Hoãn xây đập thủy điện Xayaburi

Xem xét khả năng vi phạm nhân quyền của nhà thầu
Hoãn xây đập thủy điện Xayaburi

Cuộc họp đặc biệt của Ủy ban sông Mekong (MRC) ngày 19-4 tại Viêng Chăn (Lào) đã kết thúc. Theo đó, Lào sẽ hoãn xây dựng đập thủy điện Xayaburi trên sông Mekong. Thông báo sau cuộc họp nêu rõ các nước Campuchia, Thái Lan và Việt Nam lo ngại đập thủy điện Xayaburi sẽ mở đường cho việc xây dựng khoảng 10 đập khác ở vùng hạ lưu sông Mekong, làm suy thoái hệ sinh thái của sông Mekong và đe dọa cuộc sống của hàng chục triệu người dân sống dựa vào dòng sông này. Tuy nhiên, tại cuộc họp trên, 4 quốc gia Đông Nam Á đã không thống nhất được về việc liệu Lào có hủy dự án xây đập này hay không. Các bên cho biết một quyết định cuối cùng nên được đưa ra tại cuộc họp cấp bộ trưởng.

Người dân Thái Lan biểu tình tại Bangkok phản đối dự án thủy điện Xayaburi.

Người dân Thái Lan biểu tình tại Bangkok phản đối dự án thủy điện Xayaburi.

Xem xét khả năng vi phạm nhân quyền của nhà thầu

Báo Bangkok Post ngày 19-4 cho biết, nhà thầu xây dựng đập thủy điện Xayaburi tại Lào có thể sẽ đối mặt với cuộc điều tra xem liệu việc xây dựng con đập này có vi phạm nhân quyền hay không?

Bà Sripapha Phetmeesri thuộc Ủy ban liên chính phủ ASEAN về nhân quyền (AICHR) ngày 18-4 cho biết, bà sẽ yêu cầu AICHR xem xét các yếu tố pháp lý của nhà thầu Ch Karnchang Plc, đơn vị liên doanh với Lào xây dựng đập. Nếu dự án trị giá 3,8 tỷ USD này được tiến hành, 8 tỉnh Đông Bắc của Thái Lan cũng bị ảnh hưởng.

Một nhóm những người dân của 8 tỉnh này đã thành lập mạng lưới bảo tồn Chiang Khong (CKCN) và đã gửi kháng nghị đến bà Sripapha. CKCN cũng đã gửi thư phản đối tới Đại sứ quán Lào tại Thái Lan và Thủ tướng Thái Lan Abhisit Vejjajiva.

Theo bà Sripapha, AICHR không có quyền trực tiếp xem xét các vi phạm nhân quyền của bất kỳ công ty nào tại khu vực Đông Nam Á nhưng có thể thông qua cơ chế phối hợp trách nhiệm xã hội (CRS). Cơ chế này sẽ được AICHR thông qua vào tháng tới.

Cũng theo bà Sripapha, AICHR có thể xem xét chủ dự án, các nhà thầu và các nhà cho vay vốn đã vi phạm các nguyên tắc CRS, trong đó có việc bảo vệ môi trường và bảo vệ quyền lợi người dân. Một bản báo cáo về vấn đề này sẽ được gửi tới Văn phòng Ban thư ký ASEAN tại Indonesia cũng như các chính phủ liên quan.

Ai chủ trì và chủ chi dự án?

Theo báo The Nation, các đơn vị tài trợ chính cho dự án gồm các ngân hàng Bangkok Bank, Kasikornbank, Krung Thai Bank và Siam Commercial Bank. Sau khi hoàn thành nhà máy điện có công suất 1.285 MW, Thái Lan sẽ mua 95% lượng điện.

Nhà thầu Ch. Karnchang Plc là tập đoàn xây dựng lớn thứ ba của Thái Lan, sẽ nắm giữ 57% cổ phần trong dự án trị giá 3,8 tỷ USD này. PTT Pcl, công ty năng lượng lớn nhất của Thái Lan nắm giữ 25%, Công ty Phát điện Pcl (EGCO) giữ 12,5% cổ phần. Dự án sẽ hoàn tất và bắt đầu hoạt động từ tháng 1-2019.

"Việc chấp thuận cho xây đập Xayaburi có thể gây tổn thất không thể bù đắp và đe dọa sự ổn định của Đông Nam Á"

Thượng nghị sĩ Mỹ Jim Webb

Kế hoạch đề nghị cho xây đập thủy điện Xayaburi càng làm cho dư luận thất vọng hơn sau khi báo chí Thái Lan đưa tin việc giải tỏa mặt bằng đã bắt đầu từ lâu trước khi Lào trình thông báo lên Ủy ban sông Mekong (MRC) về dự án này. Trong khi đó, các nhà hoạt động môi trường và các nhà khoa học muốn có thêm các cuộc nghiên cứu khoa học về ảnh hưởng của các đập trong hệ thống sông Mekong.

Xayaburi là đập đầu tiên trong hệ thống sông Mekong đòi hỏi sự chấp thuận của các chính phủ. Nhà vận động cho vấn đề sông Mekong, Ame Trandem, thuộc Tổ chức Bảo vệ môi trường sông ngòi quốc tế, nói rằng yêu cầu hoãn xây dựng đập Xayaburi do nguy hại lớn hơn nhiều so với lợi ích.

Báo cáo về việc thẩm định môi trường mang tính chiến lược do MRC đưa ra chỉ 3 tuần sau khi tiến trình xây đập Xayaburi khởi sự. Báo cáo này đã ra khuyến cáo quan trọng là “tất cả mọi quyết định về những con đập trên dòng sông chính phải được hoãn lại trong khoảng 10 năm bởi tác động của nó sẽ rất lớn”.

Theo các nhà hoạt động môi trường, đập Xayaburi sẽ ảnh hưởng tới hệ sinh thái và dòng chảy của sông Mekong. Cụ thể là ảnh hưởng tới lượng phù sa có vai trò quan trọng với cây trồng, nhất là lúa; gây nguy cơ tuyệt chủng nhiều loài cá, nhất là cá da trơn và cản trở luồng cá trên sông, ảnh hưởng đến hàng triệu người sinh sống dọc theo con sông và cả nền kinh tế của các nước có sông chảy qua.

Về môi trường, đập có thể làm gia tăng hạn hán (khi tích nước) hoặc làm cho các trận lũ thêm tồi tệ (khi xả nước). Có tới 10 đập khác được đề nghị xây dựng ở hạ lưu sông Mekong và các nhà hoạt động môi trường cảnh báo nếu xây dựng những đập này sẽ ảnh hưởng tới 40 triệu người.

Thụy Vũ

- Xây thủy điện Xayaburi - “Phát đại bác” công phá an ninh lương thực khu vực

Tin cùng chuyên mục