Hoài niệm sách cũ

Vào hai ngày 29 và 30-11 tại Hà Nội sẽ diễn ra một hội sách đặc biệt với tên gọi Đại hội sách cũ Hà Nội 2014. Đại hội quy tụ hơn 10 đơn vị có tiếng trong lĩnh vực kinh doanh và sưu tầm sách cũ tại Hà Nội như Sách cũ Hà Thành, Sách xưa, Books sales, Sách truyện vỉa hè, Sách cũ Chiến, Tùng’s books… Đây là chương trình do Công ty Sách Alpha Books đứng ra tổ chức tại khuôn viên 176 Thái Hà.

Trong số các đầu sách xuất hiện tại sự kiện này sẽ có một số bản in được đánh giá cao như Chiến tranh và Hòa bình (có chữ ký của dịch giả Nguyễn Hiến Lê, được nhà sách Lá Bối in năm 1968), Tam quốc diễn nghĩa (bản in 1983). Ngoài ra, một số bản sách được giới sưu tầm săn lùng như Phân tâm học nhập môn của Sigmund Freud xuất bản năm 1970 (bản dịch của Nguyễn Xuân Hiếu), Mozart - Cuộc đời và nghệ thuật (tác giả Percy M. Young - dịch giả Hoài Khanh do Nhà sách Ca Dao in 1972)… sẽ được bán đấu giá vào cuối chương trình. Dự kiến, 50% số tiền bán đấu giá sẽ được Alpha Books sử dụng để mua sách đóng góp cho thư viện Trường THPT Lạc Sơn A (tỉnh Hòa Bình).

Tại TPHCM vào đầu tháng 12-2014, Công ty Văn hóa và truyền thông Nhã Nam phối hợp cùng hơn 20 đơn vị xuất bản sách có uy tín tổ chức Hội sách giảm giá 2014. Một trong những điểm nhấn chính của hội sách là khu sách cũ, sách hiếm với một số lượng lớn sách xưa sẽ được bán bao gồm nhiều bộ sách từ thời bao cấp, các sách quý xuất bản cách đây nhiều năm hiện khó có thể tìm thấy trên thị trường, của nhiều tác giả lớn, có ảnh hưởng lâu dài như Nguyễn Hiến Lê (Đắc nhân tâm - 1952, Quẳng gánh lo đi và vui sống - 1955), Toan Ánh (Phong lưu đồng ruộng - 1958, Người Việt đất Việt - 1967), Nguyễn Duy Cần (Nhập môn triết học phương Đông - 1971, Tôi tự học - 1959)…

Trước đây, thị trường sách cũ (sách cũ ở đây phải hiểu là sách có tuổi đời ít nhất khoảng 20 năm trở lên) vẫn luôn tồn tại với một lượng bạn đọc nhất định. Tuy nhiên, thời gian gần đây, sách cũ đã dời khu phố, cửa hàng sách nhỏ để đến với các hội sách, nơi mà trước nay chỉ để dành cho sách mới. Quản lý một diễn đàn chuyên về sách cũ cho rằng nhu cầu mua sách cũ đã thay đổi khá nhiều cho với trước đây đặc biệt là với dòng khách hàng vốn tìm mua do vấn đề giá, còn nhu cầu mua để sưu tầm đang ngày càng trở nên bão hòa. Trong khi đó, đã xuất hiện một thực tế là bạn đọc thông thường vẫn có nhu cầu mua sách cũ nhưng lại ít có điều kiện để tiếp xúc, tìm kiếm sách cũ vốn đòi hỏi nhiều công sức.

Chính vì thế, sách cũ đã trở thành món gia vị mới cho các hội sách. Năm 2013, các gian hàng sách cũ (chủ yếu là dòng sách thời bao cấp) tại hội sách cũng do Nhã Nam tổ chức ở TPHCM đã thu hút đông đảo bạn đọc. Một bạn đọc kể lại cảm giác xúc động khi đi hội sách và tình cờ giữa đống sách cũ anh thấy cuốn sách Đội săn của quốc vương Xtác: “Tôi nhận ra nó ngay lập tức, cái cuốn sách bìa chẳng có hình gì ngoài dòng chữ tên tác phẩm và cái màu xanh nhàn nhạt cũ kỹ. Khi lần đầu đọc cuốn sách, tôi không nhớ tên NXB hay năm xuất bản. Nay gặp lại mới biết nó do NXB Thế giới mới in năm 1985”. Cuốn sách đó đối với bạn đọc này rất quan trọng vì chính nó đã mở ra cho một cậu bé ngày đó một thế giới mới của trí tưởng tượng, nơi có sự kỳ bí, âm mưu và cả những bất ngờ. Mua cuốn sách và cất trang trọng lên tủ sách nhưng hầu như không đọc lại vì “thực ra tôi gần như thuộc lòng tác phẩm, với tôi nó không còn là một cuốn sách mà đúng hơn là dấu ấn hoài niệm của một thời tuổi thơ”.

Không chỉ tìm sách vì hoài niệm, một số bạn đọc đến với sách cũ còn vì một lý do khá đặc biệt là vấn đề bản dịch. Một độc giả cho biết anh rất thích tác phẩm Ba người lính ngự lâm, nhưng các bản dịch hiện nay đều không thể so với bản dịch vào khoảng năm 1985 của NXB Văn học. Thông qua những đợt bán sách cũ, anh đã tìm được trọn bộ cả 3 phần của tác phẩm này.

TƯỜNG VY

Tin cùng chuyên mục