
Một đợt thanh tra, chấn chỉnh hoạt động của các bến đò, bến thủy nội địa “lậu” trên địa bàn TPHCM vừa được lực lượng chức năng triển khai thực hiện. Đợt kiểm tra này, theo kế hoạch, sẽ kéo dài đến cuối tháng 10.

Đò An Phú Đông hoạt động trên sông Vàm Thuật. Ảnh: Diễm Thy
Đủ kiểu vi phạm
Có thể nhắc đến một số bến đò, bến thủy nội địa hoạt động không phép thuộc loại có “tên tuổi” trên địa bàn thành phố: một loạt bến “chuyên doanh” vật liệu xây dựng hoặc bơm hút cát trên rạch Bà Chiêm thuộc xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè; các bến bãi ở bờ trái Kênh Đôi trên đường Phạm Thế Hiển, phường 5 quận 8 hoặc ở bờ trái rạch Xóm Củi trên đường Tạ Quang Bửu cũng thuộc phường 5 quận 8; các bến thủy tập kết tại bờ trái sông Sài Gòn thuộc địa bàn quận Thủ Đức; hoặc các bến đò đưa rước khách không phép trên bờ phải sông Phú Xuân thuộc huyện Nhà Bè…
Có rất nhiều điều đáng phải lo lắng khi nói đến các bến đò, bến thủy hoạt động “chui” trên sông nước thành phố thời gian qua. Bởi vì qua thực tế kiểm tra, lực lượng Thanh tra Giao thông vận tải đã phát hiện hàng loạt sai sót, vi phạm đủ kiểu đủ dạng của các chủ bến. Khi thanh tra bến thủy nội địa đưa rước khách của bà Hồ Thị Thủy hoạt động trên bờ phải sông Phú Xuân thuộc thị trấn Nhà Bè, huyện Nhà Bè, lực lượng chức năng phát hiện toàn bộ các phương tiện dùng chở khách đều không có bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự theo quy định, thuyền trưởng hoặc không có bằng thuyền trưởng hoặc có bằng thuyền trưởng nhưng không phù hợp, tức là bằng thuyền trưởng chuyên về một đàng thì hoạt động chuyên về một nẻo. Bến thủy nội địa do ông Cao Tấn Nhiều làm chủ, hoạt động ở bờ trái rạch Xóm Củi trên đường Phạm Thế Hiển, phường 5 quận 8 thì dùng xe xúc bánh hơi không đăng ký, không đăng kiểm để bốc dỡ hàng hóa, tức tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn lao động bất cứ lúc nào. Trong khi đó, bến thủy “chuyên” bơm hút cát do chi nhánh Công ty TNHH một thành viên Hưng An Phát hoạt động bên bờ trái rạch Xóm Củi, quận 8 thì khi lực lượng chức năng đến kiểm tra, chủ bến đối phó bằng cách di dời thiết bị bơm đi nơi khác, còn máy đào bánh xích đã hết hạn kiểm định từ trước đó… vài tháng!
Có trường hợp chủ bến thủy còn có thái độ thách thức lực lượng kiểm tra. Khi đến kiểm tra bến xếp dỡ vật liệu xây dựng không phép do Công ty TNHH Thương mại dịch vụ xây dựng Đồng Mỹ hoạt động ở bờ trái Kênh Đôi trên đường Phạm Thế Hiển, cách cầu Chánh Hưng khoảng 70m về phía hạ lưu, thuộc phường 5 quận 8, đoàn kiểm tra không gặp được chủ bến. Chủ bến đã vắng mặt lại còn, qua điện thoại, nói rằng nếu đoàn kiểm tra cần làm việc hoặc liên hệ thì đến Công ty Dịch vụ công ích quận 8 để biết cụ thể hoạt động của bến. Trong khi đó bến của Công ty TNHH một thành viên dịch vụ xây dựng xuất nhập khẩu Hùng Cường dù đã 3 lần được lực lượng Thanh tra yêu cầu xuất trình giấy tờ bản chính để lập biên bản xử lý vi phạm hành chính nhưng đến nay doanh nghiệp này vẫn cố tình né tránh, không hoạt động vào ban ngày nhưng lén lút hoạt động vào các thời điểm khi không lực lượng kiểm tra đã rút đi.
Tăng cường kiểm tra, xử lý
Số liệu mới nhất từ lực lượng chức năng cho thấy toàn địa bàn thành phố hiện có 66 bến đò hoạt động không phép trên các tuyến đường thủy nội địa. Các bến đò, bến thủy này hoạt động đủ loại dịch vụ, từ vận chuyển hành khách cho đến vận chuyển hàng hóa và đều tập trung hầu hết ở vùng ven, các huyện ngoại thành như huyện Nhà Bè, quận 8, Thủ Đức… Thậm chí các bến bãi “mọc lên” san sát, theo kiểu “buôn có bạn, bán có phường” trên cùng một đoạn ngắn sông, kênh, rạch như trường hợp tại rạch Bà Chiêm nêu trên. Trong số 66 bến không phép ấy, lực lượng Thanh tra Giao thông vận tải đã lập biên bản vi phạm hành chính 33 trường hợp, Phòng Cảnh sát Giao thông đường thủy lập biên bản xử lý 3 trường hợp và 29 trường hợp khác bến ngưng hoạt động.
Có một thực tế là chỉ riêng lực lượng Thanh tra Giao thông vận tải thôi sẽ không thể bao quát, phủ sóng kiểm tra được hết các bến thủy nội địa lậu trong khi chức năng làm chốt chặt đầu tiên và hiệu quả này đúng ra thuộc về chính quyền các quận huyện. Trường hợp 5 bến thủy nội địa “chui” trên địa bàn xã Tân Túc huyện Bình Chánh và 6 bến khác thuộc địa bàn phường Tân Phú, Phú Thuận quận 7 là ví dụ cho thấy vai trò của chính quyền địa phương có tính quyết định thế nào. Toàn bộ 11 bến thủy không phép này đều đã được lực lượng kiểm tra cưỡng chế, tạm giữ phương tiện hoặc niêm phong thiết bị xếp dỡ. Sau đợt kiểm tra, xử lý, Thanh tra Giao thông Vận tải đã bàn giao cho chính quyền địa phương để tiếp tục kiểm soát. Thế nhưng đến thời điểm hiện nay, số bến này vẫn hoạt động. Thanh tra Giao thông vận tải, trong quyền hạn của mình, đã kiến nghị chính quyền cơ sở cần xử lý kiên quyết hơn đối với các bến thủy hoạt động không phép trên địa bàn của mình.
Cũng có một hạn chế khác khiến cho tác nghiệp của lực lượng Thanh tra Giao thông vận tải bị giảm hiệu quả. Đó là trong quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lãnh vực giao thông đường thủy nội địa. Hành vi sai phạm về bến thủy không phép chỉ bị chế tài bằng cách phạt tiền từ 2-3 triệu đồng nên chủ bến không “ngán”. Có ý kiến cho rằng nếu có hình thức phạt bổ sung buộc tháo dỡ, giải tỏa như các hành vi vi phạm khác thì tính răn đe sẽ lớn, kết quả sẽ tốt hơn nhiều.
Thiện Nhân