Hoàn thiện pháp luật để giải quyết dứt điểm tranh chấp ở chung cư

Thông tin từ hội thảo tăng cường quản lý chung cư do Bộ Xây dựng tổ chức ngày 7-3 tại Hà Nội cho biết, hiện cả nước có 108 dự án chung cư đang xảy ra tranh chấp, khiếu nại giữa cư dân với chủ đầu tư, chủ yếu xảy ra trên địa bàn Hà Nội và TPHCM. Các tranh chấp này là do công tác quản lý chung cư vẫn còn nhiều bất cập.

 

Cuộc chiến chưa có hồi kết

Ông Hà Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, việc tranh chấp, khiếu kiện diễn ra tại các chung cư đang ngày càng phức tạp, hỗn loạn. Nổi cộm nhất là những tranh chấp về sở hữu chung riêng, hoạt động của ban quản trị, kinh phí bảo trì, phí quản lý dịch vụ, diện tích sinh hoạt cộng đồng… 

Theo ghi nhận của các cơ quan quản lý, đã có những chủ đầu tư không chịu bàn giao quỹ bảo trì về ban quản trị. Hoặc ngược lại, một số nhóm khách hàng bằng mọi cách tham gia vào ban quản trị nhằm trục lợi số tiền bảo trì. Nếu không được tham gia, họ dùng nhiều cách xúi giục, lôi kéo, gây mất đoàn kết ở chung cư. Không có cơ chế giải quyết mâu thuẫn, các cư dân đã tổ chức đấu tranh đòi quyền lợi một cách tiêu cực như tổ chức diễu hành trên đường phố, bôi nhọ uy tín thương hiệu của chủ đầu tư. Chủ đầu tư phản ứng lại bằng cách đơn phương cắt điện nước, gây khó khăn cho sinh hoạt của người dân. Thực tế, nhiều chung cư đã xảy ra mâu thuẫn nhiều năm và đến nay chưa có hồi kết.

Một số tranh chấp ở chung cư có thể được giải quyết dứt điểm nếu có sự vào cuộc chủ động của chính quyền địa phương và các cơ quan tư pháp, quản lý đô thị, tài nguyên - môi trường   
                             Ảnh: MINH BẢO
 Bộ Xây dựng thừa nhận, những tranh chấp, khiếu kiện xảy ra có liên quan đến văn bản pháp luật chưa quy định rõ ràng, nhất là cách tính diện tích căn hộ, hộp kỹ thuật, diện tích chung riêng. Bên cạnh đó, quy định các chế tài xử phạt hành vi vi phạm cũng chưa phù hợp, chưa đầy đủ, chưa đủ mạnh với yêu cầu quản lý và tình hình thực tế. Một số chủ đầu tư chưa đủ năng lực thực hiện dự án, chuyển nhượng dự án không đúng quy định, vi phạm các quy định pháp luật về đầu tư xây dựng, pháp luật về nhà ở, pháp luật về phòng cháy chữa cháy... Có những chủ đầu tư chỉ chú trọng thu lợi nhuận, chưa quan tâm thích đáng đến nghĩa vụ sau khi bán hàng, không công khai đầy đủ thông tin về dự án. Người dân không xem xét hết các nội dung đã thỏa thuận trong hợp đồng mua bán căn hộ. Cũng theo Bộ Xây dựng, tranh chấp chung cư còn lộ rõ tồn tại: vai trò quản lý nhà nước của các cơ quan chuyên ngành và chính quyền địa phương ở một số nơi chưa thực hiện tốt.


Mô hình công ty quản lý chung cư có khả thi?

Để giải quyết thực trạng tranh chấp, khiếu kiện giữa người dân và các chủ đầu tư chung cư, đại diện các chủ đầu tư đã đề nghị Bộ Xây dựng sớm rà soát sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quản lý nhà chung cư. Nhiều ý kiến đề nghị Bộ Xây dựng cần nghiên cứu, ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật xây dựng nhà chung cư, trong đó quy định cụ thể cách xác định diện tích căn hộ, phần diện tích thuộc sở hữu chung và sở hữu riêng. Có ý kiến đề xuất không tiếp tục sử dụng mô hình ban quản trị với thành phần chính là cư dân và đại diện chủ đầu tư. Thay vào đó, Bộ Xây dựng thành lập những công ty quản lý vận hành chung cư chuyên nghiệp, hoạt động độc lập với các chủ đầu tư và cư dân. Các công ty này được Bộ Xây dựng trao quyền tiếp nhận, xử lý các thông tin từ chủ đầu tư, cư dân hoặc giao việc quản lý, vận hành cho chủ đầu tư trực tiếp triển khai dưới sự giám sát chặt chẽ của các sở ban ngành liên quan. Trong khi đó, đại diện Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) còn kiến nghị Bộ Xây dựng thực hiện biện pháp cưỡng chế buộc chủ đầu tư phải bàn giao quỹ bảo trì chung cư cho ban quản trị; đồng thời quy định chặt chẽ trách nhiệm của chủ đầu tư trong việc bàn giao nhà, làm sổ đỏ cho người mua nhà đúng cam kết theo hợp đồng.


Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ khẩn trương rà soát, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật để tạo hành lang pháp lý tăng cường quản lý nhà chung cư, giải quyết dứt điểm những tranh chấp đang diễn ra và hạn chế đến mức thấp nhất những tranh chấp, khiếu kiện phát sinh. Bộ Xây dựng cũng sẽ rà soát việc sử dụng đất xây dựng chung cư cũng như việc chấp hành giấy phép xây dựng các dự án chung cư liên quan đến quyền sở hữu nhà ở của người mua nhà. Dự kiến cuối tháng 3-2019, Bộ Xây dựng phối hợp với Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tổ chức đoàn công tác làm việc, kiểm tra về quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư trên địa bàn TPHCM, trong đó kiểm tra tại các chung cư đã đưa vào sử dụng có tranh chấp.

Tin cùng chuyên mục