nhân dân Hàn Quốc, nhân dân yêu chuộng hòa bình biết đến, tiếng nói lương tri được ngân lên. Biết đâu đó một ngày, những người từng gây nên tội ác sẽ quay lại mảnh đất này xám hối, đồng cảm và chia sẻ lẫn nhau”, nhà thơ Thanh Thảo nhận định.
Quay trở lại với vụ thảm sát Bình Hòa, năm 1991, Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa Thể thao - Du lịch) đã xếp hạng cấp quốc gia đối với di tích này. Cũng năm đó, quyết định xây 5 bia tưởng niệm ở 5 vị trí thảm sát được tiến hành. Tuy nhiên, theo ông Bùi Việt Khoa, tâm niệm của xã, người thân có người bị thảm sát là có một nhà bia tưởng niệm chung để quy tập các nạn nhân về một vị trí. Điều nữa, ông Khoa cũng như những gia đình có người thân bị thảm sát trăn trở là trên những tấm bia ghi danh, có nhiều sai sót về họ, tên các nạn nhân. Không những vậy, là di tích quốc gia nhưng đường dẫn vào rất “xấu”. Vì vậy, quy tập về một nơi, hoặc làm đường giao thông để những người đã ngã xuống được ấm lòng. Với những người còn sống, ở trên đất nước Việt Nam hay Hàn Quốc tìm đến được thuận lợi, dễ dàng và gần gũi hơn là chính đáng.
HÀ MINH